Xẻ núi đưa pháo lên điểm tựa ảnh của nhà báo Đào Văn Sử(.báo QĐND)
Ngày ấy, những người lính chúng tôi còn rất trẻ, mới ngoài 20 tuổi, vừa tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, ra miền Bắc với hi vọng sẽ được rời quân ngũ để về tiếp tục đi học, thì nhận lệnh ở lại tiếp tục xây dựng quân đội. Tôi về học ở Trường sĩ quan Thông tin; các đồng đội của tôi đã xuất ngũ về địa phương thì nhận lệnh tái ngũ.
Đã được học tập, quán triệt, thậm chí một số đồng chí được “mắt thấy tai nghe” quân Trung Quốc giết hại đồng đội, đồng bào ta trên biên giới phía Bắc, nhưng quả thực khi nghe cụm từ: Trung Quốc “dạy cho Việt Nam một bài học”, chúng tôi vẫn không khỏi bất ngờ, thậm chí hoài nghi. Nhưng đáng tiếc sự thật lại là như thế: 5 giờ sángngày 17-2-1979, 9 Quân đoàn chủ lực của Trung Quốc, 32 sư đoàn bộ binh độc lập, 6 trung đoàn xe tăng, 4 sư đoàn và nhiều trung đoàn pháo binh… ước chừng hơn 600.000 quân đồng loạt tràn vào 6 tỉnh là Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh. Cuộc chiến tranh kéo dài đến ngày 18-3-1979 Trung Quốc mới rút hết quân về nước, chịu thiệt hại nặng nề mà như một giới phân tích quân sự nước ngoài nhận định, thay vì dạy cho Việt Nam một bài học, Trung Quốc đã học được bài học đắt giá của chính mình.
Trải qua 30 ngày chiến đấu ác liệt, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, bằng nghệ thuật quân sự tài tình, các lực lượng vũ trang tại chỗ và đồng bào dân tộc 6 tỉnh biên giới Việt Nam với những tấm gương chiến đấu dũng cảm, hi sinh quên mình vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc, đã dựa vào thế trận chiến tranh nhân dân, lấy ít địch nhiều, đánh bại "chiến thuật biển người, thọc sâu phá hoại" của quân Trung Quốc. Đây là cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới hết sức oanh liệt, chiến thắng hết sức to lớn, vẻ vang.
HÃY BẢO VỆ CÁC EM ảnh của nhà báo Đào Văn Sử (báo QDND)
Do vừa bước ra khỏi cuộc chiến tranh kéo dài hơn 30 năm chống đế quốc Mỹ xâm lược, lại phải làm nghĩa vụ quốc tế giúp đỡ Căm-pu-chia đánh đổ chế độ diệt chủng Khmer Đỏ, nền kinh tế của Việt Nam khi đó vô cùng khó khăn; quân Trung Quốc dùng chiến thuật “biển lửa, biển người” bất ngờ đánh sang Việt Nam đã gây ra nhiều tổn thất nặng nề cho Việt Nam. Ngoài hàng nghìn chiến sĩ ta hi sinh để bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc, có nhiều nghìn người dân mà phần nhiều là phụ nữ và trẻ em bị thiệt mạng, có người bị giết hại dã man. Các thị xã Lạng Sơn, Cao Bằng, thị trấn Cam Đường bị hủy diệt hoàn toàn… Tôi còn nhớ mãi đến năm 1992, đoàn Phóng viên báo Quân đội nhân dân chúng tôi lên Lào Cai vẫn còn được chứng kiến cây cầu Hồ Kiều bắc qua sông Nậm Thi nối hai nước bị Trung Quốc đánh sập một nửa phía biên giới Việt Nam từ năm 1979 vẫn còn chưa được khôi phục. Còn phía Nam thị xã Lào Cai, cầu Cốc Lếu bị đánh sập hoàn toàn, trên bờ la liệt mìn do công binh Trung Quốc gài chưa được gỡ bỏ, biến khu đất hàng ngàn ha của thị xã, vốn sầm uất trở nên hoang phế.
Hơn ai hết, người Việt Nam, dân tộc Việt Nam luôn cháy bỏng khát khao cuộc sống hòa bình, giao hảo, hòa hiếu với bạn bè quốc tế, nhất là các nước láng giềng.
Đặc biệt Đảng và Nhà nước ta luôn coi trọng, vun đắp, củng cố và làm cho quan hệ Việt - Trung đơm hoa, kết trái, cho nhân dân hai nước, hai quốc gia được hưởng thái bình, với phương châm 16 chữ “Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” và tinh thần 4 tốt “Láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt”.
Kể từ khi bình thường hóa quan hệ hai nước Việt – Trung, tôi may mắn được trong đoàn báo chí tháp tùng Lãnh đạo Đảng và Quân đội ta sang thăm hữu nghị chính thức Đảng, Nhà nước, Quân đội nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa một số lần, lại càng cảm nhận được sâu sắc hơn tầm quan trọng trong thúc đẩy mối quan hệ láng giềng hữu nghị Việt - Trung vì độc lập, tự do và sự phát triển của mỗi nước. Tôi cũng đã nhiều lần chứng kiến vùng biên giới trên bộ Việt – Trung hôm nay, nhất là sau khi hoàn thành phân giới cắm mốc, cuộc sống đồng bào các dân tộc từng ngày thay da đổi thịt, xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.
Đồng thời, các thế hệ không thể lãng quên bản chất và sự thật lịch sử, tính chính nghĩa của cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979; qua đó để tôn vinh công lao, sự hy sinh to lớn của quân và dân ta trong cuộc chiến đấu này. Đảng và Nhà nước đã và đang tổng rà soát, thực hiện chính sách đãi ngộ xứng đáng đối với các anh hùng, liệt sĩ, thương binh, bệnh binh và các lực lượng tham gia chiến đấu trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979; tổ chức kỷ niệm trọng thể chiến công hiển hách của dân tộc trong cuộc chiến đấu này. Cổ vũ tinh thần yêu nước, truyền thống hào hùng của dân tộc, ý chí tự lực tự cường, quyết tâm bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Huy Thiêm