Vải thiều Lục Ngạn đã được xuất khẩu đến nhiều thị trường trên thế giới
Sau gần một năm triển khai Đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Nhiều sản phẩm chất lượng đã được sản xuất và tiêu thụ tốt trên thị trường, một số sản phẩm đã được xuất khẩu.
Theo ông Trần Thanh Nam, Thứ Trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thực hiện Nghị quyết 26 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Chính phủ Việt Nam đã triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020 với mục tiêu: Xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ, đô thị theo quy hoạch; xã hội nông thôn ổn định, giàu bản sắc văn hoá dân tộc; dân trí được nâng cao, môi trường sinh thái được bảo vệ; hệ thống chính trị ở nông thôn dưới sự lãnh đạo của Đảng được tăng cường.
Sau hơn 9 năm triển khai, chương trình xây dựng nông thôn mới đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Bộ mặt nông thôn được đổi mới nhờ các thiết chế hạ tầng quan trọng như giao thông, điện, nước sản xuất và sinh hoạt, trường học, chợ, nhà ở dân cư, công trình văn hóa,.. được tập trung đầu tư, đã và đang hỗ trợ tốt tổ chức sản xuất và nâng cao đời sống kinh tế - xã hội ở nông thôn. Văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục phát triển. Hệ thống chính trị ở cơ sở được tăng cường, công tác quản lý nhà nước ở nông thôn ngày càng hiệu quả. Tổ chức sản xuất nông nghiệp và dịch vụ ở nông thôn được tổ chức hiệu quả, phát triển nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất theo chuỗi giá trị, đến nay, xuất khẩu nông sản của Việt Nam đã đến được trên 180 quốc gia, vùng lãnh thổ, kim ngạnh xuất khẩu nông sản năm 2018 đạt trên 40 tỷ USD, đứng thứ 2 khu vực Đông Nam Á và đứng thứ 15 thế giới.
Cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp được triển khai mạnh mẽ theo hướng 3 trục sản phẩm (trục sản phẩm nông nghiệp cấp quốc gia; trục sản phẩm cấp tỉnh; trục sản phẩm cấp địa phương) đã tạo điều kiện cho kinh tế khu vực nông thôn phát triển, đồng thời phát huy tốt lợi thế về sản xuất nông nghiệp và dịch vụ, du lịch ở khu vực nông thôn. Đời sống nông dân được cải thiện và nâng cao, thu nhập bình quân hiện nay đạt gần 40 triệu đồng/người/năm (tăng gần 4 lần so với năm 2008) , tỷ lệ hộ nghèo ở khu vực nông thôn giảm từ 12,2% năm 2008 xuống còn 1,8% đầu năm 2018 (theo chuẩn cũ), còn theo chuẩn nghèo đa chiều, đến hết 2018, tỷ lệ hộ nghèo còn 6,45%. Những kết quả quan trọng trên đã góp phần đạt mục tiêu quan trọng về xây dựng nông thôn mới, tính đến hết tháng 3/2019, cả nước có 66 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; có 4.207 xã (bằng 47,19%) đạt chuẩn nông thôn mới, dự kiến đến cuối năm 2019 sẽ đạt 50% số xã (vượt trước 01 năm mục tiêu đạt 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2020).
Mục tiêu phát triển kinh tế xã hội đến năm 2030, Chính phủ dự kiến nâng thu nhập bình quân đầu người tăng gấp 2 lần, do vậy yêu cầu tăng trưởng kinh tế phải trên cơ sở thực hiện phát triển tốt các lợi thế cạnh tranh quốc gia, trong đó có lợi thế về phát triển nông nghiệp và phát triển bền vững kinh tế nông thôn. Tuy nhiên bên cạnh thời cơ và thuận lợi, khu vực nông thôn còn nhiều thách thức như dân số khu vực nông thôn Việt Nam vẫn chiếm số đông, chiếm 68% dân số cả nước, lao động trong độ tuổi ở khu vực nông thôn chiếm 65% lao động cả nước, khoảng cách chênh lệch giàu nghèo giữa nông thôn và thành thị còn cao và biến đổi khí hậu khó kiểm soát. Do đó nhiệm vụ phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn toàn diện đang được Chính phủ tập trung chỉ đạo, trong đó tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới. Nhiều đề án, chương trình lớn đã được Chính phủ triển khai như: Chương trình khoa học công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới; Đề án về xử lý môi trường nông thôn; Đề án hỗ trợ phát triển thôn, bản, ấp của các xã đặc biệt khó khăn, đặc biệt là Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Chương trình này được xác định là chương trình phát triển kinh tế nông thôn quan trọng trong thời gian tới.
