CLB Bảo vệ rừng ngập mặn do CCB xã Đông Hải (Tiên Yên, Quảng Ninh) làm nòng cốt duy trì hiệu quả hoạt động hơn 1 năm qua, góp phần tham gia trồng và giữ rừng, nhân lên những lá phổi xanh để bảo vệ môi trường, đảm bảo nguồn sinh kế lâu dài.

Cacbon xanh (blue cacbon) là một thuật ngữ dùng để chỉ “dòng cacbon được điều khiển bằng phương pháp sinh học và lưu trữ trong các hệ thống biển có thể quản lý được”. Các hệ sinh thái ven biển như rừng ngập mặn, đầm lầy thủy triều và đồng cỏ biển có thể bảo vệ bờ biển khỏi bão, mực nước biển dâng cao và xói mòn bờ biển.

Theo các nghiên cứu, hệ sinh thái xanh dương có tầm quan trọng trong việc lưu trữ cacbon. Hệ sinh thái này chỉ chiếm 2% bề mặt đại dương nhưng đóng góp tới 50% lượng hấp thụ cacbon của đại dương. Theo đó, 1ha rừng ngập mặn có khả năng hấp thụ cacbon cao gấp 5 lần so với 1ha rừng trên cạn. Có biển, có bãi bồi, rừng ngập mặn thường lớn nhanh, từ đó đem lại hiệu quả cao trong việc lưu giữ, loại bỏ cacbon và hấp thụ cacbon trong khí quyển.

Mặc dù mang lại tác động lớn trong việc chống lại biến đổi khí hậu, nhưng các hệ sinh thái cacbon xanh ven biển được xem là một trong những hệ sinh thái đang bị đe dọa nhất. Nguyên nhân đến từ hoạt động hủy hoại hệ sinh thái biển như xây dựng ao nuôi trồng thủy sản và các hình thức phát triển ven biển không bền vững khác. Trong 50 năm qua, khoảng 30-50% rừng ngập mặn đã biến mất trên toàn cầu, và chúng tiếp tục biến mất với tốc độ 2% mỗi năm.

Việt Nam có đường bờ biển dài hơn 3.260km chạy dọc theo 28 tỉnh và thành phố từ Móng Cái (Quảng Ninh) đến Cà Mau (Kiên Giang). Do đó, rừng ngập mặn có tầm quan trọng trong việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, mất đa dạng sinh học và phát triển bền vững cũng như trong việc tăng cường khả năng chống chịu khí hậu và tăng trưởng xanh; đặc biệt, trước nguy cơ được dự báo do những tác động tiêu cực tại vùng ĐBSCL.  

Nước ta hiện có 200.000ha rừng ngập mặn. Trong thời gian qua, Việt Nam và các tổ chức quốc tế đang nỗ lực trồng và phục hồi hơn 4.000ha rừng ngập mặn, tới đây còn có thêm một dự án do Canađa tài trợ để bảo vệ và tạo thêm 1.000ha rừng ngập mặn nữa. Tuy nhiên, diện tích rừng ngập mặn đang có nguy cơ bị đe dọa nghiêm trọng do thu hẹp về diện tích vì tình trạng khai thác chặt phá rừng, thiên tai, chiến tranh, ô nhiễm môi trường và đặc biệt là việc chuyển đổi rừng ngập mặn sang sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản và do đô thị hóa.

Tiềm năng của cacbon xanh trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu lần đầu tiên được Ủy ban liên chính phủ của Liên Hợp quốc về biến đổi khí hậu công nhận khoảng 13 năm trước. Kể từ đó, nguồn tài nguyên này dần được các nước công nhận rộng rãi. Thị trường cacbon được coi là một trong những công cụ quan trọng trong việc giảm nhẹ phát thải khí nhà kính với chi phí của doanh nghiệp và xã hội thấp, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

Năm 2023, đánh dấu cột mốc rất quan trọng khi lần đầu tiên trong lĩnh vực lâm nghiệp, Việt Nam đã bán thành công 10,3 triệu tín chỉ cacbon rừng thông qua Ngân hàng Thế giới thu về 51,5 triệu USD (gần 1.250 tỷ đồng).

Đề cập đến tiềm năng cacbon từ rừng, đại diện Chương trình Phát triển dự án toàn cầu (NatureCo) đánh giá Việt Nam có thể tạo ra gần 400 triệu tín chỉ cacbon trong 30 năm tới trên khắp các cảnh quan và các loại hình dự án. Cụ thể, trồng rừng và tái trồng rừng sẽ thu gần 31,2 triệu tín chỉ cacbon; hoạt động nông lâm kết hợp thu 124,2 triệu tín chỉ cacbon; phòng tránh phá rừng là 99,1 triệu tín chỉ; nâng cao hiệu quả quản lý rừng cũng góp phần thu về 164,5 triệu tín chỉ; bảo vệ rừng ngập mặn đóng góp 4,7 triệu tín chỉ và phục hồi rừng ngập mặn là 2,8 triệu tín chỉ cacbon.

Tín chỉ carbon là thị trường rất tiềm năng, đã tăng trưởng tới 164% trên toàn thế giới trong năm 2021 và dự kiến đạt 50-100 tỷ USD vào năm 2030. Theo hãng tin PTI, nhu cầu tín chỉ carbon toàn cầu hiện vào khoảng 58 tỷ tín chỉ mỗi năm. Các chuyên gia nhận định, Việt Nam có tiềm năng lớn về tín chỉ carbon.

Để bảo đảm thực hiện cam kết giảm phát thải khí nhà kính đến năm 2030 theo Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) và đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, việc xây dựng và thực hiện kế hoạch giảm phát thải khí nhà kính của các lĩnh vực; phát triển thị trường cacbon và các cơ chế quản lý tín chỉ cacbon là rất cấp thiết. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ban hành Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 2-5-2024 về tăng cường công tác quản lý tín chỉ cacbon nhằm thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC).

Hành động để bảo vệ các hệ sinh thái carbon xanh và cũng chính là hành động bảo vệ hành tinh này. Bên cạnh đó, đối với Việt Nam, đẩy mạnh kinh doanh tín chỉ carbon rừng là một yếu tố thúc đẩy có ý nghĩa đối với việc giảm nhẹ biến đổi khí hậu nói chung và quản lý rừng bền vững nói riêng.

Hồ Thanh Hương