Tôi nhập ngũ thời kỳ chống Mỹ, 16 năm trong quân ngũ, đến nay gần 70 tuổi, 32 năm là hội viên CCB, trong đó có 15 năm tham gia Ban Chấp hành Hội CCB cơ sở. Với 32 năm tuổi Hội, kỷ niệm sâu sắc nhất với tôi là việc "tôi giới thiệu, đưa đồng chí Lê Đình vào Hội CCB".

Hội CCB xã thành lập ngày 19-5-1990, lúc đầu có 20 hội viên, đến năm 1995, số hội viên toàn xã có gần 100 đồng chí, được lập thành 5 chi hội ở 5 thôn.

Năm 1997, tôi là Chi hội trưởng CCB thôn Thường Kiệt, xã Vũ Lăng. Khi rà soát các quân nhân về phục viên xuất ngũ tại địa phương, tôi chú ý đến đồng chí Lê Đình nhập ngũ tháng 10-1974, phục viên tháng 12-1983 về quê với thương tật hạng 1/4; được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba. Trong thời gian hoạt động trong Ban Chấp hành Hội, tôi đã vận động và làm thủ tục đề nghị các cấp Hội xét kết nạp 30 hội viên mới. Riêng trường hợp đồng chí Lê Đình được kết nạp vào Hội CCB là một quá trình, nhiều sự kiện và để lại trong tôi những dấu ấn sâu đậm, nó tác động không chỉ với tôi, với Hội mà còn tác động đến cả nhiều người thân và gia đình.

Đồng chí Lê Đình thuộc diện ăn to, nói lớn, cá tính bộc trực; chính cá tính ấy đã bị lợi dụng và gây ra không ít phiến toái.

Năm 1995, khởi điểm mất ổn định ở Thái Bình là ở xã Quỳnh Hoa, Quỳnh Phụ, Thái Bình như một làn sóng ngầm. Từ 1996-1998, ở nhiều xã trong tỉnh Thái Bình, dân tập trung đông người khiếu kiện các vi phạm về quản lý kinh tế tài chính và mất công khai dân chủ. Xã nào có khiếu kiện đông ngưởi là xã đó có một tổ chức gọi là “tổ đầu đơn” mà tổ trưởng thường là người cứng rắn, không họ hàng thân thuộc với cán bộ xã, phải giỏi lý sự...

Tiếp sức cho hoạt động của các “tổ đầu đơn” là một số cán bộ xã trước đã bị kỷ luật hoặc kèn cựa, bè cánh...

Vào một buổi tối giữa tháng Chạp năm 1997 - cô Nhuần, vợ đồng chí Lê Đình sang gặp tôi, trình bày: "Bác xem thuyết phục giúp nhà em đừng có mất công, mất việc và mất lòng vì khiếu kiện... ngày nào cũng có người đến nhà thì thụt hỏi xem cái này, kiểm tra cái kia... em nói thì anh ấy cáu bẳn, cấm em không được cản trở việc nhà em chống tiêu cực...". Tôi biết sự thực là người ta lợi dụng đồng chí Lê Đình vì đồng chí ấy là thương binh.

Cơ hội để tôi giúp Lê Đình không sa đà vào các vụ “kiện tụng” và giới thiệu anh vào Hội đã đến; đó là một buổi tối tháng 10-1999, Hội Đồng ngũ của đồng chí Lê Đình gặp mặt kỷ niệm 25 năm ngày nhập ngũ tổ chức tại nhà đồng chí Đình. Chờ cho cuộc nhậu tan, 8 anh em đồng đội ra bàn trà ngồi, tôi đi ngang qua nhà đồng chí Đình, nghe thấy tiếng gọi “Bác Tấc ơi vào đây với chúng em”. Chỉ chờ có thế, tôi làm động tác đi đều đến gần bàn trà, đứng nghiêm, giơ tay chào: “Tôi đại úy Trần Công Tấc - hội viên Hội CCB Việt Nam xin chào các đồng chí”. Sau những cái bắt tay là những tiếng cười vui vẻ, đồng chí Đình quay vào hiên nhà cầm chai rượu rót ra chén nói: “Mời bác uống chén rượu...”. Tôi vui vẻ nói: “Xin phép anh em tôi uống chung với chú Đình chén rượu này, trước là để tưởng nhớ 3 anh em đồng ngũ của Hội đã hy sinh ở biên giới Tây Nam, sau là để chúc mừng 8 anh em đi cùng đợt đã an toàn trở về xây dựng quê hương...”. Không khí cuộc gặp mặt lặng im một thoáng... rồi sau đó là những câu chuyện của đời lính, đời thường...; xong tôi đứng dậy cáo lui, nói lý do đi thông báo họp Chi hội.

