Dịch bệnh Covid-19 đã gây ra những hậu quả nặng nề cho kinh tế - xã hội. Chỉ hai tháng đầu năm 2020, đã có hơn 5.000 doanh nghiệp ngừng hoạt động do ảnh hưởng của dịch, ngân sách mỗi ngày hụt thu 150 tỷ đồng...

Từ nước bùng phát dịch ban đầu là Trung Quốc, đến nay đã có 67 quốc gia, vùng lãnh thổ; hơn 88.000 người phát hiện nhiễm bệnh, hơn 3.000 người tử vong với những diễn biến rất phức tạp, nguy cơ sẽ còn bùng phát mạnh hơn nữa.

Trước diễn biến khó lường ấy, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đưa ra những chỉ đạo rất mạnh mẽ. Đối với dịch Covid-19 thì “chống dịch như chống giặc”; đối với các thành phần kinh tế thì phải tranh thủ “chuyển nguy thành cơ”, kiên trì và quyết tâm tìm ra phương hướng phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình mới.

Ngành Du lịch là một trong những ngành kinh tế chịu tác động của dịch bệnh Covid-19  rõ nét nhất. Dịch bệnh khiến tất cả các quốc gia hạn chế việc đi lại của công dân, hoãn hoặc bỏ các lễ hội, các sự kiện tụ tập đông người. Nhiều công ty lữ hành sụt giảm 90-95% số tour trong nước cũng như quốc tế, nhiều khách sạn không còn khách, nhiều nhà hàng vắng hoe... Ông Vũ Thế Bình - Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp du lịch lo lắng đến mất ăn, mất ngủ trước tình hình dịch bệnh gây ra.

Nhưng “chuyển nguy thành cơ” không phải là khẩu hiệu sáo rỗng. Trước hết, việc Việt Nam chống dịch thành công bước đầu, đến nay cả 16/16 bệnh nhân nhiễm Covid-19 đã khỏi bệnh và xuất viện; từ ngày 13-2 đến nay không có ca nhiễm mới... Trung tâm Kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) đã đưa Việt Nam ra khỏi danh sách “Các nước có biểu hiện virus lây lan trong cộng đồng”, tức là không có bất cứ khuyến cáo, cảnh báo nào liên quan đến dịch Covid-19 trong việc du lịch, di chuyển tới Việt Nam trong thời điểm này. Đại diện WHO và Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (US CDC) đánh giá Việt Nam đã phòng, chống dịch bệnh với quyết tâm rất cao; các giải pháp đồng bộ, hiệu quả, công khai, minh bạch; đồng thời mong Việt Nam chia sẻ với cộng đồng quốc tế những bài học kinh nghiệm về tổ chức cách ly, ngăn ngừa, điều trị dịch bệnh.

Những thành công bước đầu trong điều kiện nhiều nước phát triển, có hệ thống y tế hiện đại như Hàn Quốc, Nhật Bản, Italia... đang bị bùng phát dịch, càng cho thấy sức mạnh, hiệu lực của hệ thống chính trị, hệ thống y tế Việt Nam. Rõ ràng, Việt Nam là một điểm đến an toàn, môi trường trong lành, hệ thống y tế đủ mạnh để ngăn ngừa bệnh dịch là những nội dung “ghi điểm” với khách du lịch quốc tế.

Nhân cơ hội này, Ngành Du lịch đang cơ cấu lại thị phần khách du lịch quốc tế. Nhiều thị trường chiếm tỷ lệ nhỏ hơn nay đang tăng trưởng như châu Âu, Ấn Độ. Nhiều điểm đến, khách sạn, nhà hàng nhân cơ hội vắng khách đã tổ chức khử trùng, sát khuẩn làm sạch môi trưởng, cải tạo cảnh quan; tập huấn nâng cao trình độ nghiệp vụ cho cán bộ, nhân viên; hướng khai thác sang các thị trường tiềm năng; giảm giá dịch vụ; kiên quyết xử lý tình trạng “chặt chém” khách du lịch; tăng cường liên kết giữa các doanh nghiệp vận tải, doanh nghiệp lữ hành với các công ty khai thác điểm đến, nhà hàng, khách sạn; tăng cường liên kết chặt chẽ giữa Trung ương và địa phương... Tất cả những điều đó sẽ làm nên môi trường văn hóa du lịch, yếu tố bảo đảm cho du lịch phát triển bền vững và sẵn sàng tăng tốc khi hết dịch.

Đối với xã hội, trong gian nan, thử thách, tinh thần đoàn kết chống dịch, tương thân, tương ái được nâng cao; ý thức giữ gìn vệ sinh nơi công cộng, xây dựng nếp sống văn minh trong cộng đồng được lan tỏa; niềm tin vào một Chính phủ hiệu lực, hiệu quả tăng gấp bội đã tạo ra nguồn sinh lực mới trong mỗi người, mỗi nhà, mỗi cơ quan, đơn vị.

Về mặt đối ngoại, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) là hiệp định thương mại tự do giữa 11 quốc gia trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, gồm: Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam, có hiệu lực từ ngày 30-12-2018.

Ngày 12-2-2020, Nghị viện châu Âu phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu (EU)-Việt Nam (EVFTA) và Hiệp định bảo hộ đầu tư EU - Việt Nam (EVIPA). Dự kiến tại kỳ họp tháng 5-2020, Quốc hội Việt Nam sẽ phê chuẩn hai hiệp định này. Do đó, EVFTA và EVIPA sẽ có hiệu lực từ tháng 7 năm nay.

Đây là hai FTA thế hệ mới đối với kinh tế Việt Nam. Theo dự báo của chuyên gia, CPTPP tạo ra cơ hội mới cho doanh nghiệp nước ta mở rộng thị trường xuất nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ, có điều kiện lựa chọn nhà đầu tư tiềm năng và tìm kiếm dự án đầu tư tại các nước thành viên do gỡ bỏ 95% sắc thuế hải quan của thị trường khoảng 500 triệu người, chiếm 12,9% GDP toàn cầu và 14,9% giao dịch thương mại thế giới. Còn khi EVFTA có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 85,6% số dòng thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu (KNXK) của Việt Nam sang EU; sau 7 năm sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% KNXK của Việt Nam. Đối với khoảng 0,3% KNXK còn lại, EU cam kết dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%.

CPTPP, EVFTA và EVIPA tác động đến thu hút FDI từ các quốc gia khác nhờ mở rộng không gian kinh tế của Việt Nam, giảm thuế quan xuống 0% và dỡ bỏ hàng rào phi thuế quan; xu hướng dịch chuyển ngày càng nhiều doanh nghiệp FDI tại Trung Quốc sang Việt Nam dự báo sẽ gia tăng.

Đó cũng là những động lực mới đến từ bên ngoài, trợ lực cho Việt Nam “chuyển nguy thành cơ” trong thời gian tới.

Phạm Nguyễn