Tiêu hủy lợn bị mắc dịch tả châu Phi tại tỉnh Quảng Trị.

Người chăn nuôi lợn trong nước vừa phải trải qua đợt lợn hơi rớt giá với bao khó khăn chồng chất, nay lại lao đao bởi dịch tả lợn châu Phi bùng phát. Thực ra, dịch lợn tả lợn châu Phi xuất hiện ở nước ta từ đầu năm 2019, nay đã lan rộng ra khắp 63 tỉnh, thành trên cả nước. Từ tháng 9-2021, dịch bùng phát ở nhiều tỉnh, thành phố như Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Hà Nội, Tuyên Quang… khiến người chăn nuôi lợn vô cùng khó khăn và hoang mang.

Dịch bùng phát khắp nơi

Theo thông tin từ Cục Thú y Bộ NNPTNT, tính đến tháng 10-2021, cả nước xảy ra 1.834 ổ dịch tả lợn châu Phi tại 1.672 xã, 340 huyện thuộc 53 tỉnh thành, phố. Tổng số lợn bị tiêu hủy là 112.092 con, trọng lượng tiêu hủy ước tính trên 5.500 tấn.

Thống kê từ Chi cục Chăn nuôi Thú y tỉnh Thanh Hóa cho thấy từ cuối tháng 9 tới nay, dịch tả lợn châu Phi xuất hiện ở 37 xã của 8 huyện. Đã có gần 2.000 con lợn bị tiêu hủy. Toàn tỉnh hiện có hơn 335 trang trại và hàng nghìn gia trại chăn nuôi lợn, trong đó có nhiều trại quy mô lớn ở các huyện Yên Định, Vĩnh Lộc, Thọ Xuân, Triệu Sơn, Nông Cống…

Theo ngành Thú y Thanh Hóa, nguyên nhân dịch tả lợn lây lan trên diện rộng là do một số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ sử dụng trực tiếp thức ăn cho lợn từ nguồn đồ ăn thừa thu gom, sử dụng nước ao, hồ chưa qua xử lý để tắm cho lợn cũng khiến bệnh dễ lây lan. Khi có lợn ốm chết, người dân không báo ngay cho cơ quan chuyên môn mà tự ý tiêu thụ, đã khiến chất thải từ lợn nhiễm bệnh xả trực tiếp ra môi trường cùng với thời tiết mưa nhiều gây ngập lụt cũng làm mầm bệnh phát tán và lan rộng.

Ông Tống Văn Giáp - Phó chi cục trưởng Chăn nuôi Thú Y Thanh Hóa cho biết: Để khống chế dịch bệnh, các địa phương quán triệt để người dân tiêu hủy ngay toàn bộ lợn mắc bệnh; dùng hóa chất và vôi bột tiêu độc, khử trùng chuồng trại...

Ghi nhận ở tỉnh Nghệ An có hơn 200 ổ dịch tả lợn châu Phi tại 22 huyện, thị,thành phố. Lãnh đạo Sở NNPTNT tỉnh này cho biết: Từ tháng 9 tới nay, dịch có xu hướng bùng phát mạnh tại các hộ nuôi nhỏ lẻ, không đảm bảo điều kiện vệ sinh. Số lượng lợn nhiễm đã lên đến 20.196 con đã bị tiêu hủy.

Tại tỉnh Hà Tĩnh, dịch tả lợn châu Phi lây lan ra gần 20 xã, phường, thị trấn trên địa bàn của 9 huyện. Phó chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh - ông Nguyễn Khắc Khánh cho biết: Lợn nhiễm bệnh chủ yếu ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Từ tháng 9 đến nay, cơ quan chức năng đã phối hợp tiêu hủy hơn 15.048 con. Hiện địa bàn còn gần 30 ổ dịch chưa qua 21 ngày.Hà Tĩnh có tổng đàn 383.000 con lợn, trong đó 58% thuộc quy mô trang trại, 42% quy mô nông hộ.

Ông Khánh cho biết thêm: "Virus tả lợn châu Phi chưa có vắc-xin để xử lý triệt để, do vậy cứ tồn tại âm ỉ tại những ổ dịch cũ. Ngoài ra, thời tiết thay đổi, đặc biệt là khi xảy ra lũ lụt, virus đi theo dòng nước cũng là nguyên nhân khiến dịch phát sinh".

