Cùng đồng chí Cao Hoàng Dân - Chủ tịch Hội CCB huyện Mỹ Đức, T.P Hà Nội, chúng tôi đến tham quan mô hình trang trại của CCB Nguyễn Văn Tinh ở thôn Đồng Mít, xã Đồng Tâm. Điều cuốn hút tôi là ở làng quê đang đổi thay trong sắc màu nông thôn mới ấy xuất hiện một mô hình khá sinh động về chăn nuôi, trồng trọt của một CCB từng có những năm tháng chiến đấu tại chiến trường miền Nam. Ông Tinh dẫn tôi đi thăm chuồng trại chăn nuôi lợn. Một hệ thống chuồng trại được xây dựng cơ bản, sạch sẽ, khoa học. Bên trong là những đàn lợn nái, lợn thịt mơn mởn...

Năm 2013, được sự đồng ý của chính quyền địa phương, gia đình CCB Nguyễn Văn Tỉnh chuyển đổi 4.000m2 đất nông nghiệp để xây dựng chuồng trại chăn nuôi lợn. Từ vài chục con lợn nái ban đầu, sinh sản được bao nhiêu, ông để lại nuôi lợn thương phẩm. Với phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, từng bước tích lũy thêm nguồn vốn.

Để mở rộng sản xuất, là cả quá trình đầu tư đầy công phu, vất vả. Ông Tỉnh kể: “Tôi dành thời gian đi học tập kinh nghiệm chăn nuôi ở những trang trại lớn. Từ vốn của nhà và vay mượn thêm, năm 2016, tôi xây dựng chuồng trại khép kín nuôi lợn nái kết hợp với nuôi lợn thịt một cách bài bản. Năm 2017, dịch cúm gia cầm xuất hiện, mặc dù đã làm tốt công tác phòng, chống dịch nhưng cũng có hàng trăm con lợn bị tiêu hủy, thiệt hại rất lớn. Đã có lúc tôi nản chí, nhưng được sự động viên của đồng chí, đồng đội, anh em trong họ tộc, gia đình tôi lại quyết tâm tái đàn… Năm 2020, tôi xuất bán được hơn 120 tấn thịt lợn thương phẩm, cùng với bán lợn giống, thu lãi gần 3 tỷ đồng”.

Tâm đắc về mô hình này, đồng chí Cao Hoàng Dân cho biết: Hội CCB huyện Mỹ Đức phần lớn là tuổi cao, sức yếu, điều kiện kinh tế còn khó khăn, tỷ lệ hội viên có lương hưu, phụ cấp chỉ có 35%, còn lại chủ yếu anh em phải bươn chải bằng sức lực của mình, một số sống phụ thuộc vào con cháu. Tuy nhiên, cán bộ, hội viên trong huyện không cam chịu đói nghèo, luôn đoàn kết, giúp đỡ nhau vươn lên ổn định cuộc sống. Hội xác định phong trào giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi là nhiệm vụ quan trọng thường xuyên của mỗi CCB.

Trang trại của CCB Nguyễn Văn Tinh là một trong những mô hình hiệu quả của CCB huyện Mỹ Đức. Còn nhiều tấm gương làm kinh tế giỏi khác, như: Mô hình sản xuất gạch tuy-len của CCB Nguyễn Bá Khẩn (xã An Tiến); mô hình sản xuất men vi sinh của CCB Nguyễn Xuân Trường (xã Lê Thanh), cung cấp hàng hóa cho hàng trăm đại lý trong cả nước. Đặc biệt, mô hình sản xuất hàng dệt may xuất khẩu của gia đình CCB Nguyễn Văn Hát (xã Bột Xuyên), tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 300 lao động, trong đó có con em người địa phương đã có tiền án, tiền sự, thậm chí là nghiện hút vào làm việc. Vừa tạo công ăn việc làm cho anh em, vừa cảm hoá các đối tượng hoà nhập cộng đồng.

Ngoài những mô hình tiêu biểu trên, các CCB đã phát triển mạnh trang trại vườn - ao - chuồng, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Điển hình như HTX nông sản sạch ở Hội CCB xã Bột Xuyên; nhiều hội viên đạt danh hiệu SXKD giỏi như CCB Nguyễn Văn Ca (Phùng Xá), Nguyễn Thanh Sơn (Xuy Xá), Nguyễn Phúc Hoan, Nguyễn Đăng Nghĩa (Bột Xuyên), Đồng Văn Chức, Vương Ngọc Kiện, Đồng Quốc Triệu (Hương Sơn), Nguyễn Văn Lào (Hồng Sơn), Nguyễn Công Bính (Đốc Tín)…

Toàn Hội hiện có 23 doanh nghiệp, 20 công ty TNHH, 345 trang trại từ 1,5-5ha. Đẩy mạnh sản xuất kinh doanh theo mô hình kinh tế với quy mô từ nhỏ đến lớn, nhằm nâng cao đời sống gia đình, giải quyết công ăn việc làm cho người lao động.

Về xóa nhà dột nát, nhà tạm, Thường trực Hội CCB huyện vận động các tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị quân đội, hội viên CCB và các nhà hảo tâm ủng hộ được 1,14 tỷ đồng, giúp 29 hội viên xây mới 22 nhà, sửa chữa 7 nhà ở.

Với sự nỗ lực chung, 5 năm qua, Hội đã giảm được 196 hộ CCB nghèo, nay chỉ còn 1 hộ nghèo ở xã An Phú, (chiếm tỷ lệ 0,011%); giảm 64 hộ cận nghèo, nay còn 78 hộ (0,084%); số hộ khá, giàu tăng lên 69%.

Với những thành tích đạt được, Hội CCB huyện nhiều năm được cấp uỷ, chính quyền và Hội cấp trên khen thưởng: Cờ thi đua của T.Ư Hội CCB Việt Nam (2019); Bằng khen của Chủ tịch Hội CCB Việt Nam (2017-2018); Bằng khen của Chủ tịch UBND thành phố năm 2020…

Vũ Viết Xô