Chú thích ảnh: Tổng thống Nga Vladimir Putin trên màn hình chiếu ở quảng trường Đỏ tại Moscow khi ông phát biểu ngày 30/9, nhân sự kiện sáp nhập 4 vùng Ukraine. Ảnh: AFP

Tổng thống Ukraine - Volodymyr Zelensky đã ký sắc lệnh tuyên bố “việc tiến hành đàm phán với Tổng thống Nga Vladimir Putin là không thể". Phía Nga, dù không có sắc lệnh, nhưng cũng tuyên bố sẽ không đàm phán với ông Zelensky. Như vậy, cánh cửa đối thoại để tìm giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột ở Ukraine đã thực sự khép lại.

Tuyên bố của ông Zelensky được đưa ra hôm 30-9, đúng ngày ông Putin chính thức tuyên bố sáp nhập 4 vùng lãnh thổ của Ukraine, gồm Donetsk, Lugansk ở miền đông và Kherson, Zaporizhzhia ở miền Nam vào lãnh thổ Nga. Tòa án Hiến pháp LB Nga, Hạ viện rồi Thượng viện Nga cũng nhanh chóng thông qua quyết định này để rồi ngày 5-10, Tổng thống Nga - Putin đã ký ban hành thành luật về việc sáp nhập. Theo Hiến pháp Nga, điều này đồng nghĩa với việc không một lãnh đạo nào trong tương lai của Nga có thể đảo ngược được quyết định này.

Khi Nga đã tổ chức trưng cầu dân ý và chính thức sáp nhập các vùng đất trên có nghĩa là mọi cuộc tấn công vào các khu vực này sẽ bị coi là tấn công vào nước Nga và Nga có thể có hành động quân sự mạnh tay hơn, thậm chí là dùng tới vũ khí hạt nhân như các lãnh đạo nước này nhiều lần ám chỉ.

         Trong khi đó, thực tế chiến sự tại Ukraine cho thấy các nước thuộc tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) vẫn tăng cường viện trợ vũ khí và tài chính để Ukraine  thực hiện các chiến dịch phản công nhằm giành lại các vùng lãnh thổ của mình. Bên cạnh đó, Liên minh châu Âu (EU) và nhiều quốc gia cũng siết chặt thêm các biện pháp bao vây, cấm vận nền kinh tế Nga như một biện pháp nhằm làm Nga suy yếu các nguồn lực hỗ trợ các hành động quân sự. Thế nhưng, quyết định động viên quân dự bị và trưng cầu ý dân sáp nhập lãnh thổ của Tổng thống Putin đã chứng tỏ với phương Tây rằng Nga không có ý định từ bỏ các mục tiêu chính trị và quân sự tại Ukraine, bất chấp những thất bại gần đây. Do vậy, sẽ không có chuyện lùi bước hay có những nhượng bộ nào. Đối với ông Putin, đây là một cuộc chiến của nước Nga để bảo vệ vị thế của Nga trên trường quốc tế, chống lại các nỗ lực gây chia rẽ hoặc nhằm gây thiệt hại không gì bù đắp được cho Nga. Những hành động này cũng cho thấy Nga quyết tâm thay đổi triệt để tình thế và đặt phương Tây cũng như Ukraine vào thế bất lợi. Quyết định này xem như khép lại mọi cánh cửa đàm phán. Hơn thế, như tiền lệ đã có, từ nay bất kỳ một vùng lãnh thổ nào mà Nga chiếm được từ Ukraine đều có thể bị sáp nhập vào Nga, nhất là khi Nga chưa tuyên bố kết thúc chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine của mình.

         Tuyên bố của lãnh đạo Nga và Ukraine về việc chấm dứt mọi khả năng đàm phán với lãnh đạo phía bên kia có thể hiểu là hai bên sẽ không nhân nhượng nhau. Nga đã sáp nhập bốn vùng lãnh thổ của Ukraine, trước đó là bán đảo Crime năm 2014, và chưa lộ ý định có sáp nhập khu vực nào khác bởi chiến sự vẫn tiếp diễn. Về phần mình, lãnh đạo Ukraine tuyên bố quyết tâm giành lại các vùng đất của mình. Và khi không có đối thoại thì việc giành lại lãnh thổ tất nhiên chỉ bằng vũ lực. Như vậy, chiến sự sẽ tiếp diễn ở Ukraine và có thể lan sang các vùng biên giới của Nga tiếp giáp với Ukraine.

         Vậy là câu hỏi khi nào chiến sự tại Ukraine sẽ chấm dứt hiện chưa có câu trả lời thỏa đáng. Chiến sự vẫn tiếp diễn và chắc chắn nó sẽ là một cuộc chiến ủy nhiệm, dai dẳng và tổn thất về mọi mặt trực tiếp và nhiều nhất vẫn là hai nước trực tiếp tham chiến là Nga và Ukraine trong khi châu Âu và cả thế giới cũng phải lao đao vì ảnh hưởng và hệ lụy của các chiến dịch quân sự ở Ukraine.

