(Báo tháng 7) -Đức Đạt Lai Lạt Ma lãnh tụ tinh thần của người Tây Tạng đến thăm Viện Tây tạng Rikon ở Rikon, Thụy Sĩ, ngày 21-9-2018.

Nói đến Tây Tạng, thường chúng ta liên tưởng đến một đất nước Phật giáo đầy huyền bí, ẩn mình giữa những dãy núi tuyết Hy Mã Lạp Sơn.

Ở đây, người ta còn tìm được cảm giác thư thái bình yên trong tiếng chuông chùa ngân vang. Khi đi qua những cánh đồng bạt ngàn của dân du mục, những dãy núi tuyết, người ta có cảm giác bước qua đủ mọi “hỷ, nộ, ái, ố” của cuộc đời để rồi thấy lòng mình như được gột rửa, trở nên thanh sạch và yên bình hơn.

Ở đất nước Phật giáo đầy bí ẩn này, người ta còn truyền nhau những câu chuyện huyền bí về những vị Đạt Lai Lạt Ma  (hiện thân lòng từ của chư phật và Bồ Tát).

Đức Đạt Lai Lạt Ma đầu tiên của Tây Tạng là Gendun Truppa (1391 - 1475). Ngài được sinh ra trong một gia đình thuộc thành phần chăn nuôi du mục. Họ đã di cư từ miền Đông Tây Tạng đến những cao nguyên mênh mông nằm tận phía Tây. Họ tạm định cư trên một cánh đồng nhỏ ở Shabtod, nằm trong thung lũng Srad gần Shigatse và cách chùa Sakya không xa lắm.

Khi còn là một đứa trẻ, cậu bé Gendun đã thể hiện khả năng về tôn giáo của mình qua khả năng chạm khắc những câu mật chú và những lời cầu nguyện trên các tảng đá trong lúc đang chăn giữ gia súc. Năm lên bảy, lúc cha qua đời, người mẹ đã đưa cậu đến Nartang, một ngôi chùa của phái Kadampa để làm thị giả và học hành với một số vị cao tăng, dưới sự giám hộ của người cậu tên là Geshe Chosey. Cậu được đặt tên mới là Padme Dorje (có nghĩ là hoa sen sấm sét).

Trước năm 25 tuổi, Gendun Truppa đã hoàn tất việc thọ giới dưới sự hướng dẫn của khoảng 50 vị  lạt ma và trở thành một vị cao tăng thực thụ với pháp hiệu Gendun Drup hay Gendun Truppa (có nghĩa là sự hoàn hảo của đức hạnh).

Sau đó, Gedun Truppa đã rời khỏi Nartang và đến trung tâm Tây Tạng để theo đuổi việc học ở bậc cao hơn tại một số trường đại học Phật giáo khác. Trong số hơn 60 thầy mà ngài đã từng được học và thọ giáo, có ba người thầy đặc biệt ảnh hưởng đến cuộc đời của ngài. Người thứ nhất là viện trưởng Drubpa Sherab, kế đến là ngài Tsongkhapa và cuối cùng là nhà hiền triết Sherab Sengge.

Gedun Truppa dường như là điển hình kiểu mẫu về sức mạnh tuyệt đối của ý chí, nhân cách và lòng quyết tâm.

Có thể nói ngài đã trở thành một bậc tâm linh siêu phàm ngay từ thời còn thơ ấu, khi thực hiện những nguyên tắc của bản thân, ngài không cần quan tâm đến những gì thiên hạ bàn tán về mình.

Tiểu sử bằng tiếng Tây Tạng đã nhắc tới ngài với những phẩm chất của một tâm hồn bình thản, cách xử sự điềm đạm, khiêm nhường, và hoàn toàn không có tính ganh tỵ hay tranh đua, không hề tự khen mình hay chê người.

