Ở nơi mỗi địa danh là một chiến công
Chúng tôi để ý đến một vị trung niên, tóc bạc, trán cao và có nụ cười rất tươi. Đó là ông Nguyễn Văn Trung. Năm 1968, tốt nghiệp Trường Mỹ thuật công nghiệp, ông về Công ty làm việc liên tục 40 năm, đến năm thứ 41 thì nghỉ hưu với cương vị Chánh văn phòng, trong đó có 10 năm đầu tham gia tự vệ. Nhìn lên cờ thưởng “Đơn vị Anh hùng LLVT nhân dân” trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước, ông cho biết: Gần 50 năm qua, lực lượng tự vệ đã trưởng thành cùng Công ty. Chiến công lớn nhất là chúng tôi đã bắn rơi chiếc F111-A, bắt sống hai phi công Mỹ, vào đêm 22-12-1972 trong trận “Điện Biên phủ trên không”, chỉ bằng 19 viên đạn 14,5 ly.
Chúng tôi bâng khuâng nhớ về xa xưa. Trên đầu vẫn là trời xanh, ở dưới vẫn sông Hồng đang trôi xuôi, ngược lên vẫn là dãy Tam Đảo, Ba Vì sừng sững, còn lịch sử thì như một dòng chảy liên tục kế tiếp nhau oai hùng và rực rỡ. Ngay cổng Công ty là đường Tam Trinh, tên một đô tướng người Thanh Hoá, ra bờ sông Kim Ngưu mở trường dạy học và luyện võ. Đến năm 40 (TCN) Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa thì ông đem hơn 3.000 đinh tráng lên Hát Môn tụ nghĩa; ông còn là cụ Tổ môn võ vật Việt Nam. Trong làng Mai Động, có đền Mơ Táo thờ bà Hoàng Thị Chung (còn gọi “Mẫu thoải”), bà là con gái tướng Hoàng Đình Vệ, thời Lê Trung Hưng. Đê Thanh Trì bị vỡ, bà dùng thuyền tự chở gạo đi phát chẩn cho dân nghèo, không may thuyền bị lật, bà chết đuối, làng lập đền thờ ghi công đức rồi vua phong là “Thuỷ tinh công chúa”. Xuôi xuống là đền Lừ, thờ Đức Thánh Trần, thượng tướng Trần Khát Chân và các tướng lĩnh của ông. Ngày 23-1-1390, Trần Khát Chân đã dùng kế phục binh trên ngã ba sông Nhị Hà và Hải Triều, bắn hỏa pháo đốt chiến thuyền rồi chặt đầu vua Chế Bồng Nga, phá quân Chiêm Thành, bảo vệ thành Thăng Long. Trong thời đại Hồ Chí Minh là những trận đánh quyết tử ở làng Quỳnh, làng Hoàng Mai của quân và dân Liên khu 2 (Hà Nội) những ngày đầu chống Pháp. Ngay trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, Binh chủng Không quân còn non trẻ, chỉ có những máy bay như Mic 17, Mic 21 mà đã dũng cảm không chiến, bắn rơi trên 300 chiếc của 19 loại máy bay hiện đại nhất nước Mỹ lúc bấy giờ như B57, F4, F5... Cũng trong chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không”, đêm 27-12-1972, phi công Phạm Tuân lái máy bay Mic 21, từ sân bay Yên Bái, bí mật luồn qua hàng chục máy bay tiêm kích bảo vệ, nhằm trúng pháo đài bay B52 tiêu diệt rồi tắt máy liên lạc nghi binh, hạ độ cao xuống 2km để trở về. Đêm hôm sau, phi công Vũ Xuân Thiều, bay lên từ Cẩm Thuỷ, Thanh Hoá, lại bí mật vòng tránh các loại máy bay tiêm kích, sau khi phóng hai quả tên lửa mà máy bay B52 chỉ bị thương, anh đã cảm tử lao máy bay Mic21 của mình vào B52 Mỹ, hai chiếc rơi cách nhau 5km trên đất Sơn La... Ở Mai Động cũng như nhiều nơi khác của Thủ đô và cả nước, mỗi địa danh là một chuyện cổ tích thần kỳ, một chiến công của dân tộc kiên cường đánh giặc giữ nước.
