Những sĩ quan chủ chốt của địch vừa bị bắt gồm: Trung tướng Nguyễn Vĩnh Nghi, Chuẩn tướng Phạm Ngọc Sang và Đại tá Javel Lewis-chuyên viên Đại sứ quán Mỹ tại Nam Việt Nam cùng nhiều sĩ quan cao cấp khác.
Ngay lập tức, theo điện khẩn của Đại tướng Tổng tư lệnh từ Hà Nội, các sĩ quan cấp tướng ngụy và cố vấn Mỹ được đưa ra Bắc theo đường bộ bằng xe hơi. Những thông tin quan trọng khai thác được từ những tù binh sĩ quan cao cấp này là một trong những căn cứ để Bộ Chính trị và Quân ủy T.Ư quyết định mở chiến dịch Hồ Chí Minh từ ngày 26-4-1975.
Nhiệm vụ của Sư đoàn 3 tiến công bên cánh trái Quân đoàn 2 là giải phóng thị xã Bà Rịa và TP. Vũng Tàu. Trung đoàn bộ binh 12 và 141 trực tiếp tiến công thị xã Bà Rịa, Trung đoàn 2 chúng tôi là lực lượng chủ yếu tiến công giải phóng TP. Vũng Tàu, chặn địch tháo chạy ra đường biển.
Chiều tối ngày 27-4, chúng tôi bám sát đội hình tiến công của Trung đoàn bộ binh 141, tôi đi cùng Tiểu đoàn 3 của Trung đoàn 2. Vừa bước chân vào cửa chính hướng tây bắc thị xã, trước mặt tôi là hai chiếc xe tăng của ta bị bắn cháy, khói lửa đang bốc lên xung quanh thành xe; mấy pháo thủ người thì gục trên tháp pháo, người thì nằm sóng xoài dưới đất… Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 3 Lê Đình Như báo cáo lên sở chỉ huy Trung đoàn là Tiểu đoàn của anh đã đến cầu Cỏ May, mục tiêu do Trung đoàn 141 vừa đánh chiếm và đang phát triển theo quốc lộ 51 xuống Vũng Tàu.
Sở chỉ huy Trung đoàn 2 triển khai trên tầng thượng của một tòa nhà ba tầng gần ngã ba đường 51 với một đường vào thị xã; từ đây đến cầu Cỏ May khoảng hơn 1km. Tại sở chỉ huy lúc này có tôi-Trung đoàn phó, anh Nguyễn Văn Chước-Chính ủy trung đoàn, một tổ máy thông tin PRC25, cùng với mấy đồng chí liên lạc; cán bộ và nhân viên cơ quan ở dưới tầng trệt. Anh Đoàn Mai Ngữ-quyền Trung đoàn trưởng bị tai nạn đang điều trị, các anh Lê Văn Quýt và Lưu Quang Đông-Phó chính ủy đang đi trên các hướng. Trong chiến đấu tiến công truy kích địch, tình huống diễn biến liên tục và qua đi cũng rất nhanh. Vì vậy, Sở chỉ trung đoàn tổ chức rất gọn, thường xuyên cơ động bám sát đội hình. Đêm cuối tháng, trời không trăng, đầy sao nhưng vẫn một màu xám xịt. Đứng trên sân thượng của tòa nhà, nếu là ban ngày, dùng ống nhòm có thể nhìn thấy cầu Cỏ May, còn lúc đó thì không thể. Ngoại vi thị xã Bà Rịa, súng nổ ran; trong thị xã vẫn còn tiếng súng, nhưng rời rạc. Dọc đường 51, các loại súng rộ lên từng chặp, đạn vạch đường đan chéo nhau xen giữa những chớp lửa của đạn pháo cối.
Đang phát triển trên quốc lộ 51 xuống hướng Vũng Tàu, đội hình Tiểu đoàn 3 dồn cả lại tại đầu cầu Cỏ May. Qua chiếc máy PRC25, đồng chí Như báo cáo chỉ huy trung đoàn: “Gặp một cái cầu đã bị phá sập, nước sông sâu, địch bên kia bắn sang, Tiểu đoàn 3 bị thương vong một số, đang dừng lại ở bờ sông!…”.
Tại sở chỉ huy, chúng tôi dựa vào bản đồ xác định: Cầu này mới là cầu Cỏ May, cầu do Trung đoàn 141 đánh chiếm là cái cầu khác, chưa phải cầu Cỏ May, hai cầu cách nhau khá xa. Đây là một tình huống ngoài dự kiến, nên bây giờ rất có thể đơn vị phải trả giá...