Tính đến ngày 15-11, dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 452 hộ, 149 thôn, 61 xã, phường, thị xã thị trấn của 9 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh Quảng Trị. Toàn tỉnh có 4.008 con  lợn bị dịch, tiêu hủy 187,5 tấn lợn bị tiêu hủy. Chính quyền huyện Cam Lộ tổ chức tiêu hủy, tiêu độc khử trùng, tuyên truyền người dân thường xuyên vệ sinh chuồng trại, có các biện pháp phù hợp phòng, chống dịch bệnh vật nuôi.

Ở tỉnh Tuyên Quang, dịch tả lợn châu Phi cũng đang bùng phát mạnh, hiện cả tỉnh có khoảng 500.000 con lợn. Tính từ đầu năm đến nay, dịch tả lợn châu Phi bùng phát tại 50 xã với 4.000 con lợn bị tiêu hủy.

Tại Hà Nội, theo số liệu báo cáo của Sở NNPTNT T.P Hà Nội, từ tháng 10-2021 đến nay, dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện tại 24 xã, thuộc 4 huyện Ba Vì, Hoài Đức, Chương Mỹ và Phúc Thọ. Ghi nhận tại huyện Chương Mỹ, đã phát hiện đàn lợn bị mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi tại một hộ chăn nuôi ở xã Phú Nghĩa có tổng đàn 39 con lợn thương phẩm. Trong đó, số lợn ốm 11 con, số chết, tiêu hủy 11 con. Kết quả xét nghiệm 1/1 mẫu dương tính với bệnh dịch tả lợn châu Phi. Toàn bộ số lợn mắc bệnh, lợn chết, lợn có kết quả xét nghiệm dương tính mầm bệnh theo hướng dẫn, giám sát của Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện đã được UBND xã yêu cầu tiêu hủy.

Cần giải pháp đồng bộ, quyết liệt

Nhiều hộ chăn nuôi lợn, cả tập trung và tự động đã bị điêu đứng do dịch bệnh. Chẳng những thiệt hại về kinh tế, họ còn rất lo lắng về tinh thần nên chưa dám tiếp tục đầu tư chăn nuôi. Việc khống chế dịch, tái lập và duy trì đàn lợn để bảo đảm cung cấp thực phẩm đáp ứng nhu cầu xã hội càng trở nên cấp bách khi mà Tết Nguyên đán đã cận kề. Tuy nhiên, đây là việc làm rất khó khăn, phức tạp. Bởi, dịch tả lợn châu Phi do loại virus có sức đề kháng cao, mầm bệnh đã được ủ lâu, đường lây truyền phức tạp, chưa có thuốc chữa, chưa có vắc-xin phòng, chống… Chính quyền và cơ quan chức năng các địa phương đã tích cự phòng, chống, ngăn chặn, nhưng kết quả chưa đồng đều. Để ngăn chặn dịch hiệu quả, rất cần sự vào cuộc của cả chính quyền và người dân.

Khoanh vùng dập dịch là cần thiết. Cần xác định đúng vùng dịch, lập chốt và duy trì kiểm soát chặt chẽ quá trình vận chuyển lợn và các sản phẩm của lợn ra - vào khu vực có dịch. Phun khử trùng tiêu độc, vệ sinh môi trường tại nơi có dịch và khu vực có nguy cơ cao; rà soát, thống kê đàn lợn trên địa bàn, phát hiện, khống chế, bao vây dập dịch; tiêu hủy triệt để số lợn bị bệnh; xử lý nghiêm những trường hợp cố tình giấu dịch.

Đặc biệt, cần đẩy mạnh tuyên truyền vận động người chăn nuôi lợn về nhận thức, ý thức và phương pháp phòng, chống dịch. Sự lây lan dịch lợn ở các địa phương phần nhiều từ những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, kiến thức, ý thức phòng dịch hạn chế; điều kiện phòng dịch như chuồng trại, nguồn nước cho chăn nuôi, nước thải, thức ăn… không đảm bảo. Do đó vừa tuyên truyền vận động, chính quyền và cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh và hướng dẫn cho người chăn nuôi lợn thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch, nhất là với các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ.

Hoàng Thanh