Giản dị như ngàn năm trước
Nhà máy cơ khí Mai Động, ngày ấy, trung đội tự vệ có 11 người, với 2 khẩu 14,5 ly, khi có chiến tranh phá hoại bằng không quân của Mỹ thì trực và chiến đấu 24/24 giờ. Những đêm đầu trong đợt tập kích chiến lược bằng B52 của giặc vào Hà Nội, trung đội phục vụ chiến đấu cho đơn vị pháo 100mm, cách đó khoảng 300m, chuyên lắp ngòi nổ, chuyển đạn và cứu thương, cứu sập... Chiều ngày 22-12, trung đội được lệnh cơ động vào Vân Đồn, ngoài bãi sông Hồng. Đây là một địa thế “đón lõng” máy bay tiêm kích của địch từ phía bắc, qua dãy Tam Đảo, theo sông Hồng vào ném bom Hà Nội. Hai khẩu pháo này kết hợp với hai khẩu của Nhà máy gỗ Hà Nội, một khẩu của Nhà máy cơ khí Lương Yên thành trận địa 14,5 ly do trung uý Hoàng Minh Giám, cán bộ Bộ tư lệnh Thủ đô trực tiếp chỉ huy. Đêm ấy, ca trực của Mai Động chỉ có 5 người, khẩu đội 1 có Phạm Thị Viễn số 1, Đỗ Thị Dần số 2, khẩu đội 2 có Ngô Thị Hiếu số 1, Đặng Văn Sinh số 2 và khẩu đội trưởng Thái Văn Quang.
Chúng tôi về tổ 24, phường Giáp Bát, Hoàng Mai, Hà Nội để gặp ông Đặng Văn Sinh, 64 tuổi, vào nhà máy năm 1961 làm công nhân nhiệt luyện (cải thiện chế độ thép) và cũng tham gia tự vệ từ đấy. Ông bồi hồi kể: Lên trận địa Vân Đồn, chúng tôi tranh thủ củng cố trận địa, xác định sẵn các góc phương vị, độ cao, làm mọi việc chuẩn bị chiến đấu thật tốt. Khoảng 20 giờ 30 có báo động, máy bay địch cách Hà Nội 80 km, anh em vào vị trí chiến đấu. Đến 21 giờ 30 thì báo động cấp 3, máy bay địch vào gần dần, từ 40km, 30km, rồi 20km, thước tầm... độ hướng... lúc này đèn thành phố đã tắt nhưng đó là một đêm lửa đạn ầm trời, lại thêm nước sông Hồng hắt sáng, chúng tôi nhìn rõ từng khuôn mặt của nhau cùng ánh mắt rực đỏ hướng về quân thù...
Chị Ngô Thị Hiếu, năm nay 57 tuổi, da trắng, mặt tròn, răng hạt ngô, ăn nói có duyên, rất dễ nhìn, dễ cảm mà “chỉ chiến thắng F111A chứ không thắng đường chồng con” như chị nói, nay vẫn là “lính phòng không”. Chị ở tổ 111, phường Ô Chợ Dừa, Đống Đa, Hà Nội, là thợ nguội của nhà máy từ năm 1971. Chị kế: Tôi chưa trực tiếp chiến đấu trận nào nhưng được huấn luyện bắn các loại súng trường, súng ngắn, tiểu liên nên không hồi hộp lắm, mà chỉ mong bắn được trúng máy bay. Đêm ấy, khi có lệnh bắn thì pháo đã có các thông số chính xác về kỹ thuật, tôi dập mạnh chân phải vào bàn cò, khẩu pháo rung lên, điểm xạ ngắn hết 5 viên. Sau này nhớ lại trận đánh tôi cứ buồn cười, mình tham gia đánh giặc trời ngày ấy sao hồn nhiên quá.
