Triển lãm lần này không chỉ giới thiệu đến công chúng các hình thức ngự phê của Vua triều Nguyễn mà chính các Châu bản ẩn chứa nhiều thông tin khẳng định chủ quyền biển đảo Việt Nam.
***Tư liệu lịch sử quý hiếm
***Theo ông Hà Văn Huề, Giám đốc Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Châu bản triều Nguyễn là các tập tấu, phụng thượng dụ, chiếu, chỉ dụ, tư, trình, sớ, bẩm... được đích thân các vua nhà Nguyễn ngự lãm hoặc ngự phê bằng mực màu son. Thông qua nhà vua ngự phê truyền đạt ý chỉ hoặc giải quyết các vấn đề chính trị, quân sự, ngoại giao, kinh tế, văn hóa, xã hội...
Việc ngự phê của các vua triều Nguyễn là một trong những đặc điểm độc đáo của Châu bản. Trải qua 143 năm triều Nguyễn, số lượng Châu bản sót lại còn khoảng 1/5, nhưng ngày càng khẳng định tính độc nhất và những giá trị lịch sử quý hiếm. Ngoại trừ 3 vua: Dục Đức, Hiệp Hòa và Hàm Nghi vốn có thời gian trị vì ngắn trong lịch sử, 10 vị vua triều Nguyễn còn lại đều có Châu bản được trưng bày.
Theo trung tâm, qua nhiều thời kỳ khác nhau, khối tài liệu quý này đã bị hư hại và mất mát rất nhiều. Phải đến cuối năm 1991, khối Châu bản được chuyển ra Hà Nội do Trung tâm Lưu trữ quốc gia I thuộc Cục Văn thư và lưu trữ Nhà nước bảo quản. Khi đó, nguồn sử liệu quan trọng này đã được tu bổ và sử dụng những phương pháp bảo quản tối ưu, nhằm tăng tuổi thọ. Châu bản triều Nguyễn phản ánh tất cả mọi mặt của đời sống xã hội thời kỳ phong kiến chứ không riêng về mảng nào. Người làm về văn hóa, lịch sử có thể nghiên cứu nhiều chủ đề khác nhau, trong đó có chủ đề liên quan tới chủ quyền biển đảo của Việt Nam.
Khẳng định chủ quyền biên giới, biển đảo
Ông Hà Văn Huề cho biết, tài liệu liên quan tới chủ quyền biển đảo thể hiện ở nhiều góc độ. Có những văn bản trực tiếp nhưng cũng có văn bản gián tiếp như nhà vua cử các đội ra Hoàng Sa để thăm dò, hoặc bút phê việc khen thưởng những người có công với Hoàng Sa, Trường Sa… Các vấn đề liên quan tới chủ quyền biển đảo thuộc dạng đặc biệt, hạn chế sử dụng, do đó, muốn khai thác, sử dụng cần có quy trình riêng nên không trưng bày tại đây. Theo thống kê, có hơn 10 Châu bản liên quan tới vấn đề này. Toàn bộ đều là bản gốc.
Trong đó, GS Sử học Đinh Xuân Lâm quan tâm đến 2 châu bản. Châu bản thứ nhất ngày 15-12 năm Bảo Đại thứ 13 (1939) truy tặng Huy chương Long tinh của Nam triều cho ông Liuis Pontan, Chánh cai đội thượng hạng nhất của đội lính khố xanh, trú đóng tại đảo Hoàng Sa qua đời do bệnh nặng trong quá trình thực thi nhiệm vụ tại Hoàng Sa. Châu bản thứ hai có chữ ký và ngự phê của Vua Bảo Đại, ghi lại sự kiện: Ngày 10-2-1939, Tòa khâm sứ Trung Kỳ có đề nghị Nam triều nên thưởng Huy chương Long tinh hạng 5 cho đơn vị lính khố xanh ở Trung Kỳ, vì họ đã có công trong việc dẹp loạn ở miền núi và có công trong việc lập đồn phòng thủ ở Hoàng Sa. Đến ngày 15-2-1939, Vua Bảo Đại đã phê “Chuẩn y” (đồng ý cho thi hành). Giáo sư sử học Đinh Xuân Lâm khẳng định điều này chứng tỏ Hoàng Sa và Trường Sa là một bộ phận không tách rời của Việt Nam. Triều đình coi đấy là đất của mình và có trách nhiệm với đất của mình.
Giáo sư Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Sử học Việt Nam, cho biết, mặc dù triển lãm không trưng bày Châu bản triều Nguyễn về chủ quyền biển đảo Việt Nam nhưng ông đã được tiếp xúc một số tờ. Có khoảng 13 tờ đã được công bố nhưng chắc chắn còn nhiều hơn thế nữa. Các bản này đều là bản gốc có ghi ngày giờ, niên địa cụ thể, có dấu ấn vương triều Nguyễn và tập trung nhiều nhất vào thời Vua Minh Mạng. Đây là những tư liệu đặc biệt quan trọng khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi được của đất nước ta với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.
Theo GS Phan Huy Lê, các tờ Châu bản chứa nội dung khẳng định nhà Nguyễn đã quản lý 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, có hệ thống quản lý hành chính nhà nước ở đây, đồng thời nhiều tài liệu về việc phái các đội đi Hoàng Sa, Trường Sa khảo sát và lập các bản đồ, lập các tài liệu.../.
A Hoàng