Đặc biệt bí ẩn là khi Gedun Truppa viên tịch (năm 1475) lại trong tư thế tukdam - tư thế do ngài chọn: Khi ở độ tuổi 84 với sức khoẻ không được tốt, ngài đã nói với các đệ tử là ngài sắp sửa “ra đi” và đã truyền cho họ những lời huấn thị sau cùng. Sau khi căn dặn họ phải luôn luôn ghi nhớ và thiền định về giáo lý Phật đà, ngài đã nhập mật định toạ thiền bằng tư thế hoa sen.  

Truyền miệng kể lại rằng, thân thể của ngài bắt đầu chuyển dạng từ một người già nua trở nên trẻ trung và phát hào quang rực rỡ. Ngài giữ nguyên trạng thái như thế trong vòng 49 ngày, không thở và tim cũng không đập. Ngài ngồi - một trạng thái bí ẩn giữa sống và chết, ý thức của ngài dần dần rời khỏi tim và cơ thể của ngài được duy trì nguyên vẹn nhờ năng lực của thiền định.

Các tài liệu nghiên cứu về Phật giáo Tây Tạng còn nói rằng, vị Lạt Ma này đã tâm nguyện sau khi chết sẽ tái sinh để cứu độ chúng sinh và hoàn tất những gì mình chưa làm xong. Theo lời đại sư Gedun Truppa thì khi hóa thân trở lại trần gian, ông sẽ đầu thai qua các vị Đạt Lai Lạt Ma.

Để các đệ tử biết được mình sẽ hóa thân vào người nào, đại sư đã chỉ rõ một vài thứ đồ dùng hằng ngày của mình và viết một bài kệ đặc biệt, ngày sau cứ theo đó mà suy đoán. Sau khi đại sư Gedun Truppa viên tịch được hai năm, các đệ tử đã thăm dò, theo dõi, tìm kiếm khắp nơi những gì có thể nói lên được sự tái sinh của ngài.

Chuyện kể rằng, lúc bấy giờ ở một vùng ngoại ô thủ đô, có một bé trai mới hai tuổi, nhưng ăn nói và hiểu biết thông thạo như người lớn. Nghe được tin này, các đệ tử của đại sư đã tìm đến tìm hiểu. Họ thấy đứa bé trả lời những câu hỏi do họ đưa ra rất trôi chảy. Sau đó là cuộc thử thách, họ đặt những di vật của đại sư Gedun Truppa lẫn lộn với nhiều đồ vật của những vị sư khác trong tu viện trước mặt cậu bé, rồi hỏi những thứ nào người đã thường dùng ngày xưa?

Cậu bé nhìn tất cả các thứ, rồi lựa những di vật của đại sư Gedun Truppa để riêng ra một bên và nói: “Đây là những thứ tôi thường dùng ngày trước”. Các đệ tử vô cùng kinh ngạc, một người liền đưa bài kệ cho cậu bé đọc thử. Không ngờ vào tuổi nhỏ như vậy mà cậu bé lại đọc được cả bài kệ và còn giải thích luôn những đoạn khó hiểu cho mọi người nghe.

Sau khi đã chắc chắn đó là vị hóa thân của đại sư Gedun Truppa, các đệ tử đã rước cậu bé về tu viện và tôn lên làm sư trưởng với danh hiệu là Gedun Gyatso. Tại tu viện, cậu bé được huấn luyện rất kỹ về giáo lý, quy luật và mọi thứ dành cho một vị Lạt Ma đích thực sau này.

Câu chuyện về sự tái sinh của đại sư Gendun được lưu truyền cho tới ngày nay và rồi nó đã trở thành truyền thống để các vị Lạt Ma sau này noi theo; khi một vị Lạt Ma đương nhiệm viên tịch họ sẽ thông báo với đệ tử của mình về việc tái sinh. Sau đó những người đệ tử sẽ tuân theo lời huấn dụ của thầy để tìm vị Lạt Ma kế vị  ngay từ khi đang còn là  hình hài của một đứa trẻ.

Phạm Nguyễn