Nhìn thấy chúng tôi, chị Phạm Thị Viễn rưng rưng nước mắt. Chị là con thứ 2, trong một gia đình có 7 người con, người con cả đã đi bộ đội, năm 1966 chị khai tăng thêm một tuổi cho đủ 17, để đi làm ở nhà máy. Trong một trận máy bay Mỹ ném bom, chị đã bị một viên bi sượt qua cổ. Ai thương một thời con gái, quanh năm quấn khăn để giấu sẹo làm duyên. Rồi mẹ chị trên đường gánh rau ra chợ bán cũng gặp máy bay Mỹ ập đến, bà vừa chui vào một căn hầm chật hẹp thì có cháu bé vào theo, bà nhoai ra để nhường hầm cho cháu, không may bị một viên bi trúng đầu, bà mất khi người con út chưa đầy 4 tuổi. Từ đấy, chị phải thay mẹ phụ với bố để nuôi dạy 5 em và khẩu đội 14,5 ly, trong chiếc ghế số 1 có một nữ thanh niên mặc áo xanh công nhân, đầu quấn khăn tang ngồi trực chiến. Chị kể: Đêm ấy, trong những cột khói và ánh lửa của bom đạn rung chuyển, tôi nghe rõ tiếng anh chỉ huy hô: “Các khẩu đội chú ý. Hướng 14, chuẩn bị... Một điểm xạ ngắn. Bắn!”. Tôi nhìn thấy rất rõ chiếc máy bay đen sì rẹt qua đầu, phần đuôi loé sáng... Những ngày tiếp theo nhiều đoàn khách từ T.Ư, thành phố, các nhà báo đến trận địa chúc mừng, tặng hoa và quà, vinh dự lắm. Nhưng đêm 26-12, một vệt bom B52 khác đã đánh trúng làng Tương Mai, giết chết bố tôi. Ông là đại biểu HĐND xa,õ được phân công ở lại không đi sơ tán. Chiếc hầm ông trú là một hố bom sâu hoắm, ba ngày sau, chị em tôi mới tìm thấy một phần thi thể của ông qua vạt áo bông đẫm máu... Nhà thơ Tố Hữu đến thăm trận địa, thấy một chiến sĩ gái ngồi trực trên mâm pháo có dải khăn tang, xúc động ông viết 4 câu thơ về chị, trong bài “Việt Nam máu và hoa”: “... Trắng khăn tang em chẳng khóc đâu/ Hỡi em gái mất cha mất mẹ/ Nước mắt em làm nhoà mặt quân thù/ Em phải bắn trúng đầu giặc Mỹ...”. Nay chị Viễn là tổ trưởng tổ đảng, tổ phó dân phố, tổ trưởng tổ phụ nữ. Chị được Hội LHPN Việt Nam tặng bằng khen năm 2003, UBND quận Hoàng Mai tặng giấy khen năm 2008 với thành tích hội viên CCB gương mẫu. Những chiến sĩ tự vệ dũng cảm ấy nay về cuộc sống đời thường lại âm thầm giản dị như cha ông xưa sau khi đánh giặc “súng gươm vứt bỏ lại hiền như xưa”.
