Trong “lịch sử” bóng đá Việt Nam, chuyện các cầu thủ bán độ không quá lạ lẫm. Mọi người còn nhớ, HLV đội tuyển Việt Nam, ông Weigang từng nổi cơn thịnh nộ, lớn tiếng đe dọa đuổi nhóm cầu thủ thi đấu sa sút rất khó hiểu tại giải Tiger Cup 1996.
Chuyện bán độ trong thế giới bóng đá cũng không phải là hiếm. Thậm chí, ở cả những “siêu giải” như World cup cũng xảy ra những nghi án dàn xếp tỷ số. Nhưng có lẽ, tỷ lệ số trận bán độ tại các giải ở Việt Nam cao hơn tỷ lệ trung bình.
Một vị chuyên gia bóng đá từng phát biểu rằng, chuyện này xuất phát từ hiểu biết thấp của các cầu thủ.
Kể ra, lý giải của ông cũng có phần đúng, phần đông cầu thủ bóng đá nói riêng và vận động viên thành tích cao nói chung của nước ta, còn thiếu nhiều tri thức và phương pháp ứng xử xã hội.
Tuy nhiên, nếu nhìn sâu vào bản chất của vấn đề thì không hẳn vậy. Với những trận đấu quốc tế, bán độ là tội sỉ nhục quốc thể. Trong khi, những người ít chữ nhất, hoặc không biết chữ, đều ý thức được niềm tự hào dân tộc. Mặt khác, sự ít tri thức ở đây không đồng nghĩa với việc vi phạm pháp luật.
Thế là cuộc đời của những cầu thủ bán độ của CLB Xi măng Vissai Ninh Bình đã chấm dứt. Nỗi đau, nếu như không muốn nói là nỗi nhục xúc phạm đến quốc thể, xúc phạm đến bố mẹ sinh ra các cầu thủ ấy là bài học cho rất nhiều cầu thủ khác.
Huy Quân