Những ngày trên đất nước "Cờ hoa" nằm ở Tây Bán cầu, cách nước ta nửa vòng trái đất, hoạt động của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam để lại những ấn tượng tốt đẹp. Tại buổi gặp đại diện các tầng lớp xã hội Việt Nam và Hoa Kỳ, có một người ngồi trên chiếc xe lăn đến dự, vô cùng xúc động khi được Tổng Bí thư hỏi chuyện. Ông nói, sự kiện Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam thăm Hoa Kỳ đáng lẽ diễn ra từ lâu rồi chứ không phải đợi đến bây giờ.
Ông là cựu binh Bốp-by Miu-lơ, đã tham chiến tại vùng đất lửa Quảng Trị những năm 1968, 1969. Chẳng may một lần bị đạn xuyên cột sống, rồi liệt cả hai chân. Hai năm ấy là nỗi đau không bao giờ nguôi ngoai trong lòng người lính thủy đánh bộ này. Bất chấp quan hệ hai nước còn là hố sâu ngăn cách bởi hội chứng chiến tranh, ông cùng người bạn sáng lập và làm Giám đốc Quỹ cựu binh Mỹ tại Việt Nam (năm 1981). Một điều thuận lợi là Quốc hội Mỹ đã chấp nhận cho thành lập một tổ chức phi Chính phủ như thế. Ông tổ chức một đoàn cựu binh đầu tiên trở lại "chiến trường xưa", khi mà quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ còn đầy đố kỵ. Trên những vòng xe lăn, người cựu binh Mỹ không chỉ nhiều lần đi từ tây sang đông bán cầu, mà phi thường hơn là vượt lên sự ngăn cách hận thù do chính nước Mỹ gây ra, để đến với nhân dân Việt Nam; trong đó có lần ông đã được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người mà ông xem như một huyền thoại sống. Ông nói: Mặc dù đã chứng kiến bao mất mát, đau thương không gì bù đắp nổi mà dân tộc Việt Nam gánh chịu trong chiến tranh, nhưng tôi tin rằng chuyến thăm của Ngài Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là nhằm bàn chuyện quan hệ lâu dài giữa hai nước, chứ không phải để gợi lại chuyện quá khứ, dù điều đó không nên quên và cũng không thể nào quên. Cuộc sống phía trước còn rất nhiều việc để bàn, để làm. Trong cuộc gặp, cựu Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam M.Mi-cha-lắc đã có hơn 30 năm làm ngoại giao; Giám đốc điều hành Quỹ hòa giải và phát triển của Hoa Kỳ G.Mắc-ô-líp đều bày tỏ suy nghĩ như thế.
Chuyến thăm Hoa Kỳ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được dư luận đặc biệt quan tâm từ nhiều tháng nay. Chuyện quá khứ có khép lại hay không, những khác biệt còn tồn tại sẽ giải quyết ra sao và định hướng cho tương lai như thế nào, là những vấn đề lớn. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Ô-ba-ma đều cho rằng, quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ đã phải chứng kiến một trang sử buồn đau, để lại di chứng nặng nề trong lòng hai dân tộc; hệ thống chính trị của hai nước có nhiều khác biệt; một số vấn đề được cho là còn nhận thức khác nhau, như nhân quyền, tự do, dân chủ. Nhưng với sự nỗ lực vượt qua bao thách thức ấy, hàng chục năm sau chiến tranh, 20 năm bình thường hóa quan hệ, với khát vọng hòa bình, ổn định và phát triển, quan hệ hai nước đã có những trang sử mới kỳ diệu. Về kinh tế, kim ngạch thương mại hai chiều 20 năm qua tăng gần 130 lần. Việt Nam là quốc gia Đông - Nam Á có số lượng học sinh, sinh viên đang học tại Hoa Kỳ đông nhất, gần 17 nghìn người. Tổng thống Ô-ba-ma khẳng định, chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là cơ hội hiếm có để hai bên củng cố sâu sắc thêm quan hệ Đối tác toàn diện, cùng đi tới tương lai.
Lâu nay, nói đến quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ là nói đến chiến tranh, nhưng bên nỗi đau thương ấy, còn có những điều ít người biết đến. Và phát biểu của Tổng Bí thư ở Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế Hoa Kỳ mang đến nhiều thú vị thuyết phục. Tại hội trường trung tâm, các học giả có mặt trước cả giờ đồng hồ chờ đón người lãnh đạo cao nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam. Bài phát biểu của Tổng Bí thư được đón nhận với những tràng vỗ tay kéo dài không ngớt. Theo Đại tá Sa-pa-giô, 84 tuổi, đã có mặt ở Đà Nẵng vào năm 1964 và Giám đốc Trung tâm Đông - Tây Sa-to Li-mây-e, bài nói của Tổng Bí thư thật tuyệt vời. "Ông ấy cho chúng tôi hiểu rõ hơn về đất nước Việt Nam, nhất là 30 năm đổi mới gần đây; về lịch sử quan hệ của hai nước" - Đại tá Sa-pa-giô nhấn mạnh.
