“Rất không nên”. Đó là nguyện vọng của rất nhiều người sau khi được tin Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung quán triệt tại buổi làm việc với tỉnh Quảng Trị về công tác lao động, Người có công ngày 5-7 tại Hà Nội: “Các bia mộ liệt sĩ còn ghi là “vô danh” đều phải khắc lại là “Liệt sĩ chưa xác định được thông tin”. Năm 2023 phải hoàn thành việc điều chỉnh thông tin này”.

Với tình cảm, trách nhiệm của mình đồng chí Bộ trưởng còn yêu cầu: “Bia mộ nên làm với cùng một loại đá, làm đẹp, dày dặn, chữ khắc sâu, rõ ràng” và Bộ trưởng đặc biệt lưu ý, không được để tiêu cực trong việc này…”.

Có thể nói nhân dân cả nước, đặc biệt là những gia đình liệt sĩ có người thân hy sinh chưa xác định được danh tính rất chia sẻ và trân trọng ý kiến quan tâm của Bộ trưởng. Nhưng cũng rất nhiều người, nếu như không muốn nói là hầu hết nhân dân đều có nguyện vọng, đề xuất với Nhà nước không nên khắc lại các bia liệt sĩ nói chung, liệt sĩ “vô danh” nói riêng.

Nguyện vọng trên không chỉ xuất phát từ truyền thống văn hóa dân tộc (kể cả tâm linh), mà còn thấy cả sự phức tạp, tốn kém về kinh tế trong quá trình khắc lại bia cho khoảng 300.000 mộ “Liệt sĩ vô danh” đã được đưa về hầu khắp các nghĩa trang lớn của cả nước.

Kích cỡ bia mộ của “Liệt sĩ vô danh” và các liệt sĩ có danh tính đều thống nhất như nhau. Nếu khắc lại bia mộ phải mở rộng sẽ không cân xứng với phần mộ và không còn sự thống nhất của các nghĩa trang. Nếu cất bốc, chuyển tất cả “Liệt sĩ chưa xác định được thông tin” về một nghĩa trang thì càng phức tạp, khó có thể hoàn thành trong một vài năm.

Đó là chưa nói, các nhà ngôn ngữ học, điển hình, như TS. Nguyễn Sĩ Dũng - nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội còn cho rằng: Tuy nghĩa của câu “Liệt sĩ vô danh” không rõ bằng “Liệt sĩ chưa xác định được thông tin”, nhưng trên bia mộ khắc “Liệt sĩ vô danh” gợi cho mọi người cảm xúc mạnh mẽ hơn là “Liệt sĩ chưa xác định được thông tin”- vì vừa là câu ngắn, vừa là câu đã quen, đi cả vào văn thơ, nhạc họa; được định nghĩa trong Từ điển: “Anh hùng vô danh”, “Liệt sĩ vô danh”, “Chiến sĩ vô danh”…, lâu nay đã in đậm trong lòng nhân dân - “Cứ nhắc đến là dâng trào niềm xúc động…”.

Bộ LĐTBXH nên trưng cầu rộng rãi ý kiến nhân dân, nhất là ý kiến của các học giả ngôn ngữ để có một quyết định phù hợp hơn. Người viết trộm nghĩ, nếu lên tiếng được, chắc các liệt sĩ cũng sẽ mong muốn được giữ yên phần mộ!

Nhật Huy