T.P Hồ Chí Minh tổ chức bắn pháo hoa kỷ niệm 47 năm Ngày Giải phóng miền Nam, (30-4) và Ngày Quốc tế lao động (1-5).

Đến thời điểm này, dù đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp trên phạm vi toàn cầu, song có thể nói, ở Việt Nam, cuộc chiến “Chống dịch như chống giặc” với sự triển khai đồng bộ các giải pháp, đã đạt được mục tiêu, yêu cầu đề ra. Cả nước thực hiện chiến lược thích ứng an toàn với Covid-19, khôi phục các hoạt động kinh tế - xã hội, đưa đời sống trở lại trạng thái bình thường mới. Chính vì vậy, các hoạt động mừng “Ngày hội non sông thống nhất” của mùa Xuân năm nay diễn ra trong bầu không khí lạc quan, tràn đầy niềm tin và kỳ vọng…

1

Ngày 30-4, 1-5 năm nay trùng vào hai ngày nghỉ cuối tuần. Vì vậy, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động được nghỉ lễ liên tục trong 4 ngày (từ 30-4 đến 3-5). Đó là khoảng thời gian lý tưởng để người dân và du khách thực hiện các chuyến du lịch, nghỉ dưỡng. Nếu như năm 2021, khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các hoạt động du lịch bị ngưng trệ, thì năm nay, tình hình đã khác hẳn. Sau những nỗ lực vượt bậc của Chính phủ và cả hệ thống chính trị, sự đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp,

sự xông pha trên tuyến đầu của các lực lượng chống dịch, chúng ta đã khống chế dịch bệnh thành công. Việt Nam trở thành một trong những nước có độ bao phủ vắc-xin phòng dịch cao nhất thế giới. Kết quả đó cho phép các địa phương tái khởi động các hoạt động du lịch. Lượng du khách quốc tế đến Việt Nam đã tăng trở lại. Bức tranh kinh tế - xã hội của đất nước khởi sắc nhanh chóng. Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I-2022 ước tính tăng 5,03% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng 4,72% của quý I-2021 và 3,66% của quý I-2020. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,45%, đóng góp 5,76% vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 6,38%, đóng góp 51,08%; khu vực dịch vụ tăng 4,58%, đóng góp 43,16%... Những con số ấy được thể hiện sinh động trong diện mạo đời sống nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp. Từ đô thị đến nông thôn, từ biên giới đến hải đảo, từ đồng ruộng đến các khu công nghiệp, khu chế xuất… nhịp sống mới của toàn dân đã rộn rã thanh âm của sự phục hồi, phát triển…

Hòa cùng bức tranh khởi sắc của đất nước trong bối cảnh thích ứng an toàn với Covid-19, Quân đội ta cũng diễn ra chuỗi các sự kiện, hoạt động đầy ý nghĩa, đáng chú ý là các hoạt động đối ngoại quốc phòng, góp phần gìn giữ môi trường hòa bình, hợp tác, phát triển giữa các quốc gia, vùng lãnh thổ trong khu vực và châu lục. Đó là những dấu ấn của nỗ lực vượt khó để hoàn thành các mục tiêu đã được Đại hội XIII của Đảng xác định. Như con tàu băng sóng ra biển lớn, dù phải gặp rất nhiều khó khăn, gian khổ, thách thức, nhưng ai cũng tự hào với vị thế của đất nước trong môi trường hội nhập.

Trong các diễn đàn, hội nghị, các cuộc tiếp xúc cấp cao với bạn bè quốc tế và cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhiều lần đề cập, nhấn mạnh các chủ trương, giải pháp để xây dựng một đất nước Việt Nam hùng cường. Theo đó, mấu chốt của vấn đề là chúng ta phải đánh thức, phát huy trí thông minh, nguồn lực sáng tạo trong bộ não và nhiệt huyết cống hiến trong trái tim của mỗi người dân Việt Nam, đoàn kết, thống nhất, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, sự quản lý, điều hành của Chính phủ. Tinh thần ấy, ý chí ấy sẵn có trong bầu huyết quản, trái tim và khối óc của mỗi người dân và đã được thể hiện sinh động trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 vừa qua. Giờ đây, hơn lúc nào hết, chúng ta phải cùng nhau tạo môi trường, điểm tựa, sợi dây kết nối, nguồn năng lượng khởi tạo để thúc giục lòng người, bừng dậy thành hào khí non sông…

2

Kỷ niệm 47 năm ngày đất nước thống nhất, non sông liền một dải, thế hệ Bộ đội Cụ Hồ hôm nay cùng với các CCB của thế hệ cha anh, đã phối hợp tổ chức nhiều hoạt động về nguồn, “Đền ơn đáp nghĩa”. Trong ngày hội non sông, chúng ta lại hạnh phúc trào dâng khi nghe tiếng Bác Hồ vang dậy: “Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua…”. Đúng vậy! Tác động khủng khiếp của đại dịch Covid-19, chúng ta đã phải gánh chịu rất nhiều đau thương, mất mát với sinh mạng của hàng vạn đồng bào, chiến sĩ và sự kiệt quệ của nhiều phân khúc trong môi trường kinh tế. Xuân này chúng ta đã cùng nắm chặt tay nhau vượt lên. Sự hơn hẳn ấy đang diễn ra hàng ngày, hàng giờ trong không khí nô nức của đời sống xã hội, trong nếp nghĩ, hành vi của mỗi người dân, trong thái độ tri ân của những người cùng đội ngũ…