Khi tôi ra chỗ khuất chờ nghe và đúng như tôi dự đoán thì 8 anh em đồng đội kia chuyển sang chủ đề là ai chưa vào Hội CCB. Tôi biết 8 anh em đồng đội của đồng chí Đình thì có 6 người là hội viên Hội CCB, còn 2, trong đó có đồng chí Đình. Anh em móc máy nhau người không vào Hội thì đồng chí Đình nói: “Ai người ta kết nạp người “to còi” hay móc máy như tôi…”. Có một đồng đội lên tiếng: “Ông đủ điều kiện, cứ gặp ông Tấc đề đạt nguyện vọng”.

Ít ngày sau, một buổi tối khi tôi đang đi bộ thể dục thì gặp đồng chí Lê Đức - Tổ trưởng Tổ thương binh tình nghĩa xách gói quà đi về phía nhà đồng chí Lê Đình. Biết anh đến thăm Lê Đình vừa ra viện, tôi xin được đi cùng. Khi đến nhà thăm hỏi, tôi nói: “Quà là của Tổ thương binh tình nghĩa, anh đến thăm chú với tình cảm của những người lính trở về...”. Khi tôi nhắc lại chuyện vận động Lê Đình vào Hội CCB, đồng chí phản ứng:

- Em vào tổ của bác Đức đây là được rồi. Nếu Hội yêu cầu em vào thì các bác cứ gọi... chứ em không viết đơn đâu...

Việc này tôi gặp riêng chú sau... Hai ngày sau, tôi sang gặp đồng chí Lê Đình và bảo:

- Chú đưa anh xem các giấy tờ khi về phục viên.

- Để làm gì bác?

- Sắp tới có thông báo rà soát giải quyết chế độ ưu đãi cho những người có công, anh xem chú thuộc đối tượng nào (tôi nói vậy cốt để xem lại có các giấy tờ làm thủ tục xét kết nạp vào Hội). Đình cho tôi mượn Quyết định phục viên, tấm bằng Huân chương Chiến công và Sổ thương binh. Hôm sau, tôi trả lại toàn bộ giấy tờ và giữ lại bộ phô-tô. “Còn đây là đơn xin vào Hội, chú đủ điều kiện tiêu chuẩn kết nạp vào Hội CCB” - tôi vui vẻ nói. Đình im lặng, xúc động không nói gì. Tôi dấn thêm:

- Chú đừng mặc cảm với những việc đã qua... Đấu tranh vì sự công bằng và lẽ phải là đúng tinh thần của người lính. Chúng ta hy sinh, cống hiến cũng vì điều đó... nhưng việc đấu tranh ấy được đưa ra trong một tổ chức thì hiệu quả và có ý nghĩa hơn, khách quan hơn và mang tính xây dựng hơn.

Sau đó đồng chí Đình đã làm đơn xin vào Hội.

Buổi giao ban Ban Chấp hành Hội CCB xã, tôi đưa ra tham khảo việc giới thiệu kết nạp đồng chí Lê Đình vào Hội, có vài ý kiến về quá khứ đồng chí Đình. Tôi phân tích bản chất sự việc đã qua của đồng chí Đình và cho rằng: “Đồng chí Đình là người có nhân thân lý lịch tốt, năng động, nhiệt tình... cá tính nông nổi, dễ dãi đã bị lợi dụng... Việc đưa những người như đồng chí Đình vào Hội là đưa vào một tổ chức có kỷ cương, kỷ luật, có điều lệ là việc làm rất cần thiết để có cơ hội thay đổi mình, họ sẽ thay đổi, có cách nhìn mới từ sự đóng góp ý kiến chân thành của đống đội”. Tôi họp Ban Chấp hành Chi hội thông qua trích ngang và đơn của đồng chí Đình, sau đó đưa ra cuộc họp toàn Chi hội để xét duyệt. Toàn Chi hội nhất trí đề nghị tổ chức Hội cấp trên quyết định kết nạp đồng chí Đình.

Tháng 7-2000, đồng chí Lê Đình được kết nạp vào Hội CCB Việt Nam. Thờỉ gian dần qua đi, đồng chí Đình đã hòa nhập vào các hoạt động của Hội; tính cách vẫn sôi nổi và nhiệt tình... nhưng chín chắn và nói năng chuẩn mực hơn. Hiện, đồng chí Đình là Tổ trưởng Tổ thương binh tình nghĩa và là thành viên Tổ hòa giải của thôn.

Tôi còn nhớ, vào buổi chiều giáp Tết năm 2015, cô Nhuần sang nhà biếu tôi lạng chè và cho biết: “Hôm nhà em đi họp Hội CCB xã cầm về 1 chiếc hộp nhỏ, cháu nội cầm và đưa cho em: Bà ơi ông lại được thưởng Huân chương nữa rồi…”

Em cầm xem thì đó là “Kỷ niệm chương” của Hội CCB tặng cho những hội viên có đủ 15 năm tuổi Hội và có thành tích tốt, em mừng rơi nước mắt. Cảm ơn Hội đã giúp nhà em thay đổi; công đầu thuộc về bác!

Tôi vui lây với cái vui của cô Nhuần. Không có gì quý bằng tình đồng đội trong chiến đấu cũng như khi đã về với đời thường.

Tháng 10-2022

Trần Công Tấc