Thượng Hiền (Kiến Xương, Thái Bình) là xã có nghề mây đan đã hơn một trăm năm nay, nhiều thời kỳ mang lại thu nhập khá cao cho người lao động và đóng góp lớn cho ngân sách xã. Nhưng trong thời kinh tế thị trường, sự thăng trầm của làng nghề làm các mặt hàng xuất khẩu là không tránh khỏi. Có những “cai mây” sập tiệm, “khê vốn” của ngân hàng và mang nợ của dân. CCB Quý thì khác, ông nói:

  • Tôi già rồi, trình độ có hạn, thông tin có hạn, vốn liếng có hạn, không thể làm liều. Kinh doanh là phải nắm chắc đối tác và lao động, lấy ngắn nuôi dài.
    Và CCB Bùi Công Quý đã làm như vậy. Khi mặt hàng mây nống trám bị chững lại, ông lóc cóc cái xe đạp lên thành phố tìm “cai” mây và ký hợp đồng cho các mặt hàng khác. Từ những năm 1982, ông đã ký hợp đồng với nhiều “cai” tuy nhỏ lẻ nhưng chắc với quan điểm hàng tốt và người thật. Cũng có “cai” mây đã lừa ông nhưng bị tòa án xử phạt, ông vẫn mất tiền nhưng tiếp tục ký với “cai” khác. Nhiều khi coi khách hàng và thợ cũng là “thượng đế”, nên ông trực tiếp mua ruột mây cho thợ, mua ống giang Lạng Sơn về cho bà con làm hàng, rồi ứng tiền, phổ biến kỹ thuật, tự chữa hàng cho thợ. Hiện nay thợ làm hàng thường xuyên cho ông có từ 30-50 người. Với phương châm lãi ít, làm lâu, có những lần tăng giá thu mua từng mặt hàng, song để cạnh tranh thì ít mà chủ yếu để tăng thu nhập cho người lao động.
    Hiện nay, ông Quý đã có phương tiện chuyên chở, nhà ở, cơ sở làm hàng ngay mặt đường của xã, lại có chút vốn liếng, các con đã trưởng thành, ông lại được cấp trên tặng giấy khen về thành tích kinh doanh và tăng thu nhập cho người lao động. Lẽ ra, ông có thể nghỉ ngơi bởi bước sang tuổi 80 rồi, nhưng ông vẫn cần cù, thức khuya dậy sớm. Ông nói: “Với tôi, lao động là vinh quang, là niềm vui lớn, là tăng thêm sức khoẻ mà!...”.
    Xuân đam