1. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình bày Báo cáo tóm tắt tình hình thực hiện Nghị quyết 19/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh sau hơn 9 tháng được ban hành.
    Theo Báo cáo, nhiều Bộ, cơ quan, địa phương đã tích cực triển khai Nghị quyết, bước đầu đạt được một số kết quả. Thủ tục khởi sự kinh doanh giảm còn 5 thủ tục với thời gian khoảng 16 ngày (thay vì 10 thủ tục và 34 ngày như trước đây), trong đó, thời gian đăng ký kinh doanh là 5 ngày (ít hơn 1 ngày so với yêu cầu trong Nghị quyết). Tổng số giờ thực hiện thủ tục hành chính về thuế dự kiến giảm được 370 giờ, còn 167 giờ (yêu cầu của Nghị quyết là 121,5 giờ). Về thời gian tiếp cận điện, theo kiến nghị của Tập đoàn Điện lực Việt Nam với các cơ quan quản lý Nhà nước, rút ngắn tổng thời gian thực hiện các thủ tục đối với công trình lưới điện trung áp là 37 ngày (thấp hơn so với yêu cầu của Nghị quyết). Về thời gian nộp bảo hiểm xã hội, dự kiến Bảo hiểm Xã hội sẽ rút gọn từ 263 thủ tục xuống còn 111 thủ tục, giảm 50% số giờ giao dịch của các doanh nghiệp so với hiện nay. Với những kết quả này, dự kiến xếp hạng tổng thể về môi trường kinh doanh của Việt Nam tăng lên thứ hạng 56. Các thành viên Chính phủ trong thảo luận đều đánh giá việc triển khai quyết liệt Nghị quyết 19 đã tạo những bước chuyển thực sự, đột phá trong cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Tuy nhiên, kết quả vừa qua mới chỉ là bước đầu. Trên thực tế, vẫn còn nhiều bộ, cơ quan, địa phương chưa tích cực triển khai hoặc chưa bám sát các chỉ tiêu, cách thức cải thiện môi trường kinh doanh theo thông lệ quốc tế.
    Phát biểu kết luận, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương cần kiên định, nhất quán thực hiện Nghị quyết 19 của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên và phải tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ trong năm 2015.
    Thủ tướng cho biết, sau phiên họp này, Chính phủ sẽ ban hành một Nghị quyết mới trên cơ sở nội dung của Nghị quyết 19 để tăng cường hơn nữa việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Nghị quyết sẽ chỉ rõ những nhiệm vụ, công việc cụ thể của Chính phủ, từng Bộ, từng ngành trong việc tiếp tục rà soát, sửa đổi các cơ chế, chính sách không phù hợp, gây khó khăn cho doanh nghiệp; đơn giản hóa quy trình, cắt giảm thủ tục hành chính; ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính; đồng thời hết sức chú ý đến việc thực thi của đội ngũ cán bộ, công chức. Tại các phiên họp thường kỳ tới đây, Chính phủ sẽ kiểm điểm và đánh giá tiến độ và kết quả thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; đồng thời, ngay trong đầu năm 2015 chỉ số cải cách hành chính của các Bộ và địa phương của năm 2014 sẽ được công bố công khai. “Các bộ, ngành, địa phương phải coi cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh là nhiệm vụ trong tâm của năm 2015.” - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu.

