Tâm đắc với điều này, đồng chí Dương Viết Dũng, Bí thư Đảng ủy thị trấn Hương Sơn, huyện Phú Bình tâm sự: Mỗi khi có khó khăn, chúng tôi lại mang QCDC để tìm cách khắc phục. QCDC như chiếc “chìa khóa vàng” mở ra những thành công. Từ năm 2011 đến nay, thị trấn xây dựng 6 đoạn đường liên xóm, tổ dân phố dài 4,5km. Mỗi đoạn được đầu tư khác nhau, phức tạp khác nhau. Làm đoạn nào trước, đoạn nào sau; hoặc 2 tổ dân phố cùng chung một đoạn thì đầu tư và thi công ra sao… chúng tôi đều họp dân, để dân quyết định. Hội CCB còn yêu cầu hội viên làm nòng cốt, 100% tham gia dự họp, ai thấy vướng mắc thì phản ảnh kịp thời, gương mẫu trước nhân dân. Do vậy, nhân dân không những nhất trí cao, các gia đình còn hiến 4.764m2 đất, tự tháo dỡ công trình bàn giao mặt bằng không yêu cầu đền bù hoặc bồi thường. Từ “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” mà thị trấn phát triển toàn diện, thu ngân sách năm 2013 ước đạt 7,3 tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người đạt 23 triệu đồng/năm, giảm hộ nghèo còn 3,4%; cả 3 trường học và trạm y tế đều đạt chuẩn quốc gia; là đơn vị Anh hùng LLVTND trong kháng chiến nay đạt đô thị loại 5. Tuy vậy, công tác tuyên truyền, học tập các chỉ thị, văn bản pháp luật chưa thường xuyên. Một số công dân hiểu chưa đúng về QCDC hoặc lợi dụng dân chủ mà phát ngôn, yêu sách, gây khó khăn cho việc thực hiện.

Là người trưởng thành từ cán bộ các cơ quan, đồng chí Hoàng Thanh Giao, Thường trực Huyện uỷ, Phó chủ tịch UBND huyện Phú Bình chia sẻ: Huyện có 21 xã, thị trấn, 318 xóm, tổ dân phố với gần 135 ngàn người. Thực hiện QCDC, Phú Bình tập trung vào “3 khâu đột phá” là: Công tác tổ chức cán bộ, cải cách hành chính và xây dựng nông thôn mới (NTM). Các cấp đã có 285 buổi tuyên truyền cho 100% cán bộ, đảng viên, hội viên, đoàn viên và 85% nhân dân được học tập, quán triệt nội dung. Đến nay các cấp ủy đảng, chính quyền và đoàn thể được bố trí đúng cán bộ, có quy hoạch cụ thể. Công tác cải cách hành chính công khai thủ tục, niêm yết các quy định, giải quyết kịp thời những kiến nghị, đề xuất của nhân dân. Xây dựng NTM hoàn thành quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2015-2020; kết cấu hạ tầng nông thôn được đầu tư đồng bộ, từng bước hiện đại; nhóm xã đạt 10-15 tiêu chí chiếm 35%, đạt 7-9 tiêu chí chiếm 45%, đạt 6 tiêu chí chiếm 20% (không có xã đạt dưới 6 tiêu chí). Có xã được giao làm chủ đầu tư dự án trên 3 tỷ đồng đã hoàn thành tốt. 9 tháng đầu năm 2013, huyện tổ chức 3 cuộc với 5 đoàn kiểm tra 10 đơn vị về thực hiện QCDC. Kết quả nổi bật là toàn huyện có 267/318 xóm, tổ dân phố xây dựng được hương ước, quy ước; 100% khu dân cư có tổ an ninh, tổ hòa giải, ban thanh tra nhân dân; bà con hiến 20ha đất để xây dựng hạ tầng cơ sở, vốn đối ứng của nhân dân ước tính 80 tỷ đồng; công tác tiếp dân đi vào nền nếp, giải quyết khiếu nại, tố cáo đúng quy trình, thẩm quyền, không có khiếu kiện đông người. Điều đó thể hiện quy chế đã phát huy tinh thần gương mẫu của cán bộ, vai trò chủ thể của người dân. Nhưng vẫn còn hạn chế là có nơi thực hiện QCDC chưa đáp ứng được yêu cầu của nhân dân. Thể hiện ở việc “công khai” chưa thường xuyên; một số cán bộ, công chức chưa tâm huyết, chưa thực sự trọng dân, gần dân và hiểu dân; có những xóm, tổ dân phố thực hiện hương ước, quy ước chưa nghiêm túc… nên kết quả còn hạn chế.