Cầu Cỏ May ngày ấy được đúc bằng bê tông cốt thép, cây cầu nằm trên quốc lộ 15 (nay là 51), trục lộ duy nhất nối thị xã Bà Rịa với TP. Vũng Tàu; cách trung tâm thị xã Bà Rịa khoảng 6 km và TP. Vũng Tàu gần 20km, cầu Cỏ May là một mục tiêu hiểm yếu, bởi đặc điểm địa hình rất phức tạp. Cầu bắc qua sông Cỏ May dài chưa đến 100m, nhưng sông sâu, nước chảy xiết. Điều bất lợi đối với ta, bên tiến công là toàn bộ địa hình xung quanh đầu cầu bờ bắc bằng phẳng, sình lầy. Khi thủy triều lên, cả một vùng trông như mặt biển, chỉ thấy nhô lên những ngọn cây sú, cây vẹt. Khi thủy triều rút xuống đến mức thấp nhất cũng không thể lội qua. Địa hình đã sình lầy lại chật hẹp, không triển khai được nhiều lực lượng, không thiết bị được trận địa cho hỏa lực. Cối 82 và 120mm chỉ cần bắn một trái đạn là đế súng bị lún sâu xuống bùn.
Ngược lại, phía đối phương, bên kia cầu, hướng TP. Vũng Tàu, địa hình cao, đường 51 vắt qua, hai bên là làng mạc nhô ra gần sát bờ sông, tạo nên địa thế lý tưởng để xây dựng trận địa phòng ngự, lúc này là một tiểu đoàn thủy quân lục chiến ngụy Sài Gòn, có xe tăng-thiết giáp và công sự, lô cốt vững chắc. Có thể nói: Cầu Cỏ May là một chướng ngại bất lợi nhất đối với chúng tôi trong cuộc tiến công giải phóng TP. Vũng Tàu. Đêm trước, Đặc công nước thuộc Thị đội Vũng Tàu và Quân báo Miền, nhiều lần đột nhập cầu Cỏ May, nhưng không thành. Trước khi tháo chạy khỏi thị xã Bà Rịa xuống Vũng Tàu, địch đã phá sập cầu Cỏ May vào chiều 27-4 và đuổi hết ngư dân lên thượng nguồn sông Cỏ May gần một 1km, không cho một chiếc tàu thuyền nào đậu gần cầu Cỏ May, đề phòng ta sử dụng tàu thuyền của dân để vượt sông.
Chúng tôi hội ý với nhau, chỉ đạo Tiểu đoàn 3 vòng lên phía trên, tổ chức hỏa lực và tìm cách vượt sông, vì hiện giờ phần lớn đội hình Tiểu đoàn 3 đang nằm dọc đường 51 và xung quanh đầu cầu bờ bắc. Từ đêm 27 rạng 28-4, dưới sự chỉ huy của Tiểu đoàn trưởng Lê Đình Như, đội hình Tiểu đoàn 3 đã lật cánh sang phía tây đường 51 ra giáp bờ sông. Suốt cả ngày 28, Tiểu đoàn 3 tổ chức nhiều cuộc vượt sông, nhưng đều bị hỏa lực địch phía bên kia chặn lại. Mỗi một cuộc vượt sông, Tiểu đoàn 3 đều có thương vong, nhiều đồng chí bị nước cuốn trôi. (Sau này, thỉnh thoảng tôi vẫn được anh em CCB ở Vũng Tàu thông báo có hài cốt liệt sĩ dưới các lớp sình lầy hoặc trong các bãi đá ngầm phía dưới hạ lưu cầu Cỏ May).
Sốt ruột quá, chả nhẽ bộ đội cứ nằm mãi ở bờ sông, trước cái thế hoàn toàn bất lợi để rồi Tiểu đoàn 3 sẽ không còn một ai sau này làm nhân chứng (?). Tôi nói với anh Chước:

  • Anh ở lại sở chỉ huy theo dõi tình hình chung trên các hướng, tôi xuống cầu Cỏ May xem sao!
    Anh Chước dặn tôi:
  • Cậu hãy cẩn thận. Cho trinh sát sang trước nắm tình hình bên đó rồi hãy sang!...
    Từ sở chỉ huy, tôi bước chân ra đường trong tâm trạng rất lo lắng. Đây là lần đầu tiên, từ chiến trường Liên khu 5 đặt chân lên vùng đất thuộc miền Đông Nam bộ, địa hình mới lạ. Trước tình huống bất ngờ như thế này, biết xử trí ra sao? Nếu chậm trễ sẽ không hoàn thành nhiệm vụ trong chiến dịch lịch sử này. Dọc đường 51, cơ man nào là súng ống, quần áo, giày dép, mũ mão địch bỏ lại; có những chiếc xe vận tải, xe thiết giáp nằm ngang dọc choán hết lối đi, có chiếc đâm đầu xuống ruộng... Tôi men theo đường nhựa loang lổ hố pháo, bò vào đầu cầu bờ bắc cầu Cỏ May. Cầu sập một nhịp chỉ thấy lòng sông, nước chảy cuồn cuộn. Đồng chí Như đang tổ chức cho bộ đội tiếp tục vượt sông. Tôi bàn với đồng chí Như: “Đồng nước mênh mông thế này thì không thể triển khai được hỏa lực. Phải lùi trận địa cối 120mm về phía sau, tìm một vị trí thuận lợi để bố trí. Đưa súng ĐKZ75 lên mặt đường 51 bắn qua đầu cầu bên kia. Không có hỏa lực chế áp tiền duyên địch thì bộ đội khó có thể vượt được sông!...”.
