Ngày 24-2-2011, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. Trong tình hình kinh tế thế giới đang diễn biến phức tạp, lạm phát tăng, giá dầu thô, giá nguyên vật liệu cơ bản đầu vào của sản xuất, giá lương thực, thực phẩm trên thị trường thế giới tiếp tục xu hướng tăng cao, trong nước, thiên tai, dịch bệnh, thời tiết tác động bất lợi đến sản xuất và đời sống; một số mặt hàng đầu vào quan trọng của sản xuất như điện, xăng dầu vẫn chưa thực hiện đầy đủ theo cơ chế giá thị trường buộc phải điều chỉnh tăng; mặt khác phải nới lỏng chính sách tiền tệ, tài khóa để ngăn chặn suy giảm, duy trì tăng trưởng kinh tế. Tình hình trên đã làm giá cả tăng cao, tăng nguy cơ mất ổn định kinh tế vĩ mô của nước ta. Vì vậy, tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội là mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách hiện nay. Đó cũng là sự cần thiết phải ban hành Nghị quyết 11 của Chính phủ với 6 giải pháp chủ yếu:

1. Thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng, phối hợp hài hòa giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa để kiềm chế lạm phát; điều hành và kiểm soát để bảo đảm tốc độ tăng trưởng tín dụng năm 2011 dưới 20%, tổng phương tiện thanh toán khoảng 15-16%; tập trung ưu tiên vốn tín dụng phục vụ phát triển sản xuất kinh doanh, nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa; giảm tốc độ và tỷ trọng vay vốn tín dụng của khu vực phi sản xuất, nhất là lĩnh vực bất động sản, chứng khoán…

**2. Thực hiện chính sách tài khóa thắt chặt, cắt giảm đầu tư công, giảm bội chi ngân sách nhà nước. **

Phấn đấu tăng thu ngân sách 7-8% so với dự toán ngân sách năm 2011 đã được Quốc hội thông qua; chủ động sắp xếp lại nhiệm vụ chi để tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên của 9 tháng còn lại trong dự toán 2011 (không bao gồm chi tiền lương và các khoản có tính chất lương, chi chế độ chính sách cho con người, tiết kiệm 10% chi thường xuyên để tạo nguồn cải cách tiền lương theo kế hoạch đầu năm). Tạm dừng trang bị mới xe ô tô, điều hòa nhiệt độ, thiết bị văn phòng; giảm tối đa chi phí điện, nước, điện thoại, văn phòng phẩm, xăng dầu… không bố trí kinh phí cho các việc chưa thật sự cấp bách; giảm tối đa chi phí hội nghị, hội thảo, tổng kết, sơ kết, đi công tác trong và ngoài nước… không bổ sung ngân sách ngoài dự toán, trừ các trường hợp thực hiện theo chính sách, chế độ, phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh; giảm bội chi ngân sách nhà nước năm 2011 xuống dưới 5% GDP; giảm tối thiểu 10% kế hoạch tín dụng đầu tư từ nguồn vốn tín dụng nhà nước.

3. Thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, khuyến khích xuất khẩu, kiềm chế nhập siêu, sử dụng tiết kiệm năng lượng.

Điều tiết cân đối cung-cầu đối với từng mặt hàng thiết yếu, bảo đảm kết hợp hợp lý gắn sản xuất trong nước với điều hành xuất, nhập khẩu; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh để đẩy mạnh sản xuất hàng hóa, cung ứng dịch vụ; chỉ đạo điều hành xuất khẩu gạo bảo đảm hiệu quả, ổn định giá lương thực trong nước, dự trữ quốc gia để đảm bảo an ninh lương thực; chủ động có biện pháp chống đầu cơ, nâng giá; phấn đấu bảo đảm nhập siêu không quá 16% tổng kim ngạch xuất khẩu. Sử dụng điện tiết kiệm, phân bổ hợp lý đáp ứng các nhu cầu thiết yếu của sản xuất và đời sống.

4. Điều chỉnh giá điện, xăng dầu gắn với hỗ trợ hộ nghèo.

Tiếp tục thực hiện lộ trình điều hành giá xăng dầu, điện theo cơ chế thị trường; Nhà nước có chính sách hỗ trợ hộ nghèo khi điều chỉnh giá điện, bảo đảm kịp thời, đúng đối tượng.

5. Tăng cường bảo đảm an sinh xã hội.

Thực hiện đồng bộ các chính sách an sinh xã hội theo các chương trình, dự án, kế hoạch đã được phê duyệt; đẩy mạnh thực hiện các giải pháp bảo đảm an sinh xã hội theo Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ; tập trung chỉ đạo hỗ trợ giảm nghèo tại các địa phương, nhất là tại các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn, hỗ trợ các hộ nghèo, địa phương nghèo xuất khẩu lao động; cho vay học sinh, sinh viên… Triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời đúng đối tượng các quy định hỗ trợ đối tượng chính sách, người có công, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn (già yếu, cô đơn, không nơi nương tựa…).

6. Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền.

Các cơ quan thông tin, truyền thông, báo chí bám sát các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nội dung của Nghị quyết 11 của Chính phủ, thông tin, tuyên truyền đầy đủ, kịp thời, nhất là các nội dung thuộc lĩnh vực tài chính, tiền tệ, giá cả, các chính sách an sinh xã hội, chính sách hỗ trợ hộ nghèo trực tiếp chịu tác động của việc điều chỉnh giá điện để nhân dân hiểu, đồng thuận. Xử lý nghiêm, kịp thời theo thẩm quyền các hành vi đưa tin sai sự thật, không đúng hướng của Đảng và Nhà nước về việc thực hiện chủ trương kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô đảm bảo an sinh xã hội.

Trên cơ sở nắm vững các giải pháp trong Nghị quyết 11 của Chính phủ, các cấp Hội CCB cần bám sát tình hình thực tế và nhiệm vụ công tác Hội, sự chỉ đạo của địa phương, đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền cho CCB và các doanh nghiệp do CCB làm chủ có nhận thức đúng, tạo sự đồng thuận; xây dựng được chương trình hành động của các cấp Hội về vay vốn phát triển sản xuất kinh doanh, dịch vụ, làm hàng xuất khẩu, giảm nghèo nhanh, thực hiện các chính sách an sinh xã hội, đào tạo nghề giải quyết việc làm cho CCB và con em CCB, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí… góp phần tích cực đưa Nghị quyết 11 vào cuộc sống, thực hiện được mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội.

Phạm Hữu Bồng