Chiến dịch Thượng Đức (từ tháng 7 đến 11-1974) có vị trí, ý nghĩa đặc biệt quan trọng ở giai đoạn cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ. Ta tiến công giải phóng chi khu quân sự Thượng Đức (tiền đồn phía tây Đà Nẵng của Mỹ - ngụy), dù gặp vô vàn khó khăn, nhưng cũng chỉ chừng 10 ngày là thắng lợi, nhưng để giữ vững Thượng Đức, chúng tôi phải chiến đấu với quân dù gần 4 tháng.

Vào giai đoạn ba của chiến dịch, Trung đoàn 3, Sư đoàn 324 (tôi là Trung đoàn phó) gồm ba tiểu đoàn 7, 8, 9, tổ chức trận địa phòng ngự kéo dài từ điểm cao 1062 qua bình độ 700, 500, 126, 109 đến Bàn Tân. Trận địa phòng ngự được xây dựng vững chắc, tạo thế liên hoàn chi viện cho nhau; có hệ thống công sự kiên cố, kết hợp bố trí các trận địa mìn...

Ngày 20-8-1974, trên hướng phòng ngự của Trung đoàn tôi, Lữ đoàn dù 1 bắt đầu phản kích. Chúng sử dụng sức mạnh đột phá, cho một tiểu đoàn xe tăng, xe bọc thép theo đường 12 tiến công vào chốt Đại đội 10 ở Bàn Tân, chốt Đại đội 5 ở điểm cao 109 và một số xe tiến theo đường 14. Ngay từ đầu, địch đã bị Tiểu đoàn 8 đánh thiệt hại nặng, thương vong gần 100 tên, phải lùi về sau củng cố.

Hướng đường 14 bị thất bại, địch quay sang tiến công chiếm các điểm cao. Hơn một tháng, từ ngày 24-8 Trung đoàn tôi quần nhau với địch trên suốt hệ thống phòng ngự, giành giật với chúng từng khe suối, mô đất, điểm cao. Riêng bình độ 700, các điểm cao 126, 1062... ta và địch giành đi giật lại nhiều lần.

Do chiến đấu phòng ngự dài ngày trong điều kiện cực kỳ ác liệt, gian khổ, trên bom dưới đạn, mưa lớn khéo dài, hầm hào sụt lở...; sức khỏe bộ đội giảm, thương vong tăng, quân số thiếu hụt, nên một số đơn vị không đủ sức giữ trận địa, buộc Trung đoàn cho rút về sau củng cố lực lượng. Địch chiếm được các điểm cao 109, 700, 383... trong hệ thống phòng ngự phía trước.

Tạo điều kiện để Tiểu đoàn 7 chốt giữ cao điểm 1062 rút về sau củng cố lực lượng, ngày 26-9, Bộ Tư lệnh chiến dịch đưa Tiểu đoàn 8 Trung đoàn 66 Sư đoàn 304 lên thay chốt.

Cuối tháng 9 đầu tháng 10, Đại Lộc suốt ngày mưa. Nước từ các triền núi đổ xuống sông Côn, sông Vu Gia. Sông sôi trào cuồn cuộn. Hầm hào, công sự sụt lở trầm trọng. Tiểu đoàn 8 chiến đấu đầy quả cảm để giữ vững 1062, nhưng thêm một ngày lại có thêm nhiều cán bộ, chiến sĩ thương vong. Lực lượng chi viện lên vô cùng khó khăn. Tiểu đoàn 8 được lệnh tạm lui.

Ngày 3-10-1974, quân dù tạm thời tái chiếm 1062. Sau hai tháng hành quân giải tỏa, nay tái chiếm 1062, tướng tá sư đoàn dù huênh hoang tuyên bố: “Cửa ngõ Thượng Đức đã mở, vào Thượng Đức chỉ là thời gian...”.

Vì chủ quan hay khách quan, nhưng để quân dù tái chiếm 1062 là điều nhức nhối đới với cán binh chúng tôi, đặc biệt là Bộ Tư lệnh Quân đoàn 2. Tư lệnh Quân đoàn Hoàng Văn Thái, Chính ủy Lê Linh, Phó chính ủy Nguyễn Công Trang lần lượt từ Ba Lòng, Quảng Trị vào Thượng Đức. Còn Phó tư lệnh Hoàng Đan đang “nằm vùng” trực tiếp chỉ huy ở đây đã đến từng đơn vị, từng trận địa để nắm tình hình. Tại sao không giữ được 700, 1062, 383...? là câu hỏi day dứt trong đầu vị Đại tá dạn dày trận mạc (sau này, ông được phong Thiếu tướng). Lập tức, ông chỉ thị cho Sư đoàn 304 và Trung đoàn 3 chúng tôi nhanh chóng rút kinh nghiệm. Và ông chỉ thị: Phải làm lại. “Làm lại” ở đây theo ý ông là xây dựng lại hệ thống hầm hào, công sự chiến đấu.

Với quyết tâm: “Không để thành tiền lệ quân dù đến đâu là giải tỏa đến đó”, và thực thi lệnh của vị “Tư lệnh chiến trường”, anh em chúng tôi chụm đầu lại bàn thảo cách làm hầm hai tầng theo chỉ đạo của Phó tư lệnh Hoàng Đan. Liền đó, chúng tôi tổ chức tập huấn gấp cho cán bộ cách xây dựng trận địa phòng ngự, phá chiến thuật “lấn dũi” của quân dù. Mẫu hình trận địa phòng ngự - mẫu hình “công sự của ông Đan” được chúng tôi làm, rồi giới thiệu cho anh em “thực mục sở thị”.

Với tinh thần: “Tất cả để đánh thắng quân dù, giữ vững Thượng Đức”, cán bộ, chiến sĩ toàn mặt trận và bà con địa phương dồn sức xây dựng trận địa phòng ngự. Đêm đêm, các đơn vị cho quân chặt gỗ chuyển lên xây dựng công sự cho đến sáng mới trở về phía sau. Các lực lượng phía sau đào giao thông hào dọc đường lên chốt để hạn chế thương vong khi bộ đội cơ động chiến đấu hoặc vận chuyển chi viện cho tuyến trước.

Tôi không thể nào quên những ngày làm nhiệm vụ chiến đấu giữ vững Thượng Đức. Vào những thời điểm việc tiếp tế, bảo đản hậu cần gặp khó khăn nhất, thì chính người dân là điểm tựa. Cánh đồng Hà Tân mặc dù không màu mỡ cũng đã nuôi sống bộ đội. Lúa đang vào vụ thu hoạch, bà con dành một phần cho bộ đội. Nắm rau, quả bí trên đồng cũng giúp bộ đội qua cơn đói lòng, để chắc tay súng.

Sau khi tập huấn củng cố quyết tâm, nghiên cứu cách đánh mới, Trung đoàn 3 được lệnh cùng Trung đoàn 24 Sư đoàn 304 tiến công địch ở bình độ 700 và sở chỉ huy tiểu đoàn địch ở điểm cao 109, tiêu diệt lực lượng và phá hậu cần, phá thế tiến công của địch.

Ngày 17-10, Trung đoàn 3 và Trung đoàn 24 tiếp tục tiến công địch ở bình độ 700 đến điểm cao 109, qua điểm cao 126, trên chiều dài 4km. Để đảm bảo trận đánh hiệu quả, chúng tôi cho bộ đội kéo pháo 37mm vào làng Hà Nha, hạ nòng bắn thẳng, trực tiếp chi viện hỏa lực cho Tiểu đoàn 7 tiến công địch ở điểm cao 109…

(Còn nữa)

Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh kể

Duy Tường ghi