Chúng tôi đi cùng Đoàn CCB của Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ T.P Hồ Chí Minh và Ban Liên lạc truyền thống Sư đoàn 5 (Quân khu 7) về vùng quê cách  mạng Đức Mỹ, huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh. Đó là một dải đất chạy dài, dọc theo bờ hữu sông Cổ Chiên. Chỉ cách trung tâm tỉnh Trà Vinh vài chục ki lô mét nhưng vùng quê cách mạng này mang một diện mạo khác hẳn. Một số ấp ở xã chưa có đường ô tô. Môi trường tự nhiên đậm sắc khẩn hoang với những vườn dừa xanh mát hút tầm mắt. Dù trời nắng như đổ lửa, nhưng khí hậu ở đây mát mẻ, trong lành đến hoang sơ, gió từ sông Cổ Chiên thổi dọc theo những rặng dừa mát rượi, tạo tiếng sáo trời vi vu, bổng trầm hoang hoải… Đức Mỹ đẹp trong lành, nhưng đó không phải là lý do chúng tôi tìm về đây để du lịch sinh thái. Chúng tôi về đây vì sau 47 năm đất nước thống nhất, vết thương chiến tranh, hậu quả chiến tranh trên vùng đất này vẫn còn dai dẳng. Xã có đến hơn 150 hộ gia đình thương binh, liệt sĩ, người có công, có 51 Mẹ VNAH (hiện 3 mẹ còn sống), đời sống nhiều gia đình chính sách còn khó khăn. Đức Mỹ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là nơi được Đặc khu ủy Sài Gòn - Gia Định (C112) chọn xây dựng căn cứ kháng chiến. Những cán bộ cấp cao của Đảng như: Phạm Hùng, Mai Chí Thọ, Võ Văn Kiệt, Trần Bạch Đằng, Trần Hải Phụng… đã về đây xây dựng cơ sở, trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng của nhân dân, được các hộ dân đào hầm bí mật nuôi giấu, bảo vệ an toàn. Địa chỉ đặt căn cứ C112 ngày ấy, rất cần có một công trình bia lưu niệm để giáo dục truyền thống, tiếp lửa cách mạng cho đời sau. Đó là tâm nguyện của các CCB, những người đã từng tham gia chiến đấu, được người dân Đức Mỹ đùm bọc, chở che hoạt động. Vài căn nhà tình nghĩa được bàn giao, dăm suất quà tri ân được tặng… chỉ là một phần vật chất nhỏ bé trong chuyến về nguồn của các CCB lần này. Điều đáng trân quý hơn, đó là tấm lòng, là thái độ tri ân. Nhiều CCB lưng đã còng, tóc đã bạc, nhưng khi đứng trước Mẹ VNAH chỉ hơn mình vài tuổi, vẫn lễ phép như đứa con ngoan trước mẹ hiền. Chứng kiến người Mẹ anh hùng 84 tuổi xoa đầu người lính 80 tuổi, căn dặn: “Ráng giữ sức khỏe để má con mình còn có dịp gặp lại nhau lần nữa nhen!”, trong lúc người lính già thì đứng khoanh tay, cúi đầu, một dạ, hai thưa… ai trong chúng tôi cũng thấy mắt mình cay cay, nước mắt cứ thế trào ra như giọt suối khe trên vách núi…

Mẹ chiến sĩ, mẹ của Bộ đội Cụ Hồ là như thế đó!

Mẹ Việt Nam anh hùng là như thế đó!

Mẹ Tổ quốc cũng là thế đó!

Sức mạnh của đàn con ra trận cũng từ cội nguồn như thế đó!

Nghĩa tình tri ân lan tỏa trong đời sống hôm nay như một nhu cầu tự thân của người dân. Bởi vậy nên những mô hình thiện nguyện tương trợ, giúp đỡ người có công với tinh thần “Đền ơn đáp nghĩa” xuất hiện ngày càng nhiều. Từ những việc làm bình dị mà cao quý trong đời sống, phong trào thiện nguyện, tri ân đã phát triển rộng khắp ở mọi giới, mọi nơi, mọi lúc. Người người làm việc thiện, nhà nhà làm việc thiện bao trùm trong đời sống xã hội…

47 mùa Xuân đã đi qua. Lớp người làm nên lịch sử với những chiến thắng huy hoàng, vang dội năm châu, chấn động địa cầu, bây giờ phần lớn đã về với “thế giới người hiền”. Những người còn sống cũng đã tuổi cao sức yếu. Họ đã hoàn thành sứ mệnh vẻ vang với Tổ quốc, với Tiên tổ, ông cha, để lại cho đời sau môi trường hòa bình, non sông liền một dải, đất nước thống nhất, độc lập, tự do. Sứ mệnh lịch sử của đất nước được trao lại cho thế hệ hôm nay. Đó là hành trình tiếp nối không ngừng nghỉ của lịch sử. Sứ mệnh của những người làm chủ đất nước trong môi trường hội nhập quốc tế là phải tiến lên phía trước. Tiến nhanh. Tiến mạnh. Tiến vững chắc. Nhưng nếu chúng ta chỉ mải mê đưa con tàu lướt sóng mà quên mất bến bờ nơi xuất phát thì đích đến sẽ là mông lung vô định. Tựa vào lịch sử, áp mình vào truyền thống cha ông để được đón nhận nguồn linh khí, sinh khí dân tộc là cách để tuổi trẻ đưa con tàu đi đúng hướng, đưa đất nước phát triển bền vững, ổn định, hùng cường...

Thời gian vẫn mải miết trôi đi. Giữa càn khôn cao rộng bao la, tiếng giục giã của nhịp đời sinh sôi là nguồn sức mạnh nội sinh nâng bước chúng ta tiến về phía trước, hòa cùng văn minh thời đại…

Tùy bút của Phan Tùng Sơn