Chế biến tinh dầu quế tại Hợp tác xã 6/12    

Khởi nghiệp từ một hợp tác xã hoạt động ở mức trung bình, năm 2015, hợp tác xã 6/12 đã vươn lên phát triển mạnh mẽ, trở thành mô hình hợp tác xã nông nghiệp điển hình của tỉnh Yên Bái. Đến nay, mô hình này được phát triển nhân rộng trên địa bàn huyện Trấn Yên và một số địa phương trong tỉnh.  

Năm 2004, ông Nguyễn Văn Thắng cùng hàng chục cựu chiến binh (CCB) hình thành HTX với cái tên trùng với ngày thành lập Hội Cựu Chiến binh Việt Nam: HTX 6/12. Ngành nghề kinh doanh chính của HTX là trồng, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông lâm nghiệp, chưng cất tinh dầu quế.

Mang trên mình thương tật từ cuộc chiến tranh bảo vệ tổ quốc và chỉ có đôi bàn tay trắng, thế nhưng, vượt lên tất cả, những cựu chiến binh tại xã Đào Thịnh, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái đã cùng nhau khởi nghiệp bằng việc thành lập HTX 6/12. Chính tinh thần “Bộ đội cụ Hồ” đã giúp HTX từng bước phát triển kinh tế, gây dựng sự nghiệp, làm giàu cho gia đình và xã hội.

Mở rộng nhà xưởng

Thời gian đầu hoạt động, HTX 6/12 do ông Thắng làm Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, thách thức do thiếu kinh nghiệm trong quản lý, điều hành cũng như phương pháp hạch toán kinh tế.

HTX hoạt động theo mô hình vừa trồng, chăm sóc vừa khai thác rừng; khai thác tỉa thưa bán quế vỏ, bán cành, lá, nấu dầu quế, đồng thời đầu tư trồng mới mỗi năm 3 - 4 ha quế.

Cải thiện phương án sản xuất, kinh doanh, nâng cao thu nhập cho thành viên, giúp thành viên có cuộc sống ngày càng tốt hơn luôn là niềm trăn trở của ông Thắng mỗi khi nói về HTX. Ông cho biết: “Tôi luôn mong muốn có thể xây dựng được một nhà máy chế biến tinh dầu quế theo quy trình khép kín để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm”.

Vì vậy, khi diện tích quế đến tuổi khai thác theo chu kỳ đã nhiều, ông đưa ý tưởng đã ấp ủ của mình trong nhiều năm ra bàn bạc với các thành viên HĐQT và thống nhất khai thác trắng một diện tích lớn rừng trồng để có vốn đầu tư nhà xưởng, kho chứa nguyên liệu và nhà máy chế biến tinh dầu quế với công suất 15 tấn nguyên liệu/ngày, cho năng suất 3 tấn tinh dầu quế/tháng.

Tháng 8/2013, HTX đầu tư xây dựng nhà máy chế biến tinh dầu quế tại thôn 5 xã Đào Thịnh. Để phục vụ hoạt động của nhà máy, HTX chia một nửa số lao động từ trang trại về làm việc tại đây và thuê thêm 20 lao động tại địa phương vào làm việc.      

Đầu   năm 2014, HTX tổ chức lại và hoạt động theo Luật HTX 2012. Sau khi chuyển   đổi, HTX tiếp tục đầu tư 7 tỷ đồng mở rộng nhà xưởng, mua mới dây chuyền   chưng cất tinh dầu quế, phương tiện vận chuyển và một hệ thống nhà kho chứa   nguyên vật liệu, thành phẩm.  

Liên minh HTX vào cuộc

HTX đã liên kết, hợp tác với HTX Dịch vụ nông lâm nghiệp tổng hợp Công Tâm và công ty An Thịnh Cường Phát của huyện Văn Yên để phát triển chuỗi sản phẩm quế, tạo ra vòng tròn khép kín giữa người sản xuất - HTX - doanh nghiệp - thị trường.

Khởi nghiệp từ một HTX hoạt động ở mức trung bình, năm 2015, HTX 6/12 đã vươn lên phát triển mạnh mẽ, trở thành mô hình HTX nông nghiệp điển hình của tỉnh Yên Bái. Đến nay, mô hình này được phát triển nhân rộng trên địa bàn huyện Trấn Yên và một số địa phương trong tỉnh.

Đầu năm 2016, qua việc khảo sát thực tế mô hình hoạt động dây chuyền chưng cất tinh dầu quế của HTX, Liên minh HTX Việt Nam đã lựa chọn HTX tham gia Đề án: “Xây dựng mô hình HTX kiểu mới gắn với phát triển chuỗi giá trị sản phẩm, hàng hóa chủ lực, có quy mô lớn và sức lan tỏa”. Đề án đã hỗ trợ cho HTX tiếp tục cải tiến máy móc, công nghệ để nâng cao tỷ lệ chiết xuất tinh dầu, nâng cao giá trị sản xuất.

Hiện nay, HTX tạo việc làm thường xuyên cho gần 60 thành viên và người lao động với thu nhập ổn định 4 - 5 triệu đồng/người/tháng. Năm 2018, HTX nộp ngân sách gần 400 triệu đồng.

Để đáp ứng nhu cầu sản xuất và tiêu thụ, thời gian tới, HTX dự kiến đầu tư xây dựng nhà xưởng với diện tích 1.000 m2, đầu tư máy nghiền bã làm chất đốt, vừa xử lý phế thải vừa tạo thêm nguồn thu. Tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 700 triệu đồng và đang trong giai đoạn bắt đầu thi công.

Sự thành công của HTX 6/12 xã Đào Thịnh chính là minh chứng tấm gương người lính đi đầu trên mặt trận lao động sản xuất, biết khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương để phát triển kinh tế, làm giàu cho bản thân, góp phần xây dựng quê hương.

Hoàng Lê