Chương trình Nghệ thuật đặc biệt “Những trái tim đồng cảm” lần thứ 10 do Công ty CP Bất động sản Hà Quang, Công ty cổ phần Đầu tư Mai Linh, Công ty Tài chính TNHH Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng, Công ty CP Tập đoàn Giáo dục Egroup tài trợ chính. Chương trình “Những trái tim đồng cảm” lần thứ 10 được kết cấu thành 2 phần:
Phần 1: Những mảnh đời bất hạnh
Chương trình ca nhạc có các bài hát: Ngàn ước mơ Việt Nam, Nghĩ về cha, Hãy trao nhau lời yêu, Điệu ví dặm là em, Về thăm quê ngoại, Vì miền Nam, Bạn tôi, Tình đất do NSƯT Phương Thảo, ca sĩ Lê Mận, Nhạc sĩ Hà Chương, Diễn giả Sơn Lâm và Thiếu nhi Trung tâm Văn hóa Quận Ba đình biểu diễn.
Thông qua phóng sự “Những nẻo đường nhân ái”, khán giả màn ảnh nhỏ sẽ được chứng kiến Ban tổ chức Chương trình Nghệ thuật “Những trái tim đồng cảm” đến với trẻ em nghèo và những mảnh đời bất hạnh, đó là:
Ông Mai Hợi ông ngoại của cháu Trương Thị Linh bị bại não bẩm sinh, cháu Trương Thị Huyền, Trương Thị Trang, Trương Thị Hoài Thu mồ côi cha mẹ vì tai nạn giao thông ở Xuân Sơn, Bố Trạch, Quảng Bình. Từ ngày bố mẹ đi xa, ngôi nhà nhỏ giờ đây chỉ còn ba đứa trẻ sớm chiều cơm cháo nuôi nhau. Bữa ăn của các em chỉ đạm bạc có vài con cá trích, đĩa rau luộc và bát canh bõng nước hẳn sẽ còn đeo đẳng mãi các em suốt cuộc đời lập thân côi cút.
Trần Việt Hoàng bước vào đời không được may mắn như bao bạn bè cùng trang lứa. Khi lên 5 tuổi, đôi mắt của em bị mờ đi không nhìn được nữa. Cũng từ đây, Hoàng bắt đầu hành trình chữa bệnh suốt 10 với số tiền hàng trăm triệu đồng. Không dừng lại ở đó, bà Trần Thị Sen, mẹ của Hoàng cũng bị suy thận giai đoạn cuối đang phải nuôi mẹ già 93 tuổi bị tai biến mạch máu não nhiều năm liền nằm liệt giường một chỗ. Tuy phải sống trong bóng đêm của một người khiếm thị, nhưng Trần Việt Hoàng đã nỗ lực vươn lên đạt danh hiệu học sinh giỏi nhiều năm và trở thành tấm gương sáng của người khuyết tật ở Thượng Lộc, Can Lộc, Hà Tĩnh.
Trường THPT dân tộc nội trú tỉnh Cao Bằng có gần 400 học sinh các dân tộc Tày, Nùng, Hmông, Dao, Sán Chỉ, Quý Châu đang theo học. Các em vào đây hầu hết thuộc diện nghèo ở vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh, có em mồ côi cả cha lẫn mẹ. Chương trình “Những trái tim đồng cảm” đến với các em hôm nay là động lực tinh thần động viên các em nỗ lực vươn lên để trở thành con ngoan trò giỏi.
Trung tâm công tác xã hội tỉnh Lào Cai hiện nay đang nuôi dưỡng gần 100 trẻ em mồ côi, trẻ em bị bệnh tâm thần và người già cô đơn không nơi nương tựa. Phải mất nhiều thời gian, công sức, những phần quà của Chương trình “Những trái tim đồng cảm” mới đến được với các em để nhen lên niềm vui thật lớn khi Tết đến, xuân về.
Ông Hoàng Văn Huê ở Hiền Giang, Thường Tín, Hà Nội là thương binh hạng 1/4 bị nhiễm chất độc da cam ở chiến trường miền Đông Nam Bộ. Chúng tôi đến thăm gia đình ông Huê khi cháu Hoàng Bình Lập và Hoàng Thị Ngọc Hà nạn nhân chất độc da cam bị bại não bẩm sinh vẫn gắn cuộc đời mình với chiếc xe lăn.
