Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) yêu cầu các Sở GD&ĐT, Cục Nhà trường (Bộ Quốc phòng) thành lập và công khai đường dây nóng, tiếp nhận, xử lý thông tin liên quan đến Kỳ thi từ ngày 3/6 đến hết ngày 4/8/2019.
Bộ GD&ĐT vừa ban hành văn bản hướng dẫn công tác thanh tra, kiểm tra Kỳ thi THPT quốc gia năm 2019. Theo đó, công tác thanh tra, kiểm tra nhằm kịp thời nắm bắt thông tin, phản ánh về kỳ thi; giúp cơ quan quản lý, tổ chức, cá nhân tham gia kỳ thi thực hiện đúng Quy chế thi và các văn bản liên quan đến kỳ thi, góp phần đảm bảo cho kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế.
Công tác này giúp phòng ngừa, phát hiện, xử lý hoặc kiến nghị xử lý sai phạm (nếu có); kiến nghị cơ quan có thẩm quyền hoàn thiện Quy chế thi, hướng dẫn tổ chức kỳ thi và cơ chế, chính sách liên quan đến kỳ thi.
Công tác thanh tra, kiểm tra phải tuân theo quy định của pháp luật; không làm thay nhiệm vụ của Hội đồng thi, không làm cản trở hoạt động bình thường của đơn vị, tổ chức và cá nhân tham gia kỳ thi; kịp thời xử lý, kiến nghị xử lý tổ chức, đơn vị, cá nhân vi phạm Quy chế thi theo quy định.
Cán bộ, công chức, viên chức tham gia thanh tra, kiểm tra thi phải có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt; có ý thức trách nhiệm, liêm khiết, trung thực, công minh, khách quan; là công chức thanh tra, cộng tác viên thanh tra hoặc người làm công tác thanh tra nội bộ, giảng viên cơ hữu của cơ sở giáo dục đại học (có kinh nghiệm thanh tra thi) đối với đoàn thanh tra của Sở, của Bộ; là cán bộ của Cục Nhà trường đối với đoàn kiểm tra của Cục Nhà trường.
Người tham gia thanh tra, kiểm tra thi cần nắm vững Quy chế thi và nghiệp vụ thanh tra, kiểm tra thi; không tham gia công tác thanh tra, kiểm tra thi khi có người thân (cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh, chị, em ruột; cha, mẹ, anh, chị, em ruột của vợ hoặc chồng) tham dự Kỳ thi THPT quốc gia năm 2019; không tham gia công tác thanh tra, kiểm tra thi tại Điểm thi có học sinh lớp 12 của trường mình tham dự kỳ thi THPT quốc gia năm 2019.
Người tham gia thanh tra, kiểm tra không tham gia công tác thanh tra, kiểm tra thi khi đang trong thời gian bị kỷ luật hoặc đang trong quá trình xem xét trách nhiệm liên quan đến tiêu cực về thi.
Bộ GD&ĐT quy định cụ thể nội dung và phương pháp thanh tra, kiểm tra. Theo đó, công tác thanh tra, kiểm tra tập trung vào công tác chuẩn bị thi; coi thi; chấm thi tự luận; xử lý các bài thi vi phạm Quy chế thi và cập nhật điểm thi vào Hệ thống quản lý thi THPT quốc gia; phúc khảo bài thi tự luận; xét công nhận tốt nghiệp. Ban Chỉ đạo thi các cấp thành lập các đoàn kiểm tra và tiến hành kiểm tra các khâu của kỳ thi.
Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT quyết định thành lập các Đoàn thanh tra, kiểm tra công tác chuẩn bị thi, coi thi, chấm thi, phúc khảo và xét công nhận tốt nghiệp Trung học phổ thông tại các Hội đồng thi và Sở GD&ĐT; trường hợp cần thiết Bộ trưởng Bộ GD&ĐT quyết định.
Chánh Thanh tra Sở GD&ĐT quyết định thành lập các Đoàn thanh tra, kiểm tra công tác chuẩn bị thi, coi thi, chấm bài, phúc khảo và xét công nhận tốt nghiệp Trung học phổ thông tại địa phương; trường hợp cần thiết Giám đốc Sở GD&ĐT quyết định.
Cục trưởng Cục Nhà trường xây dựng kế hoạch kiểm tra và ban hành quyết định thành lập các đoàn kiểm tra công tác chuẩn bị thi và xét công nhận tốt nghiệp đối với cơ sở giáo dục thuộc thẩm quyền quản lý.
Thanh tra Bộ chủ trì, phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ, các trường đại học, các Sở GD&ĐT tổ chức thành lập đoàn thanh tra, kiểm tra các khâu của kỳ thi tại một số hội đồng thi; thanh tra trực tiếp công tác chấm thi tại các hội đồng thi.
Thanh tra Sở chủ trì, phối hợp với các đơn vị thuộc Sở và cơ sở giáo dục đại học tổ chức thanh tra, kiểm tra thi. Ban Chỉ đạo thi Quốc gia, Ban Chỉ đạo thi cấp tỉnh, Cục Nhà trường, Thanh tra giáo dục các cấp, Hội đồng thi, Điểm thi tiếp nhận thông tin và giải quyết khiếu nại, tố cáo về kỳ thi./.
Mỹ Anh