Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình trao Bằng khen cho các cá nhân và tập thể.

Từ ngày 2 đến 4-12, tại Hà Nội diễn ra Đại hội đại biểu toàn quốc các dân tộc thiểu số Việt Nam lần thứ II năm 2020 với chủ đề “Dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp đỡ nhau, phát huy nội lực cùng phát triển với đất nước”.

Dự Đại hội có Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng cùng các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; đại diện các Ban, Bộ, ngành T.Ư, địa phương và 1.592 đại biểu là lãnh đạo các cấp, nhân sĩ trí thức, văn nghệ sĩ, tướng lĩnh Quân đội, Công an, Anh hùng LLVTND, Anh hùng Lao động, doanh nhân, nghệ nhân, người có uy tín được bầu dự từ 363 huyện, 50 tỉnh, thành phố đại diện cho 53 dân tộc thiểu số trên mọi miền đất nước. Thượng tướng Nguyễn Văn Được - Chủ tịch Hội CCB Việt Nam và Trung tướng Nguyễn Song Phi - Phó chủ tịch Hội tham dự và chia vui với các đại biểu Đại hội.

Bản Báo cáo chính trị do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến trình bày, nhấn mạnh: Sau 10 năm thực hiện Quyết tâm thư của Đại hội đại biểu toàn quốc các dân tộc thiểu số lần thứ I, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã đạt được những kết quả quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực. Đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số được cải thiện rõ rệt. Chính sách dân tộc đạt được nhiều kết quả quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực... Các mục tiêu đề ra tại Đại hội Đại biểu các DTTS toàn quốc lần thứ I năm 2010 cơ bản đã đạt được… Tuy nhiên, ở một số vùng, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo và nguy cơ tái nghèo còn cao; hủ tục, tập quán lạc hậu, mê tín dị đoan còn diễn ra...

Về mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp công tác dân tộc giai đoạn 2021-2030, phấn đấu mức thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số đến năm 2025 tăng trên 2 lần so với năm 2020; đến năm 2030, bằng 1/2 bình quân chung của cả nước. Tỷ lệ hộ nghèo mỗi năm giảm trên 3%. Đến năm 2025, hoàn thành cơ bản công tác định canh, định cư; sắp xếp, bố trí ổn định 90% số hộ di cư không theo quy hoạch…

Tại hành lang Đại hội, chúng tôi gặp và hỏi chuyện nhiều đại biểu như bà Phạm Thị Lâm, dân tộc Mã Liềng, Trưởng bản Cáo, xã Lâm Hóa, huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình); chị Triệu Thị Hoa, dân tộc Dao đỏ, cán bộ Hội Phụ nữ huyện Hà Quảng (Cao Bằng), chị Cao Thị Ngọc Thanh, dân tộc Raglai, Bí thư huyện đoàn Khánh Vĩnh (Khánh Hòa)…

Để ý mới biết, các đại biểu là CCB của Đại hội đều mang quân hàm cấp tướng. Đây, Thiếu tướng Rơ Ô Cheo, 68 tuổi, Anh hùng LLVTND thời kỳ chống Mỹ, nguyên Phó Tư lệnh Quân khu 5, người con dân tộc Gia Rai của vùng đất Anh hùng Krông Pa (tỉnh Gia Lai).

Các đại biểu xem trưng bày ảnh chào mừng Đại hội.

Chuyện trò với ông mới biết, sinh ra, lớn lên rồi trực tiếp cầm súng chiến đấu trên quê hương, hơn ai hết, Thiếu tướng Rơ Ô Cheo hiểu được nỗi lòng của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên “lúc nào cũng hướng về Đảng, Bác Hồ như rừng cây hướng về ánh sáng mặt trời vậy...”. Hiểu dân và dân cũng hiểu ông, trước đây cũng như bây giờ, ông nói là người dân nghe theo, làm theo.

Còn Thiếu tướng Bùi Đình Phái, 68 tuổi, dân tộc Tày, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Hòa Bình - người đã trải qua các chiến dịch Đường 9 Nam Lào, chiến dịch Tây Nguyên, chiến đấu bảo vệ Tổ quốc ở biên giới phía Bắc; nổi tiếng với phong trào “1.000 áo ấm cho người nghèo”, “Tiết kiệm ủng hộ người nghèo” giúp đồng bào thiểu số vượt qua khó khăn. Ông “gan ruột” nói với tôi: “Mình là Bộ đội Cụ Hồ mà, làm được cái gì cho mọi người thì làm thôi”.

Một tiết mục nghệ thuật chào mừng Đại hội.

Và Trung tướng Ma Thanh Toàn, dân tộc Tày, 78 tuổi, ngực đỏ Huân chương, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 95, nguyên Ủy viên T.Ư Đảng, Tư lệnh Quân khu 2, đã từng dẫn quân tham gia giải phóng Plây-ku, sau đó là phối hợp giải phóng Trường Sa, cù lao Thu (Phú Quý) ở Bình Thuận, Hòn Tre (Nha Trang). Trở thành Trung đoàn trưởng Trung đoàn 95, năm 1976, ông tiếp tục cùng Trung đoàn làm nhiệm vụ quốc tế ở Cam-pu-chia, nổi tiếng gan lì, quả cảm, giữ vững đền cổ Preat Vihear trước những đợt tấn công bạo tàn của bọn lính Pol Pot… Nặng lòng với các đồng đội đã hy sinh, khi nghỉ hưu, ông đi vận động đồng đội và các đơn vị hữu quan xây dựng Đền tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ Trung đoàn 95 ở thị trấn Kon Dơng, huyện Mang Yang và nay trở thành “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng cho cả khu vực. Tuy tuổi đã cao, sức đã yếu nhưng ý chí người lính trong các ông vẫn vẹn nguyên, luôn mẫu mực trong cuộc sống đời thường, được bà con tín nhiệm cử đi dự Đại hội.

Các đại biểu mà tôi gặp dù trong Quân đội, hay công tác ở các lĩnh vực khác; dù là nam hay nữ; dù trẻ hay tuổi đã cao đều bày tỏ nguyện vọng với Đảng, Nhà nước, đề xuất thêm những chính sách, hỗ trợ mới giúp các dân tộc cùng phát triển trong sự phát triển chung của đất nước. Đúng như Quyết tâm thư của Đại hội gửi tới Đảng và Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ nêu rõ: "Từ diễn đàn của Đại hội hôm nay, 1.592 đại biểu ưu tú của 53 dân tộc thiểu số đến từ mọi miền của đất nước sẽ lan tỏa tinh thần Đại đoàn kết lên tầm cao mới, kết nối đồng bào các dân tộc thiểu số cùng với toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, đồng lòng chung sức, hiện thực hóa khát vọng xây dựng đất nước ta phát triển cường thịnh, nhân dân ta có cuộc sống ấm no, hạnh phúc”.

Tôi hiểu, chỉ ngày mai thôi, các đại biểu sẽ đem theo những Huân chương, những Bằng khen và khí thế từ Đại hội đại biểu toàn quốc các dân tộc thiểu số lần thứ II về với từng phum sóc, buôn, bản của mình, kết nối đồng bào cùng đồng lòng, chung sức xây dựng đất nước.

Lê Doãn Chiêu