Tổng thống Ukraine - Volodymyr Zelenskiy và Tổng thư ký NATO - Jens Stoltenberg tại cuộc họp báo trong Hội nghị Thượng đỉnh NATO ở Vilnius (Litva) ngày 12-7.

Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở Vilnius (Litva) trong ngày 11 và 12-7-2023, chứng kiến những quyết định mạnh mẽ của khối này cũng như Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) trong việc ủng hộ Ukraine trong cuộc xung đột với Nga. Có thể thấy rõ, từ hội nghị này, liên minh hỗ trợ Ukraine chống Nga đã hình thành rõ rệt, với chiến lược dài hơi và điều này tạo ra một bước ngoặt nguy hiểm vì sẽ đẩy chiến sự ở Ukraine lên một mức cao hơn, dễ dẫn đến những hệ lụy xấu cho an ninh của châu Âu và thế giới.

Tổng thống Ukraine - Volodymyr Zelensky rời hội nghị với những cam kết mạnh mẽ từ các thành viên NATO và G7. Tuy bày tỏ bực tức vì không được sớm kết nạp vào NATO dù biết rằng NATO không thể kết nạp Ukraine trong khi chiến sự đang tiếp diễn vì điều đó sẽ kích hoạt Điều 5 của Hiến chương NATO - một cuộc tấn công vũ trang nhằm vào một nước thành viên sẽ được coi là một cuộc tấn công chống lại tất cả các thành viên của khối - nhưng điều mà Ukraine có được ở Vilnius rất quan trọng.

Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 12-7 đã công bố toàn văn Tuyên bố chung của lãnh đạo G7 về việc tiếp tục hỗ trợ cho Ukraine, tái khẳng định cam kết và mục tiêu chiến lược của G7 là tiếp tục ủng hộ Ukraine tự do, độc lập, dân chủ và có chủ quyền được quốc tế công nhận, G7 sẽ đảm bảo cho Ukraine có đủ khả năng tự vệ, ngăn chặn các hành vi xâm lược trong tương lai. Theo đó, G7 tiếp tục đoàn kết, sát cánh cùng Ukraine đến khi nào còn có thể với các cam kết cụ thể sau: Duy trì lực lượng lâu dài, có khả năng bảo vệ Ukraine trước các cuộc tấn công của Nga hiện nay cũng như trong tương lai. Các nước G7 sẽ tiếp tục hỗ trợ thiết bị quân sự hiện đại trên bộ, trên không và trên biển, trong đó ưu tiên lĩnh vực phòng không, pháo binh, hỏa lực tầm xa, xe bọc thép,... Hỗ trợ Ukraine phát triển các cơ sở công nghiệp quốc phòng; giúp huấn luyện và diễn tập cho các lực lượng của Ukraine, hợp tác, chia sẻ thông tin tình báo, ủng hộ các sáng kiến phòng thủ an ninh, khả năng phục hồi nền tảng mạng và giải quyết các mối đe dọa hỗn hợp; hỗ trợ Ukraine ổn định và phục hồi kinh tế thông qua các sự giúp đỡ tái thiết, tạo điều kiện tốt nhất để Ukraine phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh năng lượng; hỗ trợ tài chính, kỹ thuật cho Ukraine nhằm thúc đẩy các chương trình cải cách, quản trị ở trong nước. Tóm lại, có thể hiểu là G7 sẽ hỗ trợ Ukraine như một đồng minh thân cận trong cuộc xung đột với Nga.

Nói tới G7 và NATO trong cuộc xung đột Nga - Ukraine giờ đây là nói tới “NATO + Nhật Bản” bởi 6 nước trong G7, trừ Nhật Bản, là thành viên NATO trong khi Nhật Bản nỗ lực viện trợ cho Ukraine hết sức trong khả năng cũng như theo quy định của hiến pháp nước này. Từ góc nhìn khác, các nền kinh tế hùng mạnh nhất thế giới và các quốc gia có năng lực quân sự mạnh nhất thế giới đang đứng về phía Ukraine để chống Nga. Tại Vilnius, sự ủng hộ đối với Ukraine đã được nâng lên ở một mức độ cao hơn, dài hơi hơn trên tất cả các lĩnh vực từ viện trợ tài chính, vũ khí tới những lời cam kết và bước đi nhằm sớm kết nạp Ukraine vào NATO.

NATO đã kiên quyết không cung cấp hỗ trợ quân sự cho Ukraine với tư cách là một tổ chức, để tránh xung đột trực tiếp với Nga. Tuy nhiên, Anh, Pháp, Đức và Mỹ đã đàm phán với Kiev trong nhiều tuần về một văn bản đa phương nhằm tạo ra một khuôn khổ quốc tế rộng lớn, bao gồm các yếu tố trong đó có thiết bị quân sự tiên tiến, như máy bay chiến đấu, cũng như đào tạo, chia sẻ thông tin tình báo và phòng thủ mạng. Vào ngày cuối cùng của hội nghị thượng đỉnh NATO, liên minh đã ra mắt một diễn đàn mới để tăng cường quan hệ với Ukraine: Hội đồng NATO - Ukraine. Cơ chế này dự kiến hoạt động như một cơ quan thường trực, nơi 31 thành viên của liên minh và Ukraine có thể tổ chức các cuộc tham vấn và triệu tập các cuộc họp trong các tình huống khẩn cấp. Kết quả này là một phần trong nỗ lực của NATO nhằm đưa Ukraine đến gần liên minh quân sự nhất có thể mà không thực sự gia nhập. Tổng thư ký NATO - Jens Stoltenberg nói trong một cuộc họp báo với Zelensky: “Hôm nay chúng ta gặp nhau một cách bình đẳng. Tôi mong chờ ngày chúng ta gặp nhau với tư cách là đồng minh”.

Phản ứng trước động thái trên của G7 và NATO, người phát ngôn Điện Kremlin - Dmitry Peskov coi đó là sai lầm và “có khả năng rất nguy hiểm” khi phương Tây đảm bảo an ninh cho Ukraine, điều mà Nga nói sẽ xâm phạm an ninh của chính Nga. Đúng vậy, một trong những lý do khiến Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine là việc Ukraine muốn gia nhập NATO, giúp NATO mở rộng về phía Đông đến biên giới Nga. Giờ đây, xung đột với Ukraine lại đẩy Ukraine sát lại hơn nữa với NATO và thế trận chống Nga về mọi mặt càng trở nên gay gắt hơn. Khi vũ khí hiện đại hơn của NATO được dùng trên chiến trường Ukraine, Nga ắt cũng phải dùng tới những vũ khí uy lực hơn của mình, thậm chí có thể là vũ khí hạt nhân chiến thuật. Đó là hệ lụy xấu mà quyết định của NATO có thể gây ra trong khi các nỗ lực giải quyết xung đột bằng biện pháp hòa bình bị các bên phớt lờ.

Thanh Huyền