Tự vệ Công ty Mai Động hiện nay
Hoà bình đã hơn 30 năm nhưng hào khí tự vệ sao vuông vẫn hiện hữu trong cuộc sống hôm nay ở nhà máy anh hùng. Con em của những anh hùng năm xưa nay lại nối tiếp cha anh, vừa sản xuất vừa tham gia công tác quân sự địa phương. Phát huy truyền thống anh hùng, Đảng bộ Công ty xác định xây dựng lực lượng tự vệ là nhiệm vụ thường xuyên, là tiêu chuẩn để đánh giá mức độ trong sạch vững mạnh của mình, nên hàng năm Đảng ủy có những nghị quyết chuyên đề, hàng quý, tháng có chương trình hoạt động cụ thể để xây dựng lực lượng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Anh Nguyễn Văn Tốt, cán bộ quân sự chuyên trách cho biết, trung đội tự vệ hiện nay có gần 30 cán bộ, chiến sĩ, trong đó có 25% là đảng viên làm nòng cốt, được biên chế thành 3 tiểu đội, cơ động, chiến đấu tại chỗ và phục vụ. Cán bộ, chiến sĩ thường xuyên được quán triệt, học tập các chỉ thị, nghị quyết của Công ty và cấp trên, nhận thức rõ nhiệm vụ của mình và âm mưu thủ đoạn “diễn biến hoà bình” chống phá của các thế lực thù địch... Huấn luyện năm 2009, các môn nhận thức chính trị, bắn súng bộ binh, ném lựu đạn xa trúng hướng... đều có 100% đạt yêu cầu, trong đó có từ 75 - 85% khá và giỏi. Các môn chiến thuật cá nhân, điều lệnh đội ngũ... đạt đơn vị khá. Hội thao với 4 môn quân sự phối hợp đoạt giải nhất toàn đoàn khối tự vệ của quận Hai Bà Trưng. Trung đội đã phối hợp chặt chẽ với đội bảo vệ Công ty, bảo đảm an toàn tài sản, thiết bị vật tư, sửa chữa, lợp mới 2.000m2 nhà ăn, nhà sản xuất, thay thế các bóng đèn bảo vệ trị giá trên 300 triệu đồng, xây cao hệ thống tường rào 3m, gia cố lưới thép B40 trị giá 20 triệu đồng, mua sắm 50 bình khí CO2, 60 bình bọt, thang, câu liêm... xây dựng 5 trụ, 10 họng nước phòng cháy chữa cháy. Lực lượng tự vệ cùng Đoàn Thanh niên, Công đoàn thực hiện tốt các phong trào thi đua “Phát huy nội lực liên tục đổi mới đưa Công ty ngày càng phát triển”, cùng hoàn thành vượt mức các kế hoạch sản xuất, kinh doanh, khen thưởng 54 cán bộ, chiến sĩ, đoàn viên, là chiến sĩ thi đua cấp cơ sở; quyên góp xây Nhà văn hoá thôn Phú Hữu (Minh Phú, Sóc Sơn, Hà Nội) trị giá 550 triệu đồng, ủng hộ quỹ từ thiện, xây nhà tình nghĩa 10 triệu đồng, phối hợp giới thiệu 8 quần chúng ưu tú bồi dưỡng kết nạp Đảng... Gần 30 năm liên tục, trung đội tự vệ đạt danh hiệu “Đơn vị quyết thắng”, Đảng bộ Công ty đạt trong sạch vững mạnh; Công ty được tặng thưởng Huân chương Quân công hạng ba, 12 huân chương Lao động hạng ba và 3 huân chương Chiến công hạng ba.
“Dân quân tự vệ là bức tường thép của Tổ quốc”, lời dạy của Bác Hồ thấm thía biết nhường nào. Tự vệ Công ty Mai Động của Thủ đô, các cụ lão dân quân trong Thanh Hoá, rồi tiểu đội nữ du kích của Kan Lịch miền Tây Quảng Trị... đã dùng súng bộ binh, súng trường bắn rơi những máy bay hiện đại của Mỹ. Ngày nay, mỗi tổ dân phố, mỗi bản làng biên giới, tàu thuyền ngoài sông biển đều có những tổ, những chiến sĩ dân quân tự vệ trong thế trận quốc phòng toàn dân ngày đêm thao thức góp phần giữ bình yên cho Tổ quốc.
