Điều tôi thú vị nhất là chỉ mấy ngày ở bên Khoa, những gì trước đây tôi nghe đồn thổi về sự “khác người” của anh hoàn toàn tiêu biến; thay vào đó là trân trọng, nể phục tính chỉn chu, cẩn thận của nhà thơ.
Trước hôm lên đường, bên TBD và Công ty lữ hành mời các thành viên của Đoàn họp phổ biến một vài quy định; trong khi tôi cùng một vài anh nữa lờ lớ lơ, liên lạc qua mail, điện thoại, thì nhà thơ dự họp, ghi chép cẩn thận. Rồi cú mà Khoa làm tôi choáng váng đầu tiên, là sáng ngày 6-9, cả Đoàn thống nhất 9 giờ rưỡi có mặt tại 25 phố Lý Thường Kiệt, thì anh đã chén bữa sáng “căng diều” và có mặt từ 7 giờ. Hoàng Linh - lái xe cơ quan báo với tôi: Cháu đưa chú Khoa đến chỗ hẹn rồi, chú gắng ra sớm kẻo chú ấy “cô đơn”... Kệ lão! Chắc được một hôm thoát khỏi vòng tay vợ nên thỏa chí đấy mà!... Nghĩ thế nên tôi đủng đỉnh. Theo thói quen nhà binh, trước giờ hẹn 15 phút, tôi đến, đã thấy anh ngồi trước bàn cà phê trên hè phố, dưới tán ô đỏ chót, trên bàn là hai quả dừa.

  • Chú chậm thế. Tôi gọi hai quả dừa, bảo cháu Linh về nói chú ra ngay, chờ mãi không thấy, tôi uống hết rồi... - Khoa hể hả. Thấy anh Tô Kiều Thẩm đi cùng tôi, Khoa ngớ ra: Ông Thẩm cũng đi à? May quá, nếu biết ông Thẩm đi, tôi sẽ gọi ba quả dừa và chắc vỡ bụng mất... Trời ơi, anh Khoa!
    Chừng 10 giờ, xe xuất phát, anh ngồi ngất ngưởng đầu xe, rồi tưng tửng với Kha - hướng dẫn viên du lịch: Bạn chuyên hướng dẫn “tua” đi Sinh à? Chuyến này chú được chú Quý (Chủ tịch HĐQT Tập đoàn TBD) cho đi chơi, nhưng cũng là đi tiền trạm. Nếu “tua” của bạn ngon, mai mốt chú sẽ cùng cả nhà làm một chuyến...
    Hướng dẫn viên du lịch láu lỉnh đỡ lời: Cả đời cháu không nghĩ là được gặp, hỏi chuyện chú Khoa, nay được tháp tùng chú và Đoàn, cháu sẽ “hầu hạ” chú hết ý... Dứt lời, cậu ta cầm một tập mũ vải có nhãn hiệu “Saigontuoris” và vui vẻ nói: Chuyến đi này, cháu có chương trình vui có thưởng, nếu cô chú nào đội liên tục chiếc mũ này đến hết “tua” sẽ được thưởng 200 USD... Nhận chiếc mũ, Khoa đội luôn. Mọi người trên xe ồ lên: Chuyến này 200 USD khó thoát khỏi tay Khoa!
    Nhìn nhà thơ ngồi chật ních chiếc ghế, anh lại mặc áo kẻ màu nâu sẫm, chụp trên đầu chiếc mũ tròn xoe, trong tôi lóe lên câu thơ “Những cây nấm nâu màu nâu già...” của Hoàng Nhuận Cầm (bài “Anh bộ đội và tiếng nhạc la”), rồi nhớ lại câu chuyện Khoa kể với tôi và anh Huy Thiêm vào chiều thứ 6 cách đó một tuần. Đến chơi với chúng tôi hôm đó, anh hài lòng với Lễ tổng kết, trao giải cuộc thi; rồi khen tôi: “Dáng chú hơi chuẩn, mặc lễ phục ngon lắm. Độ này tôi lại thấy thích lễ phục sĩ quan Quân đội. Vừa nãy, tôi qua Cửa Đông, đặt may luôn bốn bộ. Buồn cười cháu gái đo cho tôi, người cô ta nần nẫn như khúc dò, mà cứ tấm tắc: Đùi chú to thế, to hơn eo của cháu!...”. Thưa các bạn, chân dung thi sĩ đáng yêu... là như thế!