         Một cuộc chiến ủy nhiệm được định nghĩa là một cuộc xung đột vũ trang giữa hai quốc gia hoặc các chủ thể phi quốc gia do sự xúi giục hoặc nhân danh trung lập các bên khác không liên quan trực tiếp đến chiến sự. Theo đó, để một cuộc xung đột được coi là một cuộc chiến ủy nhiệm thì cần phải có mối quan hệ trực tiếp, lâu dài giữa các tác nhân bên ngoài có liên quan. Bằng chứng cho mối quan hệ này thường thông qua các hình thức tài trợ, huấn luyện quân sự, vũ khí hoặc các hình thức hỗ trợ vật chất khác giúp các bên duy trì nỗ lực cho cuộc chiến tranh của mình.

         Theo cách định nghĩa này, chiến sự ở Ukraine hiện nay là cuộc đối đầu trực tiếp giữa các lực lượng của Ukraine và Nga. Trong đó, Ukraine có lính đánh thuê và được viện trợ quân sự, ít nhất tính từ thời điểm này, từ phương Tây. Ukraine có mục đích của mình trong cuộc chiến nhưng phương Tây rõ ràng cũng có mục đích của mình là làm suy yếu hoặc tiêu tan nước Nga, cho dù Nga có sai hay đúng trong cuộc xung đột này.

         Có hai câu hỏi mà giới phân tích quân sự và chính trị quan tâm trong cuộc xung đột - cuộc chiến ủy nhiệm ở Ukraine hiện nay: Khi nào cuộc chiến sẽ kết thúc và liệu nó có bị đẩy cao thành chiến tranh thế giới lần thứ 3?

         Như phân tích ở trên, cuộc chiến ủy nhiệm mới này sẽ khó có thể sớm chấm dứt bởi hai bên đã đóng mọi cánh cửa đối thoại. Do đó, thời điểm chấm dứt cuộc chiến chỉ là khi một trong hai bên thua cuộc hoàn toàn, sức cùng lực kiệt. Với Nga, với nguồn lực tài nguyên dồi dào và dù có bị cấm vận ngặt nghèo thì khả năng để duy trì một cuộc chiến như vậy, dù có phải đối đầu với cả một phương Tây hùng mạnh hậu thuẫn thì vẫn có khả năng duy trì chiến sự hàng thập kỷ. Đó là trường hợp nhịp độ, tốc độ cũng như mục tiêu trên chiến trường diễn tiến đều đặn như những tháng vừa qua. Còn với Ukraine, đã là cuộc chiến ủy nhiệm thì bên ủng hộ hiếm khi muốn bên được ủng hộ thắng. Nói cách khác, phương Tây sẽ “bơm” các nguồn lực cho Ukraine chỉ ở mức đủ mạnh để duy trì đà chiến sự chứ sẽ không thể “đầu tư” ở mức độ tối đa để bảo đảm cho Ukraine thắng trên chiến trường, theo nghĩa Ukraine sẽ giành lại hoàn toàn chủ quyền của mình như trước năm 2014. Lập luận này có căn cứ bởi Nga là một cường quốc hạt nhân.

         Nhắc tới vấn đề hạt nhân là đề cập tới câu trả lời cho câu hỏi thứ hai rằng liệu xung đột ở Ukraine có bị đẩy lên thành một cuộc thế chiến. Nói rõ hơn là liệu Nga có sử dụng vũ khí hạt nhân trong cuộc chiến này hay không!

         Rất khó có được câu trả lời trong tình huống hiện nay bởi nó phụ thuộc vào mục đích chiến lược của các bên. Tuy Nga chưa tuyên bố kết thúc chiến dịch quân sự đặc biệt của mình ở Ukraine nhưng với diện tích lãnh thổ của Ukraine mà Nga mới sáp nhập thì cũng đủ để thấy Nga đã có một vùng đệm an ninh rộng lớn. Thế nhưng, hành động quân sự của Nga có thể sẽ được đẩy cao hơn nếu phương Tây tăng cường hỗ trợ quân sự cho Ukraine với các vũ khí và trang bị tối tân hơn, đe dọa an ninh của Nga. Tổng thống Nga Putin, trong bài phát biểu ngày 30-9 khi tuyên bố sáp nhập bốn vùng lãnh thổ của Ukraine đã nói rõ việc Mỹ hai lần sử dụng vũ khí hạt nhân trong lịch sử. Khi Mỹ đã đặt tiền lệ, Nga hoàn toàn có thể làm điều này. Tuy giới chính trị, nghiên cứu và quân sự phương Tây đang đưa ra các giả thuyết thiên về việc Nga sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân ở các cấp độ khác nhau, việc Nga phải sử dụng đến tiềm lực này sẽ khó có thể xảy ra bởi ai cũng biết vũ khí hạt nhân là một thảm họa gây tác động lâu dài và trong trường hợp này có thể kích thích phản ứng gây ra một cuộc chiến tranh thế giới mới, và sẽ là chiến tranh hạt nhân.

         Chiến tranh hạt nhân là điều khó có thể xảy ra nhất là khi nó sẽ châm ngòi cho một cuộc thế chiến. Hơn ai hết, các nước phương Tây đều hiểu những vết thương của hai cuộc thế chiến để lại. Trong khi chưa có một giải pháp hòa bình và cánh cửa đối thoại đã bị đóng hoàn toàn, một cuộc chiến ủy nhiệm mới ở Ukraine sẽ là điều cả thế giới phải chứng kiến trong nhiều năm tới.

THANH HUYỀN