Đồng chí Nguyễn Văn Kim, Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy cho biết: Để cụ thể hóa các chỉ thị, nghị quyết của T.Ư, tỉnh Thái Nguyên có Đề án số 08 về “Nâng cao chất lượng và hiệu quả thực hiện QCDC ở cơ sở giai đoạn 2011-2015”. Chúng tôi sửa đổi, bổ sung, ban hành các văn bản quy định liên quan đến lợi ích hợp pháp của nhân dân. Là tỉnh miền núi có đồng bào dân tộc, nên chúng tôi tập trung lãnh đạo, chỉ đạo cấp ủy, chính quyền, các cấp, các ngành, đoàn thể cùng vào cuộc. Lấy cơ sở làm nền tảng, lấy người dân là mục tiêu để phục vụ. Toàn tỉnh có 95,6% số xã, phường, thị trấn, cơ quan, đơn vị hành chính, doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở dịch vụ có tổ chức công đoàn, kiện toàn ban chỉ đạo; chất lượng hoạt động tốt và khá chiếm trên 97%, trung bình và yếu gần 3%; có 95% số xóm, bản, tổ dân phố xây dựng xong quy ước, hương ước; 100% số xã, phường, thị trấn có tổ chức công đoàn; 99% đơn vị tổ chức hội nghị cán bộ, công chức; trong trên 3 ngàn doanh nghiệp có 208 doanh nghiệp có tổ chức đảng với trên 8 ngàn đảng viên và gần 20% doanh nghiệp có tổ chức công đoàn. Những kết quả trên cho thấy chủ trương thực hiện QCDC được nhân dân đón nhận, ý Đảng hợp với lòng dân. Có những dự án lớn cần giải phóng mặt bằng 127 ha mà tỉnh Thái Nguyên chỉ hoàn thành trong 57 ngày. Từ năm 2010 đến nay, Tỉnh ủy tặng bằng khen cho 73 tập thể và 70 cá nhân có thành tích xuất sắc. Tuy nhiên, việc thành lập tổ chức Đảng, công đoàn trong các doanh nghiệp ngoài quốc doanh, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài còn đang khó khăn. Qua bỏ phiếu tín nhiệm cho thấy uy tín, phẩm chất năng lực của một số cán bộ còn hạn chế, cụ thể 1,6% cấp tỉnh, 1,2% cấp huỵện, 2,8% cấp xã chưa hoàn thành nhiệm vụ hoặc tín nhiệm thấp.

Đồng chí Nguyễn Song Phi đánh giá cao kết quả thực hiện QCDC của tỉnh Thái Nguyên. Từ sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, soạn thảo, ban hành hệ thống văn bản đến việc kiện toàn tổ chức, ban chỉ đạo và tổ chức kiểm tra, sơ tổng kết rút kinh nghiệm chu đáo. Đồng chí nhấn mạnh: Thực hiện QCDC là một nội dung lớn, do đó vai trò người đứng đầu là yếu tố quyết định, MTTQ và các đoàn thể là nòng cốt, nhân dân là gốc phát huy trách nhiệm, cùng xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Bài và ảnh: Tô Kiều Thẩm