Ở trên không thì khác. Một trận đánh trên không xảy ra chỉ trong vài phút, thậm chí là dăm giây. Chỉ với từng ấy thời gian cũng đủ để quyết định giữa cái sống và cái chết, giữa thành công hay thất bại. Nhưng để có được một trận đánh thắng lợi, các sĩ quan dẫn đường đã phải chuẩn bị thâu đêm suốt sáng với hàng chục những giả định khác nhau, mỗi giả định có hàng trăm phép tính phức tạp cần phải giải để tìm ra một phương án dẫn đánh tối ưu nhất.

Trong cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc, đế quốc Mỹ đã tỏ ra là những kẻ hiếu chiến nhất nhưng cũng phải thừa nhận chúng có đầu óc rất thực tiễn. Một trận đánh hôm nay bị thất bại thì ngày hôm sau, chúng sẽ thay đổi chiến thuật và cách đánh ngay. Đây quả thực là một cuộc đấu trí gay go và ác liệt giữa ta và địch, đòi hỏi người chỉ huy, đặc biệt là các sĩ quan dẫn đường phải rất tỉnh táo và hiểu sâu sắc về địch.

Trước mỗi trận đánh, nếu như người thợ máy phải chuẩn bị máy bay và vũ khí cho thật tốt, thông tin phải thông suốt trong mọi tình huống và sân đường phải đảm bảo đường băng, đường lăn sạch sẽ thì các sĩ quan dẫn đường phải vắt óc tính toán, bảo đảm chính xác đến từng giây cho thời gian vào cấp I, thời gian mở máy cất cánh và tính toán để cho ra những số liệu chuẩn xác về hướng bay, độ cao bay và tốc độ bay cần thiết cho các trận đánh ở tất cả các hướng địch có thể bay vào. Các sĩ quan dẫn đường sẵn sàng dẫn máy bay ta vào tiếp cận địch ở thế có lợi nhất về chiến thuật, tạo điều kiện cho phi công dễ dàng phát hiện và nhanh chóng tiêu diệt chúng.

Một ngày trực ban chiến đấu đối với sĩ quan dẫn đường ở các vị trí vô cùng căng thẳng. Thực tế khi địch vào đánh phá nước ta, chúng thường bay thành nhiều tốp, nhiều tầng và theo nhiều hướng khác nhau. Có những tốp chỉ làm nhiệm vụ nghi binh, có những tốp bay hộ tống cho đội hình của máy bay ném bom, lại có những tốp chuyên đi gây nhiễu... Bằng sự nhạy bén nghề nghiệp và những kiến thức hiểu biết sâu về địch, sĩ quan dẫn đường phải nhanh chóng tìm ra đâu là tốp cường kích mang bom, dự đoán chúng sẽ vào đánh phá mục tiêu nào, đường bay sẽ ra sao để rồi đề nghị với người chỉ huy tập trung đánh chặn đúng đối tượng, bẻ gãy những đợt đánh phá điên cuồng của chúng và bảo vệ an toàn cho mục tiêu của chúng ta.

Khi đã cất cánh rời đường băng bay lên, bầu trời trở nên bao la vô tận. Trong cái không gian bao la ấy, không có chỗ để cho con người ẩn náu và né tránh. Ở bất kỳ độ cao nào, bất kỳ hướng bay nào cũng đều tiềm tàng mối rình rập của những tốp máy bay tiêm kích địch bất thần xuất hiện và phóng ra những tên lửa chết người loại "Rắn đuôi kêu". Nếu không có sự dẫn dắt của dẫn đường thì người phi công chẳng khác nào đang bay trên một hoang mạc mây mênh mông, ẩn chứa đầy rẫy những rủi ro và bất trắc. Trong những giờ phút "nước sôi lửa bỏng" như thế, bên tai phi công chỉ còn lại duy nhất giọng nói của dẫn đường vẫn vang lên ấm áp và dõng dạc, chỉ ra cho phi công biết phải bay theo những hướng bay, tốc độ, độ cao nào để tránh được tiêm kích địch và bảo đảm bí mật vào tiếp cận mục tiêu. Giọng nói của dẫn đường lúc này không chỉ là những khẩu lệnh khô cứng mà nó là lời động viên, cổ vũ từ những người bạn đang kề vai sát cánh cùng các anh trong từng phút giây của trận đánh. Những khẩu lệnh của người dẫn đường còn hàm chứa trong đó mệnh lệnh và quyết tâm sắt đá của người chỉ huy, đồng thời, cũng gửi gắm theo cả những tình cảm của anh em đồng đội từ mặt đất, làm cho phi công luôn cảm thấy rất yên tâm để tập trung vào việc giữ đúng các số liệu bay mà dẫn đường đã cho. Chỉ cần một vài phút im lặng không nghe thấy giọng nói của dẫn đường là phi công không yên tâm và cảm thấy nỗi cô đơn đang dần trùm lên cả bầu trời.