*Bài và ảnh: *KIỀU THU - TÔ KIỀU THẨM
Ở nơi mỗi địa danh là một chiến công
Chúng tôi để ý đến một vị trung niên, tóc bạc, trán cao và có nụ cười rất tươi. Đó là ông Nguyễn Văn Trung. Năm 1968, tốt nghiệp Trường Mỹ thuật công nghiệp, ông về Công ty làm việc liên tục 40 năm, đến năm thứ 41 thì nghỉ hưu với cương vị Chánh văn phòng, trong đó có 10 năm đầu tham gia tự vệ. Nhìn lên cờ thưởng “Đơn vị Anh hùng LLVT nhân dân” trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước, ông cho biết: Gần 50 năm qua, lực lượng tự vệ đã trưởng thành cùng Công ty. Chiến công lớn nhất là chúng tôi đã bắn rơi chiếc F111-A, bắt sống hai phi công Mỹ, vào đêm 22-12-1972 trong trận “Điện Biên phủ trên không”, chỉ bằng 19 viên đạn 14,5 ly.
Chúng tôi bâng khuâng nhớ về xa xưa. Trên đầu vẫn là trời xanh, ở dưới vẫn sông Hồng đang trôi xuôi, ngược lên vẫn là dãy Tam Đảo, Ba Vì sừng sững, còn lịch sử thì như một dòng chảy liên tục kế tiếp nhau oai hùng và rực rỡ. Ngay cổng Công ty là đường Tam Trinh, tên một đô tướng người Thanh Hoá, ra bờ sông Kim Ngưu mở trường dạy học và luyện võ. Đến năm 40 (TCN) Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa thì ông đem hơn 3.000 đinh tráng lên Hát Môn tụ nghĩa; ông còn là cụ Tổ môn võ vật Việt Nam. Trong làng Mai Động, có đền Mơ Táo thờ bà Hoàng Thị Chung (còn gọi “Mẫu thoải”), bà là con gái tướng Hoàng Đình Vệ, thời Lê Trung Hưng. Đê Thanh Trì bị vỡ, bà dùng thuyền tự chở gạo đi phát chẩn cho dân nghèo, không may thuyền bị lật, bà chết đuối, làng lập đền thờ ghi công đức rồi vua phong là “Thuỷ tinh công chúa”. Xuôi xuống là đền Lừ, thờ Đức Thánh Trần, thượng tướng Trần Khát Chân và các tướng lĩnh của ông. Ngày 23-1-1390, Trần Khát Chân đã dùng kế phục binh trên ngã ba sông Nhị Hà và Hải Triều, bắn hỏa pháo đốt chiến thuyền rồi chặt đầu vua Chế Bồng Nga, phá quân Chiêm Thành, bảo vệ thành Thăng Long. Trong thời đại Hồ Chí Minh là những trận đánh quyết tử ở làng Quỳnh, làng Hoàng Mai của quân và dân Liên khu 2 (Hà Nội) những ngày đầu chống Pháp. Ngay trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, Binh chủng Không quân còn non trẻ, chỉ có những máy bay như Mic 17, Mic 21 mà đã dũng cảm không chiến, bắn rơi trên 300 chiếc của 19 loại máy bay hiện đại nhất nước Mỹ lúc bấy giờ như B57, F4, F5... Cũng trong chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không”, đêm 27-12-1972, phi công Phạm Tuân lái máy bay Mic 21, từ sân bay Yên Bái, bí mật luồn qua hàng chục máy bay tiêm kích bảo vệ, nhằm trúng pháo đài bay B52 tiêu diệt rồi tắt máy liên lạc nghi binh, hạ độ cao xuống 2km để trở về. Đêm hôm sau, phi công Vũ Xuân Thiều, bay lên từ Cẩm Thuỷ, Thanh Hoá, lại bí mật vòng tránh các loại máy bay tiêm kích, sau khi phóng hai quả tên lửa mà máy bay B52 chỉ bị thương, anh đã cảm tử lao máy bay Mic21 của mình vào B52 Mỹ, hai chiếc rơi cách nhau 5km trên đất Sơn La... Ở Mai Động cũng như nhiều nơi khác của Thủ đô và cả nước, mỗi địa danh là một chuyện cổ tích thần kỳ, một chiến công của dân tộc kiên cường đánh giặc giữ nước.
