Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân đến thăm và tặng quà Trung tâm Chăm sóc, nuôi dưỡng, điều trị nạn nhân nhiễm chất độc da cam/dioxin T.P Hà Nội tại xã Yên Bài, huyện Ba Vì.

Hội nghị Bộ trưởng G7 mở rộng về bao trùm và khuyết tật là sáng kiến của Italia về thúc đẩy vấn đề người khuyết tật (NKT) vào Chương trình nghị sự của G7. Ngoài các Bộ trưởng G7, nước chủ nhà Italia còn mời các Bộ trưởng đến từ 4 quốc gia khác, trong đó có Việt Nam. Bà Alessandra Locatelli - Bộ trưởng phụ trách về NKT Italia đánh giá cao Việt Nam là nước có nhiều thành tích nổi bật trong việc thúc đẩy, bảo vệ quyền và lợi ích của NKT, có nhiều điểm tương đồng với Italia trong lĩnh vực này. Tham gia tích cực và hiệu quả vào Công ước Liên Hợp quốc về quyền của NKT, Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách trợ giúp NKT đem lại hiệu quả thiết thực, giúp NKT tự tin vươn lên trong cuộc sống, hòa nhập cộng đồng.

Là một trong những nước có tỷ lệ NKT khá cao so với tổng dân số trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương; lại phần lớn sống ở vùng nông thôn; nhiều NKT sống ở vùng sâu, vùng xa, nên cuộc sống còn gặp nhiều khó khăn... Việt Nam hiện có khoảng 7 triệu NKT, chiếm 7% dân số từ 2 tuổi trở lên, trong đó 87,27% NKT sống ở nông thôn. Trình độ học vấn của NKT thấp, hơn 41% số NKT từ 6 tuổi trở lên không biết chữ và số có trình độ từ tốt nghiệp trung học cơ sở trở lên chỉ chiếm 19,5%. Về trình độ chuyên môn, hơn 93% NKT từ 16 tuổi trở lên không có chuyên môn; số có bằng cấp từ chứng chỉ nghề trở lên chỉ chiếm 6,5%. Số NKT còn trong độ tuổi lao động là 61%, trong đó 40% còn khả năng lao động. Tuy nhiên, chỉ có 31,7% NKT từ 15 tuổi trở lên có việc làm so với 83,8% người không khuyết tật.  

Hằng năm, Nhà nước chi khoảng 15.000 tỷ đồng để hỗ trợ, giải quyết trợ cấp xã hội hằng tháng cho khoảng 1,1 triệu NKT; hỗ trợ 20.000 NKT tiếp cận để học nghề và việc làm; hỗ trợ 1,2 triệu học sinh khuyết tật đến trường; tỷ lệ NKT được tiếp cận bảo hiểm y tế lên tới 95%. Các bệnh viện đa khoa T.Ư tỉnh và huyện đều có khoa phục hồi chức năng, 20 tỉnh, thành phố thành lập được trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập và 107 cơ sở giáo dục chuyên biệt cho trẻ em khuyết tật không đến được trường lớp bình thường, đã thống nhất được ngôn ngữ ký hiệu và chữ nổi Brail trong toàn quốc.

Theo thống kê của Cục Bảo trợ Xã hội (Bộ LĐTBXH), mỗi năm có khoảng 19.000 NKT được dạy nghề, tạo việc làm; giới thiệu việc làm cho khoảng hơn 20.000 lượt NKT với tỷ lệ thành công đạt hơn 50%, khoảng gần 40.000 NKT được vay vốn Quỹ quốc gia về việc làm với lãi suất ưu đãi.

Sự quan tâm, chăm lo sâu sắc của Đảng, Nhà nước ta đã từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống, bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội cho NKT. Nhiều chủ trương, chính sách chăm lo, bảo đảm quyền và phát huy vai trò của NKT được triển khai kịp thời, có hiệu quả, góp phần thúc đẩy tiến bộ xã hội và phát triển bền vững.

Hiện nay, các địa phương đều đẩy mạnh các hoạt động trợ giúp, tạo cơ hội để NKT khắc phục khó khăn, phấn đấu vươn lên học văn hóa, học nghề và việc làm để giúp họ tự lực trong cuộc sống. Các hoạt động xã hội hóa trợ giúp NKT được các cơ quan, tổ chức và các tầng lớp nhân dân tích cực hưởng ứng, tạo sự lan tỏa sâu rộng. MTTQ Việt Nam các cấp và các tổ chức chính trị - xã hội có nhiều hình thức hỗ trợ, tạo điều kiện để các tổ chức NKT đẩy mạnh hoạt động chăm sóc, trợ giúp NKT.

Cùng chung tay phát huy hiệu quả chính sách hỗ trợ NKT, Hội CCB Việt Nam thông qua hoạt động của Làng Hữu Nghị Việt Nam - đơn vị trực thuộc Cơ quan T.Ư Hội, nhiều năm qua đã chăm sóc sức khỏe, điều dưỡng, phục hồi chức năng cho các nạn nhân da cam. 5 năm qua, Làng đã điều dưỡng 1.738 lượt CCB và cựu TNXP. Làng thường xuyên nuôi dưỡng, chăm sóc y tế, phục hồi chức năng, dạy văn hóa, kỹ năng sống và dạy nghề cho gần 120 em bị khuyết tật do di chứng chất độc da cam. Ngoài ra, các cấp Hội luôn quan tâm tạo điều kiện, hỗ trợ hội viên là thương binh, bệnh binh làm kinh tế, vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống và giúp đỡ hội viên là NKT có hoàn cảnh khó khăn.

Tuy nhiên, đời sống của một bộ phận NKT hiện còn gặp nhiều khó khăn, nhất là NKT đặc biệt nặng; vẫn còn NKT chưa được tiếp cận hoặc tiếp cận chưa đầy đủ các chính sách trợ giúp của Nhà nước về y tế, giáo dục, dạy nghề, việc làm, tín dụng…; mức trợ cấp xã hội còn thấp; số NKT được nuôi dưỡng tại các cơ sở bảo trợ xã hội còn ít, cơ sở vật chất và điều kiện sinh hoạt còn thiếu thốn. Để công tác bảo đảm an sinh xã hội theo Hiến pháp, trong đó có công tác bảo đảm an sinh cho NKT đã được triển khai toàn diện, đồng bộ, chủ động, từng bước giảm dần rào cản xã hội đối với NKT, các cơ quan, bộ, ngành T.Ư và địa phương có liên quan tiếp tục rà soát, hoàn thiện pháp luật về NKT; nhất là cơ chế, chính sách cho lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, giáo dục, giáo dục nghề nghiệp, tạo việc làm, văn hóa, thể dục, thể thao, giải trí và du lịch, tiếp cận công trình công cộng, giao thông, trợ giúp pháp lý, công nghệ thông tin và truyền thông. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh xã hội hóa công tác trợ giúp NKT, huy động các tổ chức, cá nhân và cộng đồng tham gia trợ giúp NKT.

Mai Phương