Cử tri Mỹ đi bỏ phiếu giữa kỳ sớm tại Minneapolis ngày 23-9.

Cuộc bầu cử Quốc hội Mỹ giữa nhiệm kỳ chính thức bắt đầu ngày 8-11, kết quả cuối cùng vẫn chưa được công bố, nhưng tới thời điểm này có thể khẳng định chính sách đối ngoại của Mỹ vẫn không thay đổi, có chăng chỉ là thay một vài nội dung không cơ bản.

Tới ngày 14-11, Đảng Cộng hòa đã giành ít nhất 212 ghế Hạ viện trong tổng số 218 ghế cần thiết để giành được Hạ viện từ phe Dân chủ và chấm dứt tham vọng lập pháp của Tổng thống Joe Biden. Trong cuộc đua ở Thượng viện, đảng Dân chủ đã giành được ít nhất 50 ghế, đủ để nắm quyền kiểm soát cơ quan quan trọng này. Như vậy, so với trước khi bầu cử lại toàn bộ 435 ghế ở Hạ viện và 35/100 ghế ở Thượng viện, đảng Dân chủ vẫn giữ được quyền kiểm soát ở Thượng viện trong khi có nguy cơ mất Hạ viện về tay đảng Cộng hòa. Vậy nên, chính sách đối ngoại của Mỹ sẽ gần như không đổi,

Không như bầu cử Tổng thống và Phó tổng thống, trong bầu cử giữa nhiệm kỳ tại Mỹ, các vấn đề đối ngoại thường không tác động nhiều tới cử tri. Đa phần mối quan tâm của họ là các vấn đề trong nước. Về mặt chính sách, kết quả bầu cử lưỡng viện - với 1 trong 2 viện “đổi chủ” - không nhất thiết sẽ thay đổi đáng kể chính sách đối ngoại của Mỹ. Điều này có nghĩa Mỹ vẫn tiếp tục các hỗ trợ kinh tế và quân sự cho Ukraine, dù Quốc hội có thể có một số nỗ lực để hạn chế quy mô chương trình này hoặc nhấn mạnh tới các điều kiện về tổ chức đàm phán trong tương lai. Các biện pháp trừng phạt đối với Nga  do đó vẫn được duy trì.

Trong khi đó, lập trường cứng rắn đối với Trung Quốc phản ánh sự đồng thuận chính trị mạnh mẽ của lưỡng đảng tại Mỹ. Có thể nói, một trong số ít những chiến thắng trong hoạt động lập pháp lưỡng đảng của Tổng thống Joe Biden là Đạo luật CHIPS, được Tổng thống Joe Biden ký thành luật ngày 10-8, dành 52,7 tỷ USD trợ cấp cho sản xuất và phát triển chất bán dẫn. Với một Quốc hội bị chia rẽ, một trong số ít lĩnh vực có thể đạt được đồng thuận chắc chắn sẽ là những điều luật tương tự nhằm vào Trung Quốc. Ví dụ Mỹ có thể đề xuất quy trình sàng lọc đầu tư ra nước ngoài, đặt ra các quy tắc cơ bản mới cho đầu tư của Trung Quốc vào Mỹ, hoặc cả hai. Chính sách ủng hộ Đài Loan cũng sẽ tiếp tục. Đạo luật Chính sách Đài Loan, nâng cấp quan hệ song phương theo những cách chắc chắn là phần nào nhằm khiêu khích Trung Quốc và cung cấp cho Đài Loan những hỗ trợ quân sự lớn hơn, có thể được Quốc hội mới thúc đẩy hoặc điều chỉnh. Nếu Kevin McCarthy của đảng Cộng hòa trở thành Chủ tịch Hạ viện, nhiều khả năng ông cũng sẽ tới Đài Loan, động thái không khỏi kích động Trung Quốc.

Về vấn đề hạt nhân Iran, 2 đảng có những bất đồng về cách giải quyết vấn đề hạt nhân. Tuy nhiên, các cuộc biểu tình ngày càng gia tăng ở Iran, cùng với bằng chứng về sự hỗ trợ quân sự của Iran đối với Nga trong chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine gần như đã đóng mọi cơ hội để Mỹ trở lại Kế hoạch hành động chung toàn diện ký năm 2015.

Với Triều Tiên, cho dù Triều Tiên có liên tục thử tên lửa nhiều như trong những tháng gần đây, Mỹ vẫn chỉ có thể tiếp tục các lệnh trừng phạt để gây sức ép với Triều Tiên như vẫn thường làm.

Nga, Trung Quốc, Iran và Triều Tiên là 4 quốc gia được Mỹ coi là mối đe dọa trong chính sách an ninh của mình và cùng với phân tích như trên thì chính sách của Mỹ sẽ không thay đổi sau cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ. Nhìn chung, tính liên tục chủ yếu sẽ chiếm ưu thế trong nhánh lập pháp Mỹ sau bầu cử, một phần là do hệ thống chính trị Mỹ mang lại cho tổng thống ảnh hưởng và quyền hạn rộng hơn trong việc thực hiện chính sách đối ngoại.

Kết quả quan trọng nhất của cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ là những gì cuộc đua phản ánh vị thế sụt giảm của cựu Tổng thống Donald Trump, trong khi Thống đốc bang Florida - Ron DeSantis, người dễ dàng tái đắc cử, nổi lên như một ứng cử viên nặng ký để lãnh đạo Đảng Cộng hòa. Trong khi đó, việc Đảng Dân chủ vượt quá kỳ vọng trong mùa bầu cử giữa nhiệm, người ta nhanh chóng đặt dấu hỏi rằng liệu ôngBiden có nên tìm kiếm nhiệm kỳ thứ hai vào năm 2024 hay không.

Xét cho cùng, nước Mỹ đã ngăn chặn được một cơn địa chấn chính trị. Chính sách đối ngoại của Mỹ hầu như sẽ vẫn đi theo lộ trình quen thuộc trong 2 năm tới, cho đến cuộc bầu cử tổng thống năm 2024.

Thanh Huyền