Giản dị như ngàn năm trước
Nhà máy cơ khí Mai Động, ngày ấy, trung đội tự vệ có 11 người, với 2 khẩu 14,5 ly, khi có chiến tranh phá hoại bằng không quân của Mỹ thì trực và chiến đấu 24/24 giờ. Những đêm đầu trong đợt tập kích chiến lược bằng B52 của giặc vào Hà Nội, trung đội phục vụ chiến đấu cho đơn vị pháo 100mm, cách đó khoảng 300m, chuyên lắp ngòi nổ, chuyển đạn và cứu thương, cứu sập... Chiều ngày 22-12, trung đội được lệnh cơ động vào Vân Đồn, ngoài bãi sông Hồng. Đây là một địa thế “đón lõng” máy bay tiêm kích của địch từ phía bắc, qua dãy Tam Đảo, theo sông Hồng vào ném bom Hà Nội. Hai khẩu pháo này kết hợp với hai khẩu của Nhà máy gỗ Hà Nội, một khẩu của Nhà máy cơ khí Lương Yên thành trận địa 14,5 ly do trung uý Hoàng Minh Giám, cán bộ Bộ tư lệnh Thủ đô trực tiếp chỉ huy. Đêm ấy, ca trực của Mai Động chỉ có 5 người, khẩu đội 1 có Phạm Thị Viễn số 1, Đỗ Thị Dần số 2, khẩu đội 2 có Ngô Thị Hiếu số 1, Đặng Văn Sinh số 2 và khẩu đội trưởng Thái Văn Quang.
Chúng tôi về tổ 24, phường Giáp Bát, Hoàng Mai, Hà Nội để gặp ông Đặng Văn Sinh, 64 tuổi, vào nhà máy năm 1961 làm công nhân nhiệt luyện (cải thiện chế độ thép) và cũng tham gia tự vệ từ đấy. Ông bồi hồi kể: Lên trận địa Vân Đồn, chúng tôi tranh thủ củng cố trận địa, xác định sẵn các góc phương vị, độ cao, làm mọi việc chuẩn bị chiến đấu thật tốt. Khoảng 20 giờ 30 có báo động, máy bay địch cách Hà Nội 80 km, anh em vào vị trí chiến đấu. Đến 21 giờ 30 thì báo động cấp 3, máy bay địch vào gần dần, từ 40km, 30km, rồi 20km, thước tầm... độ hướng... lúc này đèn thành phố đã tắt nhưng đó là một đêm lửa đạn ầm trời, lại thêm nước sông Hồng hắt sáng, chúng tôi nhìn rõ từng khuôn mặt của nhau cùng ánh mắt rực đỏ hướng về quân thù...
Chị Ngô Thị Hiếu, năm nay 57 tuổi, da trắng, mặt tròn, răng hạt ngô, ăn nói có duyên, rất dễ nhìn, dễ cảm mà “chỉ chiến thắng F111A chứ không thắng đường chồng con” như chị nói, nay vẫn là “lính phòng không”. Chị ở tổ 111, phường Ô Chợ Dừa, Đống Đa, Hà Nội, là thợ nguội của nhà máy từ năm 1971. Chị kế: Tôi chưa trực tiếp chiến đấu trận nào nhưng được huấn luyện bắn các loại súng trường, súng ngắn, tiểu liên nên không hồi hộp lắm, mà chỉ mong bắn được trúng máy bay. Đêm ấy, khi có lệnh bắn thì pháo đã có các thông số chính xác về kỹ thuật, tôi dập mạnh chân phải vào bàn cò, khẩu pháo rung lên, điểm xạ ngắn hết 5 viên. Sau này nhớ lại trận đánh tôi cứ buồn cười, mình tham gia đánh giặc trời ngày ấy sao hồn nhiên quá.