  2. Tại Phiên họp Thường kỳ, Chính phủ đã nghe Bộ trưởng Bộ Tư pháp trình Báo cáo tóm tắt tình hình thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp luật của Chính phủ năm 2014; tình hình xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh năm 2014; việc lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Bộ Luật Dân sự.
    Theo Báo cáo của Bộ Tư pháp, chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2014 đã đạt được mục tiêu, định hướng đề ra. Số lượng các dự án luật, pháp lệnh năm 2014 do Chính phủ trình được Quốc hội thông qua và cho ý kiến là rất lớn (35 dự án) và đây là các dự án luật nhằm triển khai thi hành Hiến pháp. Tính đến ngày 27/12/2014, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, cơ quan ngang Bộ đã ban hành 106/206 văn bản, đạt 51,46%; giải quyết được 56/71 văn bản nợ của năm 2013 và 50/135 văn bản phát sinh trong năm 2014. Số chưa ban hành là 100/206 văn bản, chiếm 48,54%, trong đó có 18 văn bản ở trong tình trạng “nợ đọng”.
    Thảo luận về nội dung này, các thành viên Chính phủ nhất trí công tác xây dựng pháp luật đã có nhiều chuyển biến tích cực; chất lượng văn bản ngày càng được nâng lên, bảo đảm các yêu cầu về tính hợp hiến, hợp pháp và khả thi của văn bản. Số lượng văn bản nợ đọng đã giảm xuống thấp nhất từ trước tới nay. Tuy nhiên, dự kiến tới đây, số văn bản phải ban hành là rất lớn do 18 đạo luật vừa được Quốc hội thông qua chuẩn bị có hiệu lực thi hành. Tại phiên họp, Chính phủ đã nhất trí kiến nghị ban hành Nghị quyết về kế hoạch lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Bộ luật dân sự. Đối với Dự án Luật Tiếp cận thông tin, qua thảo luận, Chính phủ nhất trí lùi thời điểm trình dự án Luật này từ tháng 3 sang tháng 6/2015 vì đây là dự án luật phức tạp cần được quy định chặt chẽ, phù hợp và có tính khả thi. Đối với Dự án Luật Biểu tình, một số ý kiến tại phiên họp đề xuất rút Dự Luật ra khỏi chương trình xây dựng luật và pháp lệnh khóa 13 và chương trình năm 2015.
    Phát biểu tại Phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhận định, năm 2014, công tác xây dựng luật, pháp lệnh, các văn bản quy định chi tiết thi hành luật có nhiều cố gắng, tiến bộ cả về số lượng, chất lượng. Tuy nhiên, công tác này vẫn còn hạn chế như vẫn còn tình trạng nợ đọng văn bản, nội dung trong một số văn bản có tính khả thi không cao, chưa sát thực tế. Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ: Trong công tác xây dựng luật, pháp lệnh, những văn bản đã có trong chương trình, phải tập trung hoàn thiện để trình Quốc hội theo đúng yêu cầu; phải nghiên cứu, đánh giá kỹ về các tác động xã hội của các dự thảo luật, pháp lệnh và khi đã được đưa vào chương trình, phải hạn chế thấp nhất việc xin rút, xin lùi.
    Đối với Dự án Luật Biểu tình, sau khi nghe ý kiến của các thành viên Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ, Hiến pháp quy định người dân có quyền biểu tình, đồng thời cũng quy định việc hạn chế quyền của người dân phải do luật định, nhưng hiện mới chỉ có Nghị định của Chính phủ quy định. Trên tinh thần đó, Thủ tướng đề nghị Bộ Công an là cơ quan chủ trì soạn thảo Dự án Luật này cần tập trung hoàn thiện để trình Quốc hội theo đúng chương trình; nghiên cứu kỹ và chỉ nên xin lùi thời điểm trình Dự án Luật.

  3. Tại phiên họp Thường kỳ tháng 12, Chính phủ đã nghe Bộ trưởng Bộ Tài chính trình bày Báo cáo Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần.
    Các ý kiến phát biểu tại Phiên họp nhất trí với chủ trương mở rộng phạm vi chuyển đổi các đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần, không chỉ các đơn vị thuộc tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước mà cả các đơn vị trực thuộc các Bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
    Một số ý kiến cho rằng quy định giá trị lợi thế của đơn vị sự nghiệp công lập (gồm giá trị thương hiệu và tiềm năng phát triển) không phải tính vào giá trị đơn vị sự nghiệp công lập khi thực hiện chuyển đổi có thể khuyến khích các đơn vị sự nghiệp chuyển sang công ty cổ phần, tuy nhiên, việc xác định giá trị thương hiệu và tiềm năng phát triển không đơn giản, khó có thể lượng hoá được. Do đó, cần quy định linh hoạt, phù hợp, tạo điều kiện cho các đơn vị có thể tính được giá trị lợi thế này.
    Chính phủ đã nhất trí ban hành Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về chuyển các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc thành công ty cổ phần.

  4. Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã trình bày Dự thảo Nghị định điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng đối với cán bộ xã đã nghỉ việc.
    Các ý kiến thành viên Chính phủ nhất trí thông qua Dự thảo Nghị định.
    Theo đó, mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hàng tháng được điều chỉnh tăng 8%. Thời điểm thực hiện từ ngày 1/1/2015.

  5. Tại phiên họp, Chính phủ đã nghe và thảo luận về Báo cáo đề xuất sử dụng các chỉ tiêu giảm nghèo, việc làm và lao động qua đào tạo trong kế hoạch phát triển kinh tế -xã hội 5 năm và hàng năm giai đoạn 2016-2020.
    Theo đó, Chính phủ nhất trí việc sử dụng các chỉ tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo, tỷ lệ thất nghiệp và tỷ lệ lao động qua đào tạo như quy định hiện hành, khi xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm giai đoạn 2016-2020.
    Cũng tại Phiên họp này, Chính phủ đã nghe và cho ý kiến vào Báo cáo về hoạt động của các tổ chức giám định pháp y tâm thần; Dự án Luật Tạm giữ, tạm giam; Dự án Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hàng hải Việt Nam./.
    Hoàng Linh