Sáng 16-4 tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) phối hợp tổ chức Lễ Công bố chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI năm 2014. Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, ông Ted Osius, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam cùng nhiều đại biểu, đại diện các tổ chức quốc tế, các tỉnh, thành phố và doanh nghiệp đã về dự.
Năm 2014 PCI đã điều tra cảm nhận của gần 10.000 doanh nghiệp dân doanh và 1.500 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài về chất lượng điều hành môi trường kinh doanh (gồm 10 thành phần: Gia nhập thị trường, tiếp cận đất đai, tính minh bạch, chi phí thời gian, chi phí không chính thức, cạnh tranh bình đẳng, tính năng động, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, đào tạo lao động và thiết chế quản lý) tại 63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Theo báo cáo, thành phố Đà Nẵng tiếp tục dẫn đầu vị trí quán quân của bảng xếp hạng PCI với số điểm 66,87; thứ 2 là Đồng Tháp với 65,28 điểm. Đặc biệt tỉnh Lào Cai đã vượt qua 14 bậc lên vị trí thứ 3 trong bảng xếp hạng với 64,67 điểm. Các tỉnh ở cuối bảng là Điện Biên (50,32 điểm), Lai Châu (50,60 điểm), Cao Bằng (52,04 điểm). Thủ đô Hà Nội xếp thứ 26 với 58,89 điểm. Lần đầu tiên trong 10 năm công bố PCI, thành phố Hồ Chí Minh bước vào nhóm 5 tỉnh, thành phố (xếp thứ 4) có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước (62,73 điểm). Thành phố Hồ Chí Minh luôn là điểm hấp dẫn của nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước, thời gian gần đây liên tục có nhiều hoạt động nhằm nâng cao hiệu quả của bộ máy hành chính, nhất là trong việc xử lý thủ tục hành chính thông thoáng. Cũng nằm trong nhóm 5 tỉnh, thành phố đứng đầu cả nước về chất lượng điều hành tỉnh Quảng Ninh được 62,16 điểm, xếp thứ 5. Trong nhóm 10 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất năm 2014 còn có các tỉnh Vĩnh phúc, Long An, Thái Nguyên, Kiên Giang và Bắc Ninh.
Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết: Qua phân tích về năng lực cạnh tranh của Việt Nam trong bối cảnh so sánh vớí các quốc gia khác, các nhà đầu tư cho rắng Việt Nam cần cắt giảm chi phí không chính thức, nâng cao hơn nữa chất lượng cơ sở hạ tầng, cải thiện dịch vụ công, rà soát và đơn giản hóa các quy định để trở nên cạnh tranh hơn. Việt Nam nhờ vậy mới trở thành điểm đến hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài, nhất là những nhà đầu tư có chất lượng cao.
An Hà