Trong quá trình dẫn máy bay ta vào đánh địch, mọi tính toán của dẫn đường phải đảm bảo nhanh nhất và không được phép sai sót. Sự chậm trễ sẽ làm mất thời cơ tiêu diệt địch và sự nhầm lẫn sẽ lập tức phải trả giá bằng máu xương của phi công. Bay trên trời không phải phi công nào cũng có trình độ như nhau. Có những người phản ứng rất nhanh, động tác dứt khoát và chính xác nên đường bay hầu như không sai lệch so với tính toán của người dẫn đường. Ngược lại, cũng có người phản ứng chậm, động tác thiếu chính xác, đòi hỏi dẫn đường phải biết hiệu chỉnh thời gian mỗi khi phát đi các khẩu lệnh. Những đặc điểm và cá tính đại loại như thế của mỗi phi công chỉ có dẫn đường là người hiểu rõ hơn cả; nhờ vậy mới có thể dẫn cho mọi phi công bay lên lập được những chiến công vang dội. Phi công sẽ thực sự phát huy hết vai trò và khả năng tác chiến của mình sau khi đã được dẫn vào chiếm lĩnh điểm có ưu thế về mặt chiến thuật so với địch ở cự ly đủ để họ có thể phát hiện chúng bằng mắt thường. Với bản lĩnh thông minh, dũng cảm và sự thành thạo, điêu luyện về động tác kỹ thuật, phi công sẽ nhanh chóng đưa chúng vào vòng ngắm và tiêu diệt chỉ trong nháy mắt để rồi giọng nói của dẫn đường lại ấm áp vang lên bên tai dẫn anh trở về sân bay, hạ cánh trong niềm hân hoan đón chào của đồng đội từ đất mẹ.

Vào những tháng giữa năm 1972, đế quốc Mỹ tăng cường cho máy bay đánh phá miền Bắc nhằm tạo áp lực trên bàn đàm phán với ta ở Hội nghị Pa-ri. Ngày 24- 6-1972, vào lúc 15 giờ 13 phút trên mạng tình báo xa xuất hiện nhiều tốp máy bay địch từ hướng tây đang bay về phía biên giới nước ta. Chúng bay thành nhiều tầng ở độ cao từ 2.000m đến 4.000m. Cấp trên nhận định đây là những máy bay cường kích ném bom của địch được hộ tống bởi nhiều máy bay tiêm kích cùng bay trong một đội hình chiến đấu. Có thể chúng sẽ vào đánh phá Hà Nội và một số khu vực lân cận, đồng thời giao cho không quân phải tổ chức đánh chặn trước khi địch bay đến khu vực Việt Trì.

Sĩ quan dẫn đường tại sở chỉ huy chiến đấu Trung đoàn Sao Đỏ Tạ Quốc Hưng đề nghị cho biên đội Nhu-Thành cất cánh làm nhiệm vụ nghi binh để lôi kéo máy bay tiêm kích địch giãn ra, tạo điều kiện cho biên đội thứ hai vào công kích. Chỉ huy đồng ý. Anh dẫn biên đội bay về Tuyên Quang và vòng tại đó ở độ cao 8.000m. Địch tiếp tục bay vào, hướng đến khu vực Mộc Châu - Hòa Bình. Trong đầu Tạ Quốc Hưng đã nhanh chóng phác ra những phương án đánh chặn khác nhau để đối phó với thủ đoạn xảo quyệt của địch, quyết tiêu diệt, không để chúng còn thời cơ bay đến Hà Nội. Khi địch vào đến biên giới, anh đề nghị cho biên đội thứ hai là Soát-Thư cất cánh tiếp.

