CCB Đinh Luyến là bạn đồng niên của tôi. Cả hai sinh ra cùng làng, học chung một lớp, lớn lên đều đi bộ đội. Quê hai chúng tôi nằm ven sông Đáy, là làng Đoan Vĩ, xã Thanh Hải, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam.

Làng tuy nghèo nhưng đã chắt chiu nuôi chúng tôi lớn lên từng ngày với những kỷ niệm khó quên. Những ngày mà cặp sách học trò, chúng tôi phải làm bằng vỏ bao xi măng, giấy học là những mảnh vụn đã qua viết đem luộc cùng nước vôi xoá chữ cũ để viết chữ mới. Rồi đói quay đói quắt, từ tinh mơ đến mặt trời đứng bóng nơi trường làng vẫn chưa có gì lót dạ. Thế mà Luyến thường thủ trong túi áo mình củ khoai lang luộc dúi vội cho tôi trước khi thầy giáo “gõ bảng” vào lớp. Còn tôi, hễ Luyến cạn mực lại nghiêng lọ mực mình rót vào lọ bạn mấy giọt mực tím... Những kỷ niệm ấy đã quyện chặt tình bạn giữa hai chúng tôi, cho đến mùa xuân năm 1960 thế kỉ trước, cả hai đều lên đường xa quê.

Sáng 2-2-1960, tôi nhập ngũ và được biên chế vào Đại đội 4,Tiểu đoàn 907, Phân khu Quân sự Lai Châu, Quân khu Tây Bắc. Ngay đêm ấy, Luyến cũng rời làng ngược Sơn Tây (Hà Nội) xin vào làm ở một nông trường rồi đầu năm sau nhập ngũ, trở thành chiến sĩ Đại đội 2, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn Tên lửa 724; đến khi chiến trường miền Nam gọi Luyến cùng đồng đội vào Nam chiến đấu.

Ngày lên đường vào Nam (đi B), Luyến thư nhanh cho tôi, khoe rằng: “Tớ vô cùng vinh dự, vì trước khi vào Nam chiến đấu, đơn vị đã bắn đạn thật tên lửa tại Sơn Tây, được Bác Hồ, Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Đại tướng Võ Nguyên Giáp trực tiếp chỉ đạo và động viên!”. Không kịp thư phản hồi cho Luyến, tôi thầm hứa đợi dịp cùng “chia lửa” với Luyến trong những cuộc chiến đấu tới đây. Luyến đã cùng đồng đội anh dũng chiến đấu lập công xuất sắc qua những trận đánh địch, tiêu biểu là hai trận pháo kích dữ dội vào sân bay Biên Hoà và sân vận động Hố Nai. Trận nã tên lửa vào sân bay Biên Hoà, đơn vị Luyến đã phá huỷ 18 máy bay, làm tê liệt sân bay địch 5 ngày liền. Còn trận pháo kích sân vận động Hố Nai, đơn vị đã phóng liên tục 10 quả tên lửa, loại khỏi vòng chiến đấu 270 lính Mỹ, phá hủy 3 máy bay trực thăng và 1 xe tăng địch. Sau trận đánh sân bay Biên Hoà, Luyến vinh dự được kết nạp Đảng và sau trận đánh sân vận động Hố Nai, cùng lúc Luyến được phong tặng ba danh hiệu là Dũng sĩ diệt Mỹ, Dũng sĩ diệt máy bay và Dũng sĩ diệt cơ giới, góp phần để Trung đoàn Tên lửa 724 hai lần được tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND.

Trong lúc Luyến đang gian khổ chiến đấu ở chiến trường miền Nam thì ngoài Bắc, đơn vị tôi được lệnh hành quân sang Lào (chiến trường C) giúp cách mạng nước bạn. Xác định đây là thời cơ “chia lửa” với Luyến, tôi hăm hở hướng tới chiến trường Luông Namtha. Sau 9 ngày đêm luồn rừng lội suối, chúng tôi tiếp cận trận địa. Khói lửa chiến tranh so với chiến trường miền Nam hẳn chưa khốc liệt bằng nhưng cái gian khổ trên chiến trường C quả không kém. Rừng Lào mưa triền miên, hào giao thông đất nhão nhoẹt, ăn uống thiếu thốn, cả tháng trời người không tắm, áo quần không giặt được. Có lần bí mật bò sát tiền duyên lấy nước phục vụ thương binh, một đồng đội đã hi sinh. Tôi cùng một pháo thủ khiêng nòng pháo ĐKZ-75 tiếp cận trận địa buộc phải dẫm chân lên xác địch nằm ngay dưới lòng hào chật hẹp băng qua nó.

Bỏ lại đằng sau mọi gian lao, chúng tôi tiến lên phía trước dũng cảm chiến đấu. Đúng 4 giờ sáng ngày 7-5-1962, phát huy truyền thống Điện Biên Phủ anh hùng, các mũi tiến công của ta gồm Sư đoàn 316 chúng tôi cùng Sư đoàn 330 từ Thanh Hoá vừa sang phối hợp với Bộ đội Pathet Lào đồng loạt tập kích cứ điểm Luông Namtha, giải phóng một thị xã đa phần là người Lào Lùm thoát khỏi sự kèm cặp của địch.

Chiến đấu trên hai chiến trường kết thúc cũng là lúc hai chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ của người chiến sĩ, người ra quân, người chuyển ngành. Luyến về quê Hà Nam, tôi chuyển về Quảng Ninh công tác cho đến ngày về hưu. Dịp kỷ niệm 45 năm ngày giải phóng miền Nam (30-4), tôi về quê hương Hà Nam, nơi cách đây 64 năm trước chúng tôi đã lên đường nhập ngũ, may mắn gặp được Luyến. Cả hai đã lên tuổi lão mà gặp nhau cứ “Mày mày, tao tao” như cái thuở “Tuổi thơ con sáo trên đồng”. Đêm hè trên quê hương, bỏ lại sau lưng mình ánh điện rực sáng làng quê, hai chúng tôi chọn bến sông xưa, dưới ánh trăng mờ ngồi sát bên nhau đón gió nồm nam từ triền sông Đáy mơn man hắt lên ôn lại những kỷ niệm. Bất giác, sống mũi tôi cay cay và hình như trong khoé mắt CCB Đinh Công Luyến cũng đang ngấn lệ khi chúng tôi lần lượt nhắc tên những trai làng cùng thuở nhiều người cũng lên đương như chúng tôi nhưng đã vĩnh viễn không trở về, họ đã hoá thân vào lòng đất trên khắp các chiến trường xưa.

Đinh Quang Huy