    Trước tình huống diễn ra tại cầu Cỏ May không thuận lợi, Bộ Tư lệnh Sư đoàn 3 quyết định: “Chuyển hướng tiến công chủ yếu sang phía Đông. Trung đoàn bộ binh 12 tiến ra cửa biển Long Hải, huy động tàu thuyền của ngư dân vượt gần 1.000m qua eo biển rồi dọc theo bờ biển tiến xuống Vũng Tàu. Trung đoàn 2 trở thành hướng thứ yếu, tiếp tục khắc phục khó khăn, tổ chức vượt sông, tiến công theo trục đường 51 xuống TP. Vũng Tàu”.
    Đêm 28-4, lợi dụng kết quả của hỏa lực pháo binh sư đoàn, Tiểu đoàn 3 cơ động lực lượng triển khai theo kế hoạch mới: Khẩu đội cối 120mm ỳ ạch khiêng vác súng, đạn, tìm trận địa mới để triển khai; khẩu ĐKZ75 được chuyển lên mặt đường trước những họng súng từ các xe tăng, từ các lô cốt, ụ súng phía bên kia cầu chĩa sang…
    Sáng 29-4, khoảng 3 giờ, dưới sự chỉ huy của Tiểu đoàn trưởng Lê Đình Như, Tiểu đoàn 3 tiếp tục vượt sông. Oái oăm thay, đang lúc vượt sông, nước thủy triều rút xuống, bờ sông bấy giờ là những bãi sình lầy, lực lượng đi đầu lồ lộ dưới bờ sông. Lập tức các loại hỏa lực từ những chiếc xe tăng bên kia cầu, khuất sau các bụi cây, từ những công sự nổi bằng bao cát, bằng thùng phuy đổ đầy đất trên bờ sông, trên mố cầu đồng loạt bắn sang như vãi đạn, đạn ken dày trên mặt sông… Tiểu đoàn 3 vẫn không qua được bờ bên kia, máu của chiến sỹ ta loang đỏ một khúc sông, trên các bãi sình lầy…
    Khoảng 9 giờ sáng, khi Trung đoàn 12 vượt qua được Cửa Lấp, xã Phước Tĩnh, trên đường tiến xuống Vũng Tàu, một đại đội của Tiểu đoàn 6, tách khỏi đội hình Trung đoàn 12, từ phía đông tiến sang đường 51, như một mũi dao xuyên thẳng vào bên sườn và sau lưng tiểu đoàn thủy quân lục chiến địch đang cố thủ tại đầu cầu phía nam, bắn cháy hai xe thiết giáp M113 tại ấp Phước Thành. Bị tiến công bất ngờ từ bên sườn và sau lưng, toàn bộ quân địch cố thủ đầu cầu tháo chạy xuống Vũng Tàu. Chớp thời cơ, Tiểu đoàn 3 và các lực lượng trên hướng đường 51 ào ạt vượt qua sông Cỏ May…
    Từ đó, số phận của binh lính và chính quyền của chế độ cũ Gài Gòn tại TP. Vũng Tàu đang được quyết định từng giờ…
    Cầu Cỏ May-đường 51 nối Bà Rịa với TP. Vũng Tàu, đã trở thành một địa chỉ lịch sử. Ngày 29-4-1975 là ngày truyền thống oai hùng của quân và dân Bà Rịa-Vũng Tàu, là dấu ấn đậm nét trong lòng những cựu chiến binh chúng tôi. Ngày nay, trên khuôn viên rộng 1.500m2, nơi tiểu đoàn địch cố thủ đầu cầu phía nam năm xưa, bên cạnh quốc lộ 51, nằm giữa rừng cờ và hoa là tượng đài chiến thắng cầu Cỏ May, cao trên 11m thật hoành tráng, là nơi tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ đã ngã xuống trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Khách thập phương khi qua đây thường vào thắp nhang, kính cẩn nghiêng mình trước vong linh những chiến sĩ đã hi sinh trong trận chiến khốc liệt này. Những dịp lễ, tết, Đảng bộ và chính quyền địa phương tổ chức các đoàn đại biểu đến thắp nhang, các CCB Sư đoàn 3 Sao Vàng, từ ngoài miền Bắc, miền Trung, hằng năm, dịp kỷ niệm ngày 30-4 đều vào thăm viếng, thắp hương tại đài tưởng niệm liệt sĩ cầu Cỏ May.
    N.V.H