Khi chứng kiến các hoạt động văn thể của cán bộ chiến sĩ cảnh sát biển Tàu 8003, Hải đội 101, Bộ Tư lệnh Cảnh sát Biển 1 mấy ai hiểu được rằng 10 người trong số họ đang có người thân ở hậu phương bị bệnh hiểm nghèo. Những cuốn sổ tiết kiệm chúng tôi tặng cho họ hôm nay là động lực tinh thần giúp họ vượt qua mọi khó khăn để cầm súng bảo vệ Tổ quốc
(Các nhân vật trong lời bình phóng sự “Những nẻo đường nhân ái”).
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Trung đoàn 27, Sư đoàn 390, Quân đoàn 1 có gần 2500 liệt sĩ hy sinh tại chiến trường Quảng Trị, nhưng đến nay vẫn còn hơn 1800 liệt sĩ chưa tìm thấy hài cốt. Nguyện vọng của các Cựu chiến binh Trung đoàn 27 là xây dựng
“Khu tưởng niệm 2500 liệt sĩ Trung đoàn 27” để khắc tên liệt sĩ lên bia đá nhằm trả lại tên cho các liệt sĩ Trung đoàn 27 chưa tìm thấy hài cốt và xây dựng “Đền thờ 2500 liệt sĩ Trung đoàn 27” làm “ngôi nhà chung” chiêu tập vong linh các liệt sĩ vào thờ phụng tại xã Triệu Long, Triệu Phong, Quảng Trị. Dự án này do Cựu chiến binh Nguyễn Văn Á thiết kế ý tưởng và trực tiếp chỉ đạo thi công có 7 hạng mục công trình gồm: “Khu tưởng niệm 81 Liệt sĩ Đại đội 16”; “Khu tưởng niệm 2500 liệt sĩ Trung đoàn 27”; “Bia chiến tích Khẩu đội 5”; “Đền thờ 2500 liệt sĩ Trung đoàn 27”; “Sở Chỉ huy Trung đoàn 27 và Mặt trận cánh Đông”; Tượng đài “Mãi mãi tuổi 20”; Tượng đài “Non sông thống nhất” cùng các công trình phụ trợ với tổng mức đầu tư hơn 15 tỷ đồng.
Thông qua Chương trình Nghệ thuật “Những trái tim đồng cảm” lần thứ 10, khán giả màn ảnh nhỏ sẽ được chứng kiến Lễ khánh thành “Đền thờ liệt sĩ Trung đoàn 27” ngày 24/7/2018 nhân dịp kỷ niệm 71 năm ngày Thương binh – Liệt sĩ năm 2018 do Ban liên lạc Cựu chiến binh Đại đội 16, Trung đoàn 27 đầu tư xây dựng, Công ty cổ phần Bất động sản Hà Quang, Chương trình Nghệ thuật “Những trái tim đồng cảm” và các nhà hảo tâm đồng hỗ trợ kinh phí xây dựng công trình.“Đền thờ 2500 liệt sĩ Trung đoàn 27” khánh thành ngày 24-7-2018*“Đồng đội ơi nào quần tụ về đây/ Những người lính của Trung đoàn 27/ Chỉ phần mộ chiến trường xưa nằm lại/ Bao năm rồi tắm gội gió mưa chan/ Anh em ơi nào hãy xếp thành hàng/ Điểm danh nhé một…hai…ba và hết/ Bao ánh mắt lần tìm trên bia đá/ Dòng tên nào cũng nhức nhối con tim/ Mẹ đừng buồn bên mộ chẳng dòng tên/ Con đừng khóc ngày cha không về nữa/ Lá xanh rụng, lá vàng chưa kịp úa/ Cũng thường tình cha hãy bớt niềm đau/ Ngày con đi vào chớp bể mưa nguồn/ Lưng mẹ bắc cầu vồng năm tháng/ Thương nhớ cũng mang hình viên đạn/ Chồng không về em hóa đá vọng phu/ Đồng đội ở đừng buồn tủi nữa nào/ Ca lên chứ cùng vui ngày hội tụ/ Ngôi nhà chung chúng mình từng ấp ủ/ Chính là đây đồng đội cứ sum vầy.”
“Về cả đây rồi dẫu chẳng đủ tuổi tên/ Trước tượng đài thiêng liêng quây quần hội tụ/ Xin các anh một đêm không ngủ/ Đồng đội một thời hoa lửa đến tìm nhau.”*
Do thiếu kinh phí để triển khai, nên có 3 hạng mục công trình của dự án này là “Sở chỉ huy Trung đoàn 27 và mặt trận cánh Đông”; Tượng đài “Mãi mãi tuổi 20”; Tượng đài “Non sông thống nhất” cần phải tiếp tục vận động các nhà hảo tâm ủng hộ kinh phí để xây dựng trong thời gian tới.
