Mới đây, chị Nguyễn Thị Mai, ở phường Nam Sơn, quận Kiến An, T.P Hải Phòng khi vào mạng xã hội Facebook để tìm khóa học hè cho con, thấy xuất hiện nhiều trang quảng cáo chương trình “Trại hè lính cứu hỏa” rất bài bản và chuyên nghiệp. Chị Mai không ngần ngại đăng ký cho con, sau đó được tư vấn viên yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân, mã ứng tuyển, số điện thoại… Tiếp đến, các đối tượng dẫn dắt, yêu cầu chị Mai truy cập vào Zalo, Facebook để được hướng dẫn đăng ký thông tin cá nhân và thực hiện các cuộc “khảo sát” với nội dung là tri ân nhà tài trợ để đạt điểm tín nhiệm cao, tăng sự tương tác cho trang của nhà tài trợ...
Tuy nhiên, do được cảnh báo về việc không cấp thông tin cá nhân cho bất cứ tổ chức hay cá nhân khác, nên chị Mai không thực hiện theo yêu cầu của các tư vấn viên mà đến ngay trụ sở Công an phường Nam Sơn trình báo. Sau khi tường trình sự việc, chị Mai được cán bộ Công an phường Nam Sơn giải thích: Đây là thủ đoạn lừa đảo của các đối tượng xấu nhằm chiếm đoạt tài sản của những người nhẹ dạ cả tin đã được Công an T.P Hải Phòng cảnh báo trên trang thông tin điện tử. Thời gian qua, nhiều người đã không may mắn như chị Mai, bị mất những khoản tiền lớn vì làm theo hướng dẫn của kẻ xấu...
Thời gian gần đây, lợi dụng nhu cầu của các bậc phụ huynh cho con tham gia các khóa học hè tăng cao, các đối tượng lừa đảo tự tạo các tài khoản Zalo, Facebook có hình ảnh tương đối giống với các cơ quan tổ chức Nhà nước và tự giới thiệu có liên kết với các cơ quan Công an trên toàn quốc. Phương thức, thủ đoạn chung của các trang mạng xã hội giả mạo là đổi tên, mua lại từ các trang cũ có sẵn lượt theo dõi cao hoặc lập mới hoàn toàn theo tên gọi của các đơn vị như: “Trại hè lính cứu hỏa”, “Trại hè kỹ năng - Trại hè Công an nhân dân”… Ở mục thông tin giới thiệu có thông tin địa điểm là trụ sở làm việc của các đơn vị công an, dẫn link đến các trang web chính thống của lực lượng Công an; đăng tải các hình ảnh, bài viết từ các trang chính thống của lực lượng công an, thậm chí các đối tượng còn sử dụng hình ảnh các cán bộ lãnh đạo Công an để đăng tải trong các bài viết quảng cáo nhằm tạo niềm tin…
Khi phụ huynh đăng ký tham gia chương trình, các đối tượng cung cấp mã ứng tuyển của học viên và số điện thoại Zalo của tư vấn viên, dẫn dắt truy cập vào Zalo để đăng ký thông tin cá nhân. Sau đó, các đối tượng yêu cầu phụ huynh tham gia các nhóm Zalo, Telegram hoặc Messenger thực hiện các nhiệm vụ “thanh toán số tiền hơn 500.000 đồng với danh nghĩa là tri ân nhà tài trợ để tăng tương tác sản phẩm, sau 3-5 phút sẽ tất toán lại tất cả tiền gốc và hoa hồng 10%”. Do tin tưởng nội dung các trang Facebook trên là đúng sự thật, nhiều người đã chuyển tiền để đăng ký cho con em mình tham gia khóa học, tuy nhiên sau khi chuyển tiền xong thì đối tượng liền chiếm đoạt và chặn liên lạc…
Qua sự việc trên, chị Mai được Công an T.P Hải Phòng khuyến cáo cần cẩn trọng, tìm hiểu kỹ thông tin về các khóa học trên các trang mạng để tránh bị lừa đảo. Khi nhận được thông tin từ các trang mạng xã hội có nội dung tương tự như trên, cần gọi điện thoại liên hệ và gặp trực tiếp yêu cầu cơ quan, tổ chức cung cấp giấy tờ tài liệu chứng minh họ là tổ chức hợp pháp và được phép tổ chức các sự kiện trên để đăng ký. Tuyệt đối không làm theo hướng dẫn chuyển tiền cho bất cứ ai và bất cứ lý do gì nếu chưa xác định chính xác danh tính người nhận tiền. Trong trường hợp nếu bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản cần báo ngay cho cơ quan Công an gần nhất để được tiếp nhận và hướng dẫn giải quyết…
Rời trụ sở Công an phường Nam Sơn, chị Mai thấy yên tâm hơn. Chị đã có thêm những kiến thức và bài học quý giá. Chị sẽ tuyên truyền rộng rãi để mọi người cùng nâng cao tinh thần cảnh giác, không bị các đối tượng xấu lừa đảo. Đồng thời, mong muốn lực lượng chức năng sớm điều tra, phát hiện, xử lý nghiêm những đối tượng lừa đảo theo quy định của pháp luật.
Cao Đông