Viện Khoa học và Công nghệ Giao thông Vận tải (Bộ GTVT) ngày 23/3 đã chính thức công bố nguyên nhân chính xảy ra hiện tượng nứt mặt cầu Thăng Long trong những ngày qua.

Theo đại diện Viện Khoa học và Công nghệ Giao thông Vận tải, nguyên nhân chính gây ra hiện tượng nứt mặt cầu Thăng Long là do một số mẻ bê tông nhựa SMA đã nguội nhanh trong quá trình lu lèn. Bê tông vừa không đủ nhiệt độ để bám dính ở lớp dưới, vừa không đảm bảo độ chặt như thiết kế, dẫn đến cường độ chịu lực bị suy giảm mạnh và phát sinh ra các vết nứt trên. Viện KHCNGT cũng khẳng định, do thời gian thi công vào đúng dịp rét đậm kéo dài, cộng với gió to nên đã làm cho một vài mẻ bê tông nhựa sau khi rải bị nguội nhanh. Vì thế, bê tông bị xốp rỗng, cắt nát, khi xe chạy qua bị xô đứt, hỏng hóc

Cối tháng 2/2010, sau gần 2 tháng kết thúc Dự án sửa chữa mặt cầu Thăng Long, đã phát hiện một số vết nứt cục bộ trên mặt đường mới rải nhựa tại mặt cầu Thăng Long. Các vết nứt có chiều rộng từ 3-5 cm, dài từ 2-4m. Tại một số vết nứt đã xuất hiện hiện tượng nước tụ đọng, chảy rỉ ra ngoài. Vết nứt xuất hiện trên bề mặt cầu ở cả 2 làn xe, cụ thể: làn từ Hà Nội đi Nội Bài có 1 vết nứt, ở chiều ngược lại (tức từ cao tốc Nội Bài về Hà Nội) có đến gần chục vết nứt lớn và dày đặc. Nghiêm trọng hơn, có nhiều đoạn xuất hiện 3 vết dài liên tiếp cách nhau chỉ từ 2 - 3m. Khi quan sát bằng mắt thường dễ dàng nhìn thấy cạnh đó có nhiều vết rạn kiểu chân chim và có thể lan ra thành vết nứt.

Hiện, Bộ GTVT đã chỉ đạo cục Đường bộ Việt Nam, Ban QLDA 2 chỉ đạo Tư vấn, nhà thầu khẩn trương tập trung nhân lực, thiết bị để sửa chữa các vị trí bị hư hỏng trong thời gian nhanh nhất. Trước yêu cầu của Bộ GTVT là phải khắc phục được sự cố trước ngày 31.3, Viện KHCNGT đưa ra hai hướng khắc phục: khoan cắt bỏ lớp bê tông nhựa chưa đủ để dùng vật liệu đủ điều kiện trám lại; tiếp tục kiểm định, đánh giá lại, nếu phát hiện có độ rỗng và ngậm nước cao thì chủ động sửa chữa.

Chí Đức