Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 sâu vào trong thềm lục địa của Việt Nam 80 hải lý, cách đảo Lý Sơn 119 hải lý, để tiến hành khoan thăm dò thềm lục địa của Việt Nam. Đồng thời đã sử dụng 80 tàu bảo vệ khu vực giàn khoan; trong đó có 3 tàu quân sự (một tàu hộ vệ tên lửa 534, 2 tàu tuần tiễu tấn công nhanh 752, 753), 39 tàu chấp pháp, 14 tàu vận tải, 6 tàu dịch vụ dầu khí… Ngoài ra, Trung Quốc còn điều hàng chục tốp máy bay hoạt động trên khu vực. Mặt khác, sự hung hăng và ngang ngược này còn thể hiện việc Trung Quốc đưa tàu quân sự vào giải quyết những vấn đề hành chính trên biển và ngăn cản trái phép các tàu thực thi pháp luật của Việt Nam. Đặc biệt, các tàu Trung Quốc đã chủ động đâm thẳng vào những tàu thực thi pháp luật của Việt Nam cũng như việc dùng vòi rồng có công suất lớn phun nước làm hư hỏng các trang thiết bị trên các tàu của Cảnh sát biển và gây thương tích cho kiểm ngư viên Việt Nam.
Rõ ràng việc Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương-981 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và những hành động hung hăng từ phía Trung Quốc trong mấy ngày qua là một vụ việc nghiêm trọng nhất trong những năm gần đây bất chấp luật pháp quốc tế, vi phạm ngang nhiên chủ quyền của Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 mà chính Trung Quốc là quốc gia thành viên. Hành động này đã đi ngược lại Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) giữa Trung Quốc và các quốc gia thành viên ASEAN, làm phức tạp tình hình và gây bất ổn định ở khu vực Biển Đông. Sự việc này của Trung Quốc không những gây phức tạp tình hình trên biển, mà còn vi phạm quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam tại vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam cũng như vi phạm nghiêm trọng pháp luật Việt Nam và luật pháp quốc tế.
Hành động đơn phương của Trung Quốc khi đưa giàn khoan vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam đã vấp phải sự chỉ trích rộng rãi của cộng đồng quốc tế. Dư luận đều cho rằng, hành động của Trung Quốc đi ngược với tinh thần của UNCLOS 1982 và những thỏa thuận mà Bắc Kinh đã ký với các nước Đông Nam Á, theo đó kêu gọi các quốc gia không đơn phương tiến hành hoạt động làm leo thang căng thẳng.
Chúng ta đã khẳng định rõ rằng chủ quyền đối với Việt Nam là hết sức thiêng liêng, do đó Việt Nam sẽ sử dụng tất cả các biện pháp hòa bình được quy định trong Hiến chương Liên hợp quốc, cũng như luật pháp quốc tế để bảo vệ các quyền, lợi ích của Việt Nam ở Biển Đông. Việt Nam khẳng định có đầy đủ các chứng cứ lịch sử để chứng minh chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa cũng như quyền chủ quyền, quyền tài phán đối với các vùng biển của mình theo Công ước Luật Biển của Liên hợp quốc năm 1982. Trong bất kỳ trường hợp nào, xét từ bất kỳ góc độ nào thì việc Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương-981, cũng như hàng chục tàu các loại xâm phạm vào vùng biển của Việt Nam đều là bất hợp pháp và trái các quy định của luật pháp quốc tế, Việt Nam sẽ cương quyết phản đối những hành động này.
Việt Nam đã hết sức kiềm chế, bày tỏ thiện chí, sử dụng mọi kênh đối thoại yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan, tàu quân sự ra khỏi vùng biển Việt Nam. Tuy nhiên, đến nay Trung quốc không những không đáp ứng mà còn vu khống, đổ lỗi cho Việt Nam và tiếp tục gia tăng các hoạt động vi phạm ngày càng nguy hiểm và nghiêm trọng hơn.
Các nước, cá nhân và tổ chức quốc tế tiếp tục lên tiếng phản đối hành động vi phạm nghiêm trọng của Trung Quốc và ủng hộ yêu cầu hợp pháp chính đáng của Việt Nam. Nhóm các Thượng nghị sĩ có ảnh hưởng lớn tại Quốc hội Mỹ đã thúc giục chính quyền của Tổng thống Ô-ba-ma làm rõ với phía Trung Quốc ở các cấp cao nhất, là mọi tuyên bố và tranh chấp lãnh thổ phải được giải quyết một cách hoà bình, thông qua con đường ngoại giao và phù hợp với luật pháp quốc tế. Các hành động đơn phương nhằm làm thay đổi nguyên trạng hay sử dụng vũ lực, hăm dọa và cưỡng ép là không thể chấp nhận được và sẽ dẫn đến bất ổn.
Mới đây nhất, tuyên bố của các Ngoại trưởng ASEAN về tình hình Biển Đông được đưa ra ngày 10-5 đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về các vụ việc diễn ra trên Biển Đông đã làm gia tăng tình hình căng thẳng ở khu vực.
Các Ngoại trưởng yêu cầu các bên liên quan, trên cơ sở tuân thủ các nguyên tắc đã được thừa nhận chung của luật pháp quốc tế và Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982, thực hiện kiềm chế và tránh có các hành động có thể làm phương hại đến hòa bình và ổn định ở khu vực; và giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực.
Thực tế chỉ ra rằng,Trung Quốc vi phạm cả Tuyên bố về ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC) lẫn Công ước LHQ về Luật biển (UNCLOS) và nếu Trung Quốc không chấm dứt những hành động này thì sẽ phải đối mặt với hậu quả lâu dài.
Thanh Lâm