(Lời bình phóng sự “Lễ khánh thành Đền thờ 2500 liệt sĩ Trung đoàn 27”)
Phần 2: Những trái tim đồng cảmChương trình ca nhạc có ca khúc: Lời ru, Trẻ em hôm nay thế giới ngày mai do ca sĩ Lê Mận và Thiếu nhi TTVH quận Ba Đình biểu diễn. Đặc biệt ở phần 2, khán giả màn ảnh nhỏ còn được chứng kiến nghệ sĩ Mai Đình Tới thổi sáo bằng mũi bài Hình bóng quê nhà, thổi đàn chai nước ngọt bài Làng tôi, đánh đàn bằng ống nhựa bài Trống cơm mang âm hưởng dân ca.
Chúng tôi đến thăm gia đình anh Nguyễn Hoàng Điệp ở làng Đầu Núi, xã Mỹ Bằng, huyện Yên Sơn, Tuyên Quang đúng vào lúc nhân dân ở đây đang dọn dẹp vệ sinh ngôi nhà anh Điệp vừa bị cháy. Trên nền ngôi nhà cũ chỉ còn lại tro than và những chiếc cột nhà cháy đen loang lổ, anh Điệp cùng bạn bè đang kiên trì đào bới để tìm kiếm những gì còn sót lại sau cơn hỏa hoạn. Thật bất ngờ, trong niềm hy vọng mong manh, anh Điệp tìm lại được chiếc nhẫn cưới – một kỷ vật thiêng liêng của vợ chồng anh ngày mới kết hôn.
Trận hỏa hoạn lúc 16 giờ 30 phút ngày 6/6/2018, đã thiêu trụi ngôi nhà gỗ ba gian lợp bằng lá cọ và toàn bộ gia tài của anh Điệp trong khi vợ chồng anh đang đi gặt lúa thuê cho nhân dân trong xã. Ông Mai Xuân Dần, Phó Bí thư Chi bộ làng Đầu Núi dẫn chúng tôi ra nơi ngôi nhà bị cháy và cho biết: Sau khi hỏa hoạn xảy ra, cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương đã kịp thời đến động viên và giúp đỡ gia đình. Anh Nguyễn Hải Dương, cán bộ văn hóa xã Mỹ Bằng còn vận động bạn bè giúp đỡ vợ chồng anh Điệp. Với truyền thống “Bầu ơi thương lấy bí cùng”, vừa qua, Ban tổ chức Chương trình “Những trái tim đồng cảm” lần thứ 10 đã đến thăm và tặng sổ tiết kiệm giúp gia đình anh Điệp vượt qua cơn hoạn nạn

Cháu Nguyễn Chí Tường

Cháu Nguyễn Nhật Ánh Hành trình từ Hà Nội đến Tuyên Quang gần 200 cây số, nhưng đó là khoảng cách về địa lý, còn hành trình từ trái tim đến với trái tim thì thật gần và không giới hạn. Nhờ có cộng đồng chung tay giúp đỡ, giờ đây, trên nền ngôi nhà vừa bị cháy, một ngôi nhà tình thương đã mọc lên tạo điều kiện cho gia đình anh Điệp an cư lập nghiệp và ổn định cuộc sống..Ngôi nhà nhỏ nằm cạnh con đường dẫn vào thôn Khau Ràng, xã Bản Lạp, huyện Chợ Mới, Bắc Kạn là nơi cư ngụ của mẹ con chị Nông Thị Hợp. Cũng như bao người con gái khác, năm 2000 chị Hợp xây dựng gia đình với anh Hà Văn Minh - một người mồ côi cha mẹ ở cùng quê. Tháng 5 năm 2001, chị Hợp sinh cháu Hà Thị Xuân - con gái đầu lòng trong niềm vui khôn xiết. Nhưng buồn thay, khi lên 10 tháng tuổi, cháu Xuân bị bại liệt sau một trận sốt kéo dài. Biết con bị bệnh hiểm nghèo, anh Minh nói với vợ rằng: “Em ở nhà để anh đi kiếm tiền chữa bệnh cho con”. Thế nhưng, anh Minh đã không bao giờ về nữa. Anh đã chết mà đến nay vẫn không rõ nguyên nhân. Sau bảy năm trời nuôi con bại liệt, tình mẫu tử vẫn không giữ được con gái cho chị Hợp, cháu Xuân đã vĩnh viễn ra đi vì căn bệnh hiểm nghèo vào mùa đông năm 2007.Mẹ con chị Nông Thị Hợp (giữa). Bản năng làm mẹ lại thức dậy trong lòng chị Hợp sau nỗi đau mất mát chồng con. Năm 2008, chị Hợp gặp anh Hoàng Đình Thanh quê ở Thái Nguyên lên quê chị làm ăn. Mối tình không hôn thú đã cho ra đời cháu Hoàng Thị Chúc vào năm 2014. Sinh con được 2 năm, chị Hợp mới biết mình bị ung thư vú, bị sỏi thận, viêm đại tràng, hai tay đau nhức không làm được việc gì. Cũng từ đây, chị hoàn toàn gục ngã trước căn bệnh hiểm nghèo. Mỗi khi bạo bệnh, chị thường ôm con nằm trên chiếc giường này phó thác cuộc đời cho số phận. Điều đáng trách là biết chị bị bệnh hiểm nghèo, nhưng anh Thành người tình của chị đã cao chạy xa bay và bặt vô âm tín!?
