(Báo tháng 8) -Bệnh rối loạn tiền đình gây nên trạng thái mất thăng bằng khi thay đổi tư thế làm cho người bị bệnh chóng mặt, đầu óc quay cuồng, mắt hoa, ù tai, buồn nôn, đi đứng không vững, dễ bị ngã.

Nguyên nhân

Một số nguyên nhân thường gặp dẫn đến bệnh là: do virus gây viêm thần kinh sọ não số 8, thoái hóa một trong các cơ quan của hệ tiền đình, viêm tai giữa, chấn thương mê lộ, nghẽn tắc động mạch tiền đình, co thắt động mạch cột sống,… ngoài ra, việc thường xuyên sống trong môi trường quá ồn, thời tiết khó chịu khi chuyển mùa, ăn phải thức ăn bị nhiễm độc... hay nhân viên công sở thường ít vận động, ngồi nhiều trong văn phòng lâu ngày làm co thắt động mạch cột sống thân nền, dẫn đến tình trạng thiếu máu nuôi vùng não bộ cũng gây ra bệnh rối loạn tiền đình.

Bệnh rối loạn tiền đình mặc dù chưa gây nguy hiểm đến tính mạng. Nhưng, bệnh có thể xuất hiện vài ngày rồi hồi phục dần nhưng cũng có thể kéo dài và để lại những di chứng như: mất thăng bằng, lao đao, mắt mờ nhòe, chân tay tê bì, run rẩy, suy yếu mệt mỏi một thời gian, gây ảnh hưởng rất nhiều tới sức khỏe người bị bệnh. Với người già, rối loạn tiền đình còn phức tạp hơn và có liên quan đến một số bệnh mạn tính (tăng huyết áp hoặc huyết áp thấp hoặc xơ vữa động mạch) làm ảnh hưởng đến động mạch thân nền làm cho máu đi lên não kém dẫn đến bệnh rối loạn tiền đình.

Triệu chứng

Hầu hết bị rối loạn tiền đình luôn có triệu chứng chính là chóng mặt, hoa mắt, không làm chủ được tư thế, choáng váng, đứng lên, ngồi xuống khó khăn, nhất là khi xoay người thay đổi tư thế (nghiêng sang trái, sang phải) hoặc bước đi rất khó khăn vì loạng choạng rất dễ ngã. Bên cạnh đó có triệu chứng buồn nôn hoặc nôn thực sự. Có thể có đau đầu (đau nhiều hay ít tùy theo mức độ của bệnh), tê chân và không tập trung, chóng quên. Nhịp tim, nhịp thở nhanh, hồi hộp, đánh trống ngực, nếu do tăng huyết áp, chỉ số huyết áp sẽ cao hơn, nếu do huyết áp thấp, chỉ số huyết áp sẽ thấp hơn. Một số trường hợp nặng có đau đầu nhiều, tay chân tê, run rẩy…

Cách phòng bệnh

Bệnh rối loạn tiền đình cần được điều trị đúng, dứt điểm đề phòng tái phát và gây biến chứng, không nên tự chẩn đoán bệnh và tự mua thuốc để điều trị mà cần có chỉ định và tư vấn của bác sĩ.

Ngoài việc dùng thuốc, cần tập luyện thường xuyên, nhẹ nhàng đối với đốt sống cổ nhằm làm cho khí huyết lưu thông, không thiếu máu đi lên não. Trong trường hợp người cao tuổi bị chóng mặt kèm theo nhức đầu đột ngột, sốt cao, mờ mắt, không nhìn rõ sự vật hoặc nhìn đôi (thấy 1 thành 2), mất thị lực, giảm thính giác, nên đi bệnh viện khám ngay. Cần tích cực điều trị các bệnh mạn tính (tăng huyết áp, huyết áp thấp, thoái hóa cột sống cổ, tăng mỡ máu…).

Việc ăn, uống cần kiêng khem đúng mức, không kiêng khem thái quá gây suy dinh dưỡng. Người cao tuổi không nên lạm dụng rượu, bia và cần uống đủ lượng nước hằng ngày; nên giữ ấm vào mùa đông và thoáng mát vào mùa hè; cần vận động cơ thể một cách thường xuyên, tốt nhất là đi bộ mỗi ngày khoảng 60 phút chia làm 2-3 lần; tránh ngồi quá lâu một vị trí (trước máy tính, tivi, đọc sách, báo…); ngoảnh cổ, đứng ngồi quá nhanh; leo trèo cao và đọc sách báo khi ngồi trên xe hơi.

Thành An