Nhìn thấy chúng tôi, chị Phạm Thị Viễn rưng rưng nước mắt. Chị là con thứ 2, trong một gia đình có 7 người con, người con cả đã đi bộ đội, năm 1966 chị khai tăng thêm một tuổi cho đủ 17, để đi làm ở nhà máy. Trong một trận máy bay Mỹ ném bom, chị đã bị một viên bi sượt qua cổ. Ai thương một thời con gái, quanh năm quấn khăn để giấu sẹo làm duyên. Rồi mẹ chị trên đường gánh rau ra chợ bán cũng gặp máy bay Mỹ ập đến, bà vừa chui vào một căn hầm chật hẹp thì có cháu bé vào theo, bà nhoai ra để nhường hầm cho cháu, không may bị một viên bi trúng đầu, bà mất khi người con út chưa đầy 4 tuổi. Từ đấy, chị phải thay mẹ phụ với bố để nuôi dạy 5 em và khẩu đội 14,5 ly, trong chiếc ghế số 1 có một nữ thanh niên mặc áo xanh công nhân, đầu quấn khăn tang ngồi trực chiến. Chị kể: Đêm ấy, trong những cột khói và ánh lửa của bom đạn rung chuyển, tôi nghe rõ tiếng anh chỉ huy hô: “Các khẩu đội chú ý. Hướng 14, chuẩn bị... Một điểm xạ ngắn. Bắn!”. Tôi nhìn thấy rất rõ chiếc máy bay đen sì rẹt qua đầu, phần đuôi loé sáng... Những ngày tiếp theo nhiều đoàn khách từ T.Ư, thành phố, các nhà báo đến trận địa chúc mừng, tặng hoa và quà, vinh dự lắm. Nhưng đêm 26-12, một vệt bom B52 khác đã đánh trúng làng Tương Mai, giết chết bố tôi. Ông là đại biểu HĐND xa,õ được phân công ở lại không đi sơ tán. Chiếc hầm ông trú là một hố bom sâu hoắm, ba ngày sau, chị em tôi mới tìm thấy một phần thi thể của ông qua vạt áo bông đẫm máu... Nhà thơ Tố Hữu đến thăm trận địa, thấy một chiến sĩ gái ngồi trực trên mâm pháo có dải khăn tang, xúc động ông viết 4 câu thơ về chị, trong bài “Việt Nam máu và hoa”: “... Trắng khăn tang em chẳng khóc đâu/ Hỡi em gái mất cha mất mẹ/ Nước mắt em làm nhoà mặt quân thù/ Em phải bắn trúng đầu giặc Mỹ...”. Nay chị Viễn là tổ trưởng tổ đảng, tổ phó dân phố, tổ trưởng tổ phụ nữ. Chị được Hội LHPN Việt Nam tặng bằng khen năm 2003, UBND quận Hoàng Mai tặng giấy khen năm 2008 với thành tích hội viên CCB gương mẫu. Những chiến sĩ tự vệ dũng cảm ấy nay về cuộc sống đời thường lại âm thầm giản dị như cha ông xưa sau khi đánh giặc “súng gươm vứt bỏ lại hiền như xưa”.