Là người phụ nữ đơn thân nuôi con một mình nên gia tài của chị cũng nghèo nàn không có gì đáng giá. Nhà nghèo không có tiền đi chợ, nên bữa ăn của mẹ con chị Hợp mỗi ngày chẳng biết đến cá, thịt là gì ngoài bát canh rau đay, rau ngót. Như cái xác không hồn, ngày lại ngày chị gắng gượng vượt qua bệnh tật để nuôi con trong căn nhà gió lùa tứ phía
Để giúp đỡ chị Hợp có tiền chữa bệnh và nuôi con ăn học, vừa qua, Ban tổ chức Chương trình “Những trái tim đồng cảm” lần thứ 10 đã đến tặng sổ tiết kiệm cho mẹ con chị Hợp với số tiền 20 triệu đồng. Trường Mầm non Mai Lạp - nơi cháu Hoàng Thị Chúc đang theo học cũng tạo mọi điều kiện giúp đỡ gia đình chị. Khi phóng sự này phát đi, chúng tôi mong các nhà hảo tâm sẽ tiếp tục đến với gia đình chị Hợp để giúp mẹ con chị vượt qua khó khăn và hòa nhập cộng đồng. (Lời bình phóng sự “Thương thay cũng một kiếp người”).
Thông qua Chương trình Nghệ thuật “Những trái tim đồng cảm” lần thứ 10, Ban tổ chức sẽ tặng hơn 100 sổ tiết kiệm (mỗi sổ 5 triệu đồng) cho trẻ em bị bệnh hiểm nghèo, nạn nhân chất độc da cam; tặng 30 suất học bổng (mỗi suất 5 triệu đồng), tặng 05 xe đạp (mỗi xe 2 triệu đồng) cho học sinh nghèo có hoàn cảnh khó khăn và hỗ trợ kinh phí xây dựng “Đền thờ 2500 liệt sĩ Trung đoàn 27” tại xã Triệu Long, Triệu Phong, Quảng Trị với tổng số tiền hơn 05 tỷ đồng.
Sau 10 năm chung tay góp sức vì trẻ em nghèo, Chương tình “Những trái tim đồng cảm” đã mổ tim nhân đạo cho hơn 100 trẻ em nghèo bị tim bẩm sinh; xây dựng 30 nhà tình thương cho trẻ em mồ côi không nơi nương tựa; tặng hơn 1000 sổ tiết kiệm cho trẻ em bị bệnh hiểm nghèo và nạn nhân chất độc da cam; tặng hơn 8000 suất quà cho trẻ em nghèo… Đồng thời hỗ trợ kinh phí xây dựng “Khu tưởng niệm 2500 liệt sĩ Trung đoàn 27” và “Đền thờ 2500 liệt sĩ Trung đoàn 27” và các công trình phụ trợ ở xã Triệu Long, Triệu Phong, Quảng Trị với tổng số tiền hơn 25 tỷ đồng.

Thông tin chi tiết xin liên hệ: Nhà báo Khánh Văn - ĐT: 0913.288.092 Email: Nhabaokhanhvan@gmail.com Ban Tổ chức Chương trình "Những trái tim đồng camr" lần thứ 10