Mùa hè nắng nóng, ngột ngạt là nguyên nhân khiến nhiều loại vi khuẩn cũng như các căn bệnh bùng phát, ảnh hưởng tới sức khỏe người cao tuổi (NCT) trong khi sức đề kháng của NCT ngày một giảm nên nguy cơ mắc bệnh càng cao. Dưới đây là một số căn bệnh mùa nóng thường gặp và cách phòng tránh:

Đột quỵ

Đột quỵ ở NCT xảy ra vào mùa hè chiếm một tỷ lệ đáng kể do thay đổi nhiệt độ, thay đổi chế độ sinh hoạt, ăn uống và nhất là ở những người có tiền sử bệnh tim mạch, tăng huyết áp, xơ vữa động mạch, rối loạn mỡ máu, đái tháo đường... Đột quỵ ở NCT thường xảy ra vào chiều tối hoặc nửa đêm về sáng lúc thân nhiệt có nhiều thay đổi. Nhiệt độ càng cao thì mức độ đột quỵ càng nặng.

Một số dấu hiệu đột quỵ vì nắng nóng bao gồm: mặt đỏ bừng, nhiệt độ cơ thể cao, nhức đầu, buồn nôn, mạch nhanh, chóng mặt và không tiết mồ hôi mặc dù thời tiết vô cùng nắng nóng.

Do đó, NCT nên hạn chế đi lại hay làm việc trong những ngày nắng nóng, giờ cao điểm từ 10-4 giờ chiều, cần đội nón mũ rộng vành khi đi ngoài nắng, dùng máy điều hòa nhiệt độ thì nên để khoảng 26-28 độ C.

Bệnh tim mạch

Mùa hè nóng nực, NCT bị ra mồ hôi nhiều nên rất dễ bị mất nước và chất điện giải. Trong khi đó, NCT lại hay mất cảm giác khát nên không chủ động uống đủ nước cần thiết.

Mất nước và chất điện giải liên tục trong nhiều giờ, nhiều ngày sẽ ảnh hưởng lớn đến hệ tim mạch như: tim đập nhanh hơn, huyết áp có thể bị tụt. Khi cơ thể bị mất nước và chất điện giải thì khả năng tự điều chỉnh rất khó khăn. Do đó, nếu cơ thể mất nước nhẹ thì sẽ luôn trong tình trạng mệt mỏi, bủn rủn tay chân, chóng quên và hay cáu gắt; nếu mất nước nặng hơn có thể truỵ tim mạch.

NCT cần thiết phải uống nhiều nước, ăn nhiều rau và canh để cơ thể luôn có đủ nước và các chất điện giải; tránh lạnh đột ngột.

Rối loạn tiêu hóa

Mùa nắng nóng, NCT cũng rất dễ bị rối loạn tiêu hóa do thức ăn, nước uống không đảm bảo vệ sinh do ăn rau sống, uống nước đá nhiễm khuẩn, ăn tiết canh hoặc thực phẩm bị ô nhiễm vi sinh vật, hóa chất… dẫn đến ngộ độc thực phẩm, tiêu chảy gây mất nước và chất điện giải. Một số NCT do chế độ ăn uống chưa hợp lý trong mùa hè nên thường không tiêu, đầy hơi, chướng bụng, táo bón. Các bệnh này thường làm cho NCT khó chịu, gây lo lắng, ăn không ngon, ngủ không ngon giấc hoặc kém ngủ, mất ngủ kéo dài.

NCT nên sử dụng những thực phẩm tươi sống, ăn chín uống sôi và chế độ ăn uống lành mạnh, khoa học để ngăn ngừa các bệnh tiêu hóa.

Bệnh đường hô hấp

Mùa hè nhưng NCT có thể bị cảm lạnh do chế độ sinh hoạt hằng ngày không hợp lý (đang đi ngoài nắng về lại tắm ngay hoặc vào phòng điều hòa nhiệt độ thấp). Nếu nhẹ có thể gây viêm đường hô hấp trên như viêm họng, viêm mũi, nếu nặng có thể viêm phế quản, viêm phổi.

Đối với NCT bị bệnh viêm phế quản mạn tính, giãn phế quản hoặc hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, khi nóng, lạnh đột ngột cũng sẽ tái xuất hiện, nhất là hen ác tính rất nguy hiểm đến tính mạng.

Vì thế, khi đi ngoài nắng nóng về nên để thân nhiệt giảm dần, nghỉ ngơi từ 15-30 phút mới tắm hoặc vào phòng điều hòa.

Bệnh về da

Vào mùa nắng nóng, một số bệnh về da cũng thường gặp ở NCT như viêm da dị ứng gây ngứa. Ngứa có khi không chỉ ở một vùng của da và lan tỏa nhiều nơi, thậm chí có trường hợp viêm da dị ứng nhiễm trùng gây mưng mủ, lở loét.

Ngoài ra, mùa hè nóng nực nếu ngủ không nằm màn thì NCT rất có nguy cơ mắc các bệnh do muỗi truyền như sốt xuất huyết hoặc sốt rét (vùng đang có dịch sốt rét lưu hành); bệnh tả, thương hàn.

Thành An