Tự vệ Công ty Mai Động hiện nay
Hoà bình đã hơn 30 năm nhưng hào khí tự vệ sao vuông vẫn hiện hữu trong cuộc sống hôm nay ở nhà máy anh hùng. Con em của những anh hùng năm xưa nay lại nối tiếp cha anh, vừa sản xuất vừa tham gia công tác quân sự địa phương. Phát huy truyền thống anh hùng, Đảng bộ Công ty xác định xây dựng lực lượng tự vệ là nhiệm vụ thường xuyên, là tiêu chuẩn để đánh giá mức độ trong sạch vững mạnh của mình, nên hàng năm Đảng ủy có những nghị quyết chuyên đề, hàng quý, tháng có chương trình hoạt động cụ thể để xây dựng lực lượng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Anh Nguyễn Văn Tốt, cán bộ quân sự chuyên trách cho biết, trung đội tự vệ hiện nay có gần 30 cán bộ, chiến sĩ, trong đó có 25% là đảng viên làm nòng cốt, được biên chế thành 3 tiểu đội, cơ động, chiến đấu tại chỗ và phục vụ. Cán bộ, chiến sĩ thường xuyên được quán triệt, học tập các chỉ thị, nghị quyết của Công ty và cấp trên, nhận thức rõ nhiệm vụ của mình và âm mưu thủ đoạn “diễn biến hoà bình” chống phá của các thế lực thù địch... Huấn luyện năm 2009, các môn nhận thức chính trị, bắn súng bộ binh, ném lựu đạn xa trúng hướng... đều có 100% đạt yêu cầu, trong đó có từ 75 - 85% khá và giỏi. Các môn chiến thuật cá nhân, điều lệnh đội ngũ... đạt đơn vị khá. Hội thao với 4 môn quân sự phối hợp đoạt giải nhất toàn đoàn khối tự vệ của quận Hai Bà Trưng. Trung đội đã phối hợp chặt chẽ với đội bảo vệ Công ty, bảo đảm an toàn tài sản, thiết bị vật tư, sửa chữa, lợp mới 2.000m2 nhà ăn, nhà sản xuất, thay thế các bóng đèn bảo vệ trị giá trên 300 triệu đồng, xây cao hệ thống tường rào 3m, gia cố lưới thép B40 trị giá 20 triệu đồng, mua sắm 50 bình khí CO2, 60 bình bọt, thang, câu liêm... xây dựng 5 trụ, 10 họng nước phòng cháy chữa cháy. Lực lượng tự vệ cùng Đoàn Thanh niên, Công đoàn thực hiện tốt các phong trào thi đua “Phát huy nội lực liên tục đổi mới đưa Công ty ngày càng phát triển”, cùng hoàn thành vượt mức các kế hoạch sản xuất, kinh doanh, khen thưởng 54 cán bộ, chiến sĩ, đoàn viên, là chiến sĩ thi đua cấp cơ sở; quyên góp xây Nhà văn hoá thôn Phú Hữu (Minh Phú, Sóc Sơn, Hà Nội) trị giá 550 triệu đồng, ủng hộ quỹ từ thiện, xây nhà tình nghĩa 10 triệu đồng, phối hợp giới thiệu 8 quần chúng ưu tú bồi dưỡng kết nạp Đảng... Gần 30 năm liên tục, trung đội tự vệ đạt danh hiệu “Đơn vị quyết thắng”, Đảng bộ Công ty đạt trong sạch vững mạnh; Công ty được tặng thưởng Huân chương Quân công hạng ba, 12 huân chương Lao động hạng ba và 3 huân chương Chiến công hạng ba.
“Dân quân tự vệ là bức tường thép của Tổ quốc”, lời dạy của Bác Hồ thấm thía biết nhường nào. Tự vệ Công ty Mai Động của Thủ đô, các cụ lão dân quân trong Thanh Hoá, rồi tiểu đội nữ du kích của Kan Lịch miền Tây Quảng Trị... đã dùng súng bộ binh, súng trường bắn rơi những máy bay hiện đại của Mỹ. Ngày nay, mỗi tổ dân phố, mỗi bản làng biên giới, tàu thuyền ngoài sông biển đều có những tổ, những chiến sĩ dân quân tự vệ trong thế trận quốc phòng toàn dân ngày đêm thao thức góp phần giữ bình yên cho Tổ quốc.
Bài và ảnh: KIỀU THU - TÔ KIỀU THẨM