Ngoài ra, phong trào mỗi làng một sản phẩm (OVOP) đã được Việt Nam tiếp nhận và triển khai từ năm 2006 với Đề án Mỗi làng một nghề, nhiều địa phương trong cả nước đã triển khai đạt hiệu quả bước đầu, trong đó có tỉnh Quảng Ninh với Đề án Mỗi xã, phường một sản phẩm triển khai từ năm 2013. Và đến cuối năm 2017, theo tổng hợp từ 63 tỉnh, thành phố cho thấy,vùng nông thôn cả nước đã có 6.010 doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ sản xuất, tổ chức sản xuất 4.823 sản phẩm lợi thế thuộc 6 nhóm sản phẩm theo Chương trình mỗi xã một sản phẩm. Hầu hết các sản phẩm, dịch vụ trên đều có khả năng, dư địa để phát triển, đa dạng hóa sản phẩm và thương mại hóa nếu được chú trọng đầu tư, được chỉ đạo tổ chức thực hiện cụ thể một cách bài bản, thống nhất, đồng bộ, góp phần tạo chuyển biến căn bản trong phát triển kinh tế nông thôn để nâng cao thu nhập cho người dân một cách bền vững, chính vì vậy, ngày 07/5/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 490/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình quốc gia Mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018-2020 (Chương trình OCOP).
Chương trình mỗi xã một sản phẩm là nhằm phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh (ưu tiên phát triển hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa) để sản xuất các sản phẩm truyền thống, dịch vụ có lợi thế đạt tiêu chuẩn, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế, góp phần phát triển kinh tế nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị. Thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống cho nhân dân và thực hiện hiệu quả nhóm tiêu chí “Kinh tế và tổ chức sản xuất” trong Bộ tiêu chí quốc gia xây dựng xã nông thôn mới. Thông qua việc phát triển sản xuất tại khu vực nông thôn, góp phần thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn hợp lý (hạn chế dân di cư ra thành phố), bảo vệ môi trường và bảo tồn những giá trị truyền thống của nông thôn Việt Nam.
Cũng theo ông Trần Thanh Nam, đến năm 2020, tiêu chuẩn hóa ít nhất 50% số sản phẩm hiện có, tương ứng khoảng 2.400 sản phẩm. Củng cố, hoàn thiện tổ chức sản xuất theo hướng liên kết giữa hộ sản xuất với hợp tác xã và doanh nghiệp. Triển khai thực hiện từ 8-10 mô hình Làng Văn hóa du lịch. củng cố, kiện toàn 100% doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia Chương trình OCOP. Phấn đấu phát triển mới khoảng 500 doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã tham gia Chương trình OCOP. Đẩy mạnh các chương trình xúc tiến thương mại và quảng bá thương hiệu sản phẩm OCOP. Đào tạo, tập huấn kiến thức chuyên môn quản lý sản xuất, kinh doanh cho khoảng 1.200 cán bộ quản lý nhà nước (cấp Trung ương, tỉnh, huyện) thực hiện Chương trình OCOP và 100% lãnh đạo doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ hộ sản xuất có đăng ký kinh doanh tham gia Chương trình OCOP.
Để thực hiện được mục tiêu trên, theo ông Trần Thanh Nam, cần tập trung công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước, cho các hộ sản xuất và cho người tiêu dùng để hiểu, biết quan tâm chỉ đạo sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Nghiên cứu, vận dụng và ban hành các cơ chế, chính sách khuyến khích để ứng dụng các giải pháp về khoa học và công nghệ. Huy động nguồn lực, và xây dựng hệ thống tư vấn, đối tác hỗ trợ và hợp tác quốc tế để thực hiện Chương trình OCOP hiệu quả. Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang nghiên cứu, soạn thảo và chuẩn bị ban hành Bộ Tiêu chí quốc gia đánh giá chất lượng các sản phẩm OCOP trên cơ sở tiếp thu vận dụng 17 tiêu chí phát triển bền vững của Liên hợp quốc, Bộ Tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới và kinh nghiệm từ các bộ, ngành Trung ương, địa phương để sớm hoàn chỉnh trình Chính phủ trong thời gian tới…
Với 40 năm phát triển của phong trào mỗi làng, xã một sản phẩm, đến nay đã có 43 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới đã và đang tích cực triển khai phong trào. Ở Việt Nam, sau gần một năm triển khai Đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Chương trình OCOP đã đạt được một số kết quả tích cực. Nhận thức của các địa phương về chương trình OCOP được nâng cao, hiện đã có 42 tỉnh, thành phố phê duyệt đề án triển khai ở cấp tỉnh. Theo kế hoạch, đến hết quý II/2019 cả nước sẽ phê duyệt xong đề án/kế hoạch OCOP cấp tỉnh.
Đặng Hiếu