Không ít người bất ngờ khi Tổng Bí thư cho biết, trước khi trở thành Tổng thống thứ ba của Hoa Kỳ, Ngài Tô-mát Giép-phơ-xơn đã tìm cách nhập giống lúa tốt tại Việt Nam về trồng trong trang trại của mình ở bang Vơ-gi-ni-a. Mong muốn mở rộng quan hệ với Hoa Kỳ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi 14 lá thư cho lãnh đạo Hoa Kỳ, trong đó có Tổng thống Tơ-ru-man, đề nghị thiết lập quan hệ "hợp tác toàn diện với Hoa Kỳ". Vậy mà lịch sử phải đi qua không biết bao nhiêu chặng đường gập ghềnh với muôn vàn gian nan thấm đẫm máu, mong muốn ấy đến tháng 7-2013 mới thành hiện thực; đó là năm Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm Hoa Kỳ và hai nước thiết lập quan hệ đối tác toàn diện.
Trong một số cuộc gặp khác, khi trao đổi về tự do và nhân quyền - một vấn đề mà có những ý kiến cho là còn những khác biệt giữa hai nước, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dẫn câu nói đầu tiên trong Tuyên ngôn Độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, ngày 2-9-1945 được trích từ chính Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của nước Mỹ: "Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc". Vì cùng chung khát vọng ấy, cho nên từ chỗ là "cựu thù", hai bên đã trở thành bạn, là đối tác toàn diện và muốn thúc đẩy các quan hệ đi vào chiều sâu hơn, vì lợi ích của mỗi nước, góp phần duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác ở khu vực và trên thế giới.
Trước ngày rời nước Mỹ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến thăm nguyên Tổng thống Bin Clin-tơn ở vùng ngoại ô, cách trung tâm Niu Oóc khoảng một giờ 30 phút đi ô-tô, nơi có rừng cây xanh êm đềm, yên tĩnh. Hai người trò chuyện thân tình khá lâu.
Nói chuyện cùng các phóng viên báo chí, ông B.Clin-tơn chia sẻ: Với cương vị là Tổng thống, tôi thật sự muốn bình thường hóa quan hệ hai nước là vì Việt Nam cũng như vì Mỹ. Song tôi không nhận được sự ủng hộ từ khắp mọi nơi trên nước Mỹ, từ những chính khách đến các cựu chiến binh. Tôi đã tìm đủ mọi cách, gặp những người từng tham chiến tại Việt Nam như Thượng nghị sĩ đương nhiệm Giôn Mắc-kên, Bộ trưởng Ngoại giao Giôn Ke-ri, Đại sứ Pi-tơ Pi-tơ-xơn và nhiều người khác nữa. Quyết định bình thường hóa quan hệ với Việt Nam được đưa ra bởi chúng tôi đã cùng nhau thực hiện.
Nói về chuyến thăm Mỹ của Tổng Bí thư Đảng ta, nguyên Tổng thống B.Clin-tơn tin rằng, việc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Ô-ba-ma cùng xuất hiện trên trang nhất của các báo, nhất là Tuyên bố về Tầm nhìn chung Hoa Kỳ - Việt Nam mà ông đánh giá cao là biểu hiện rõ nhất về thành công của chuyến thăm lịch sử này. Theo ông, người Hoa Kỳ rất yêu mến, muốn làm bạn và muốn cùng nhân dân Việt Nam nắm tay nhau đi đến tương lai.
Những ngày trên đất Mỹ, các thành viên trong Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam ai cũng thấy ấm lòng bởi sự đón tiếp thân tình, cởi mở. Quá khứ đã khép lại, niềm tin cho tương lai đã rõ. Dư luận thế giới xem chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ của Tổng Bí thư Đảng ta như một sự kiện lịch sử. Các báo Washington Post, New York Times có khá nhiều bài viết về chuyến thăm này. Đại sứ Hoa Kỳ đầu tiên tại Việt Nam Pi-tơ Pi-tơ-xơn từng là phi công phục vụ trong Không quân Hoa Kỳ, sau khi máy bay bị bắn rơi trong chiến tranh Việt Nam, phải làm tù binh hơn sáu năm, đã viết trên tờ New York Times: Quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ hiện nay tuyệt vời hơn những điều tuyệt vời mà chúng ta mơ ước. Phó Tổng thống G.Bai-đơn kết thúc phát biểu tại buổi chiêu đãi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã dẫn hai câu Kiều của đại thi hào Nguyễn Du, bày tỏ hy vọng vào tương lai tươi sáng của quan hệ song phương sau một giai đoạn khó khăn: "Trời còn để có hôm nay, / Tan sương đầu ngõ vén mây giữa trời.".
Theo Nhandan