    Sau gần ba giờ bay, chúng tôi về khách sạn Oochat Paradi - khách sạn hạng sang ở trung tâm Thủ đô Sinhgapo. Mọi người tự chọn “đối tác” trong ba ngày ở đây. Tôi như người buồn ngủ vớ được chiếu hoa, khi em Toàn - Chánh văn phòng TBD reo lên: Chú Khoa nhất quyết chọn ngủ với anh Tường. Thế này, Đoàn ta tha hồ nghe thơ.
    Tất nhiên, thơ thì không thể thiếu. Nhưng có những điều hay cũng chẳng kém gì thơ, phải kể luôn với các bạn, để rồi tự hỏi có ai một chuyến du lịch ngắn ngày mà “đoạt” nhiều cái nhất như Khoa?
    Cái nhất đầu tiên là anh mang đi rất nhiều đồ. Anh có một va li và hai túi đồ.
    Với quần áo, anh mang theo mấy bộ: dài tay có, ngắn tay có, ký giả có...; rồi anh lấy từ va li ra treo hết vào tủ, trông như nhà hàng thời trang.
    Đồ điện tử có máy tính, aipát, điện thoại cầm tay, máy ảnh...
    Những thứ liên quan đến sức khỏe, có: máy đo huyết áp và cơ man nào là thuốc: hạ huyết áp, tiểu đường, thực phẩm chức năng...
    Dù biết sẽ được ở khách sạn hạng sang, anh vẫn mang theo đầy đủ khăn mặt, bàn chải đánh răng và kem PS; còn máy cạo râu, đồ cạo lưỡi..., thì thứ nào cũng hiện đại.
    Thoạt đầu, thấy anh trưng các thứ lên đầy hai bàn, tôi không nhịn được cười, cứ nghĩ là anh dọa non tôi, nhưng đúng là anh sử dụng hết. Rất đều đặn, anh uống cả vốc thuốc một lúc vào buổi tối và sáng; tối và sáng nào anh cũng kiểm tra huyết áp. Anh bảo máy đo huyết áp của anh cực kỳ chính xác, rồi anh cột vào tay tôi đo luôn. Nhìn kim quay tít kịch trần, anh hoảng hốt hỏi sao huyết áp chú kinh thế? Tôi bảo đúng là tôi cao huyết áp bẩm sinh, nhưng ổn định, bác sĩ vừa kiểm tra, nói ổn lắm... Không, không, chú không được vô tư với sức khỏe. Huyết áp cao thế, chú dễ “thăng” lắm... - anh khẳng định. Tôi nghĩ, nếu máy của anh chính xác thì có khi tôi “thăng” lúc nào không biết!
    Không kể đến phái nữ là tín đồ mua sắm, trong đám đực rựa chúng tôi, Khoa là người chịu mua sắm và cũng chịu chơi nhất. Hỏi hướng dẫn viên, xứ sở này có gì đáng mua mà còn tiền là anh mua ngay. Nghe người ta nói có vòng kim loại từ tính đeo vào tay sẽ cân bằng huyết áp, anh dặn Kha phải tìm mua bằng được; cũng vì thấy anh hăng hái thế, nên hình như trong Đoàn ai cũng rước một hai chiếc (giá một chiếc hơn 200 USD Sinh). Mua được vòng, tối đó anh treo vào tay, ngủ một mạch và sáng sớm vội vàng lấy máy kiểm tra huyết áp. “Chẳng ra gì rồi chú ạ - Khoa tỏ vẻ thất vọng - may mà nó không tăng hơn hôm qua”. Mặc, ngày hôm sau, anh còn khuân về nào là cao nọc ong, thuốc mọc tóc, dầu gió xanh... Mua được mấy túi hàng nặng chịch, lên xe Khoa nói tỉnh queo: Tôi chủ trương mua được gì là mua tất, mua để được mua thôi, mua những cái “Chẳng ra gì”, nhưng vẫn mua... Trước tới giờ, tôi mua không biết bao nhiêu thứ “Chẳng ra gì” rồi, nào là cao dán hạ đường huyết, thuốc mọc tóc...
