Đến làng Xuân Hòa, xã Hoa Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình, chúng tôi thật ấn tượng về hoạt động của Hội Truyền thống Trường Sơn (Hội Trường Sơn) biến những khe nước cạn thành đường “Nông thôn mới”.

Khi nước nhà có ngoại xâm, biết bao nam thanh nữ tú làng Xuân Hòa lên đường đánh giặc, bảo vệ Tổ quốc. Nay nước nhà độc lập, những CCB, cựu TNXP lại dồn sức chung xây đất nước, xây dựng quê hương đạt tiêu chuẩn nông thôn mới. CCB, cựu TNXP vận động nhau, vận động nhân dân góp công, góp tiền, hiến đất, xóa khe cạn, làm đường giao thông; phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo...

Làng Xuân Hòa có gần 300 hội viên CCB, người cao tuổi sinh hoạt tại 3 chi hội. Từ bao đời nay, làng chưa có đường, chỉ lấy các khe cạn là lối đi. Mùa mưa, bùn đất lầy lội; mùa nắng, đất đá lổn nhổn, ngập bụi, tai nạn xảy ra thường xuyên... Trẻ em thấy đường sá như vậy, không muốn đi học. Trong làng mỗi khi có người quá cố, tổ chức đưa tang vô cùng khó khăn; chưa kể đường sá gây khó khăn cho sản xuất, tiêu thụ nông sản...

Nhằm xóa bỏ các lối mòn giao thông lạc hậu, cải thiện điều kiện đi lại của người dân và quy hoạch lại địa bàn nhằm phát triển kinh tế - xã hội, Ban Chấp hành Hội Trường Sơn phối hợp với các Hội Nông dân, Phụ nữ, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền, mặt trận địa phương thành lập Ban Vận động, tuyên truyền kêu gọi các hộ dân hiến đất, con cháu xa gần ủng hộ tiền để làm đường. Chỉ một thời gian ngắn, dân làng cùng con cháu gần xa đã đóng góp được trên 300 triệu đồng. Bình quân mỗi gia đình đóng góp 7 triệu đồng; tiêu biểu là CCB Trường Sơn - Nguyễn Đăng Chung góp 20 triệu đồng, CCB Nguyễn Tư Toàn góp 15 triệu đồng...

Có được nguồn tài chính, Hội Trường Sơn huy động nhân lực cải tạo các khe cạn thành 400m đường bê tông, mặt đường rộng 4m, đúng tiêu chuẩn đường nội thôn. Khi đường được đưa vào sử dụng, Hội Trường Sơn nhận tự quản; thay nhau trực, giữ cho đường phong quang, sạch đẹp.

Mô hình Hội Trường Sơn “Chung tay xây dựng nông thôn mới” của làng Xuân Hòa trở thành điểm sáng, được nhân rộng thành phong trào. Chỉ sau 1 năm, ba chi hội Trường Sơn của thôn đã cải tạo được 7 khe cạn thành đường tiêu chuẩn, với chiều dài 2.800m. Giao thông thuận lợi, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là phát triển nông nghiệp, nghề thủ công; giao lưu hàng hóa, nông phẩm; đời sống của người dân được cải thiện đáng kể.

Về Xuân Hòa hôm nay, ai ai đều thấy những con đường bê tông phẳng lì thay cho những khe cạn, những lối mòn cổ lỗ đeo bám thôn quê bao đời; hai bên đường, nhà kiên cố mọc lên sán sát. Băng cờ đỏ rực dựng lên khắp nơi. Nổi bật hơn là cảnh người dân lạo động sản xuất hăng say…

Cụ bà Nguyễn Thị Lài, 86 tuổi, người làng Xuân Hòa ra Hà Nội sống với con cháu đã 15 năm, Tết Kỷ Hợi về quê, không khỏi ngỡ ngàng trước sự đổi thay về diện mạo quê mình, đặc biệt là những khe cạn ngày nào đã nhường cho những con đường bê tông rộng rãi, phẳng lì... Cụ bộc bạch với chúng tôi: “Những người con của làng, thời kháng chiến đã “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, khi rời tay súng, trở về cuộc sống đời thường, với bản lĩnh Bộ đội Cụ Hồ đã phát huy truyền thống quê hương, trở thành nòng cốt trong phong trào xóa khe cạn, làm đường bê tông, xây dựng nông thôn mới. Đó cũng là cách trả nghĩa cho quê hương hậu phương vững chắc cho họ trong những năm tháng đằng đẵng xa quê, xa nhà đi đánh giặc...”.

Điều cụ Nguyễn Thị Lài tâm sự cũng là tình cảm, sự trân trọng của hết thảy người dân làng Xuân Hòa, xã Hoa Thủy dành cho những CCB và Hội Truyền thống Trường Sơn.

Nguyễn Công A (Quảng Bình)