15 giờ 30 phút, sân bay Nội Bài nắng vẫn còn như đổ lửa. Hai chiếc MiG-21 gầm lên phun ra những cuồng lửa xanh kéo thành vệt dài rồi lao vút lên như mũi tên cắm vào bầu trời. Tạ Quốc Hưng quyết định dẫn biên đội bay về hướng tây ở độ cao thấp với ý đồ bảo đảm bí mật và tạo giãn cách rồi sẽ bất ngờ đánh tạt sườn, làm chúng không kịp trở tay. Đến 15 giờ 33 phút, mục tiêu đột nhiên biến mất. Trên màn hiện sóng nhiễu phủ dày đặc. Anh bình tĩnh nhắc phi công chú ý cảnh giới và thông báo mục tiêu đang ở phía trước cách 70km rồi tiếp tục tính toán dẫn mò (dẫn theo giả định). Biên đội đang bay theo hướng 270 độ và độ cao 2.000m. Chuẩn bị cho biên đội bay về hướng 360 độ để đón trước khả năng nếu địch vòng lại Mộc Châu thì bỗng xuất hiện một chấm mục tiêu ở phút thứ 36, cách Đoan Hùng 12km về phía nam. Tạ Quốc Hưng quyết định cho biên đội tăng tốc độ lên 950 km/h, hướng bay 350 độ và độ cao lên 3.000m. Đúng như phán đoán, địch bay đến Đoan Hùng thì đổi hướng về Việt Trì. Chớp thời cơ, anh liền hô biên đội vòng phải về hướng 20 độ để kịp thời đánh địch ngay sau khi chúng kết thúc vòng. Trong không gian, giọng của anh vang lên dõng dạc thông báo đều đặn cho phi công về vị trí của địch. Lúc này, bay số một là trung úy phi công Nguyễn Đức Soát- một phi công trẻ có dáng người cao lớn. Ở dưới đất nhìn anh thật hiền lành nhưng khi đã bay lên trời, anh hùng dũng và tinh nhanh như một con chim cắt. Bỗng số hai Ngô Duy Thư báo cáo phát hiện 8 chiếc bên trái, cự ly 8km. Nguyễn Đức Soát đồng thời cũng báo về phát hiện 16 chiếc bên trái, cách 7km. Tạ Quốc Hưng vui mừng truyền lệnh của người chỉ huy cho phép vào công kích. Trong nháy mắt, Nguyễn Đức Soát đã bắn rơi chiếc F4 của địch. Chưa đầy 20 giây sau, số hai Ngô Duy Thư lại bắn rơi thêm một chiếc F4 nữa. Bọn địch bị đánh bất ngờ hoảng loạn vứt bom bừa bãi tháo chạy tan tác. Lúc này tại sở chỉ huy, kim đồng hồ chỉ 15 giờ 44 phút 10 giây ngày 24 tháng 6 năm 1972. Vậy là chỉ trong vòng chưa đầy 20 giây ta đã bắn rơi 2 máy bay hiện đại của địch, bảo vệ an toàn các mục tiêu mặt đất. Tạ Quốc Hưng tay cầm ống nói, nét mặt rạng rỡ tiếp tục dẫn 2 biên đội về sân bay hạ cánh trong niềm vui chiến thắng.

Trải qua bao gian lao thử thách trong chiến đấu và xây dựng đã gắn kết người phi công và sĩ quan dẫn đường trở thành đôi bạn chí cốt để làm nên những chiến công vang dội. Trong suốt những năm chống chiến tranh phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ, tình cảm đó càng trở nên gắn bó keo sơn, làm rạng rỡ thêm truyền thống của Không quân nhân dân Việt Nam anh hùng.

Ngày nay, trí tuệ và công sức của đội ngũ dẫn đường không quân chiến đấu đang được tiếp tục phát huy, nhằm cống hiến cho sự nghiệp xây dựng Quân chủng Phòng không - Không quân hiện đại, góp phần bảo vệ vững chắc bầu trời Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

PHẠM VĂN NĂM