    “Hãi hùng” nhất là trong khi vài anh em trong Đoàn mua mấy chiếc ô của Sinh, giá mỗi chiếc chừng 200.000 tiền Việt đã thấy “chát”, thế mà Khoa mua hẳn một chiếc ô Mỹ chính hãng, với giá 200 đô (cũng Mỹ). Để chứng minh cho cái giá “khủng” ấy, anh lấy ô ra cho tôi xem, rồi bật một cái - ô xòe ra, bật cái nữa - ô cụp xuống - Thấy oách chưa...? Khoa hả hê ra mặt! Chưa hết, trong ba ngày ở Sinh, thì một ngày anh tách Đoàn để thăm bạn văn ở đây. Đi về, anh nói với tôi: Chú có biết hôm nay tôi nướng bao nhiêu tiền tắc xi không? Hơn 400 đô chú ạ... Bác đúng là Công tử Bạc Liêu tái xuất giang hồ - tôi đùa. Anh tủm tỉm cười.
    Tôi để ý thấy ba ngày bên đó, nhất nhất mọi quy định của Đoàn từ giờ ăn, đi chơi..., anh đều chấp hành vô điều kiện; nhưng nếu không chứng kiến một “sự cố” thì cũng khó lòng hình dung một Trần Đăng Khoa hay ho đến thế nào.
    Chuyện là buổi tối cuối cùng, chúng tôi đi du thuyền trên sông, vào xem khu sòng bạc “Látvêgát”... Vì đi quá nhiều, nên đôi giày (made in Vinagiay) của tôi mặc dù mới tinh, nhưng trở chứng, há gót. Không thể để xấu mặt “Việt cộng” ở xứ sở Sư tử biển này được, nên tôi quyết định sẽ dậy sớm, ra siêu thị mua đôi giày mới. Khoa nhất trí, nhưng nhắc tôi đừng ra siêu thị sớm quá, họ chưa bán hàng. Biết vậy, nhưng tôi và anh Thẩm vẫn liều và suýt nữa chúng tôi lạc không biết đường về, mà giày cũng không mua được. Ai đã từng một lần xuống bến tàu điện ngầm và siêu thị mấy tầng, đường đi lối lại như thiên la địa võng ở Mátcơva hay Sinh... thì mới hiểu được sự hoang mang của người lạc đường như anh Thẩm và tôi khi đó, điện thoại không, tiếng Anh nửa chữ cũng không... Nhưng ơn trời, trí nhớ của tôi không tồi lắm; đi lần thứ hai, tôi đã nhớ được lối lên xuống... Lên được mặt đất, cảm tưởng như “Mặt trời chân lý chói qua tim...”. Hí ha hí hửng về đến nhà, thông báo chiến quả suýt lạc đường. Khoa nghiêm nghị: Được rồi, chú làm tôi sốt ruột, ta đi thôi, chắc bà con đang chờ, 9 giờ lên xe ra tàu bay luôn... Bất chợt, tôi nhìn anh rồi tủm tỉm...
  • Cười gì nữa chú ? - anh hỏi.
  • Xin lỗi, bác cho em xin bộ đồ ngủ!
    Thú thực lúc đó tôi không nhịn được cười. Anh vẫn diện bồ đồ ngủ rất mốt, rất đẹp; trong khi áo quần đã cho hết vào va li đóng khóa đâu vào đấy... Hành động của thi nhân lúc đó như thế nào, xin nhường bạn đọc hình dung!
    Như trên đã nói, với Trần Đăng Khoa mà chưa có thơ, chắc quý độc giả sẽ thấy thiếu. Xin thưa, vì không muốn các vị bội thực ngày Tết, tôi đã có bài “Nhờ ngáy, tôi được Trần Đăng Khoa tặng thơ”, mạn phép giấu anh, gửi tới bạn đọc trước rồi.
    Cảm ơn anh Khoa vô cùng, có anh, chuyến đi vốn rất tuyệt vời lại thêm phần thi vị!
    Duy Tường