Giải chạy “Gia đình chạy vì tương lai” tổ chức nhân ngày Gia đình Việt Nam

GS, TS Lê Thị Quý (Viện nghiên cứu Giới và Phát triển) cho biết, trong một cuộc khảo sát của Viện, có 38% thanh niên tại 6 tỉnh của cả ba miền Bắc - Trung - Nam cho rằng, nên sống vì cá nhân mình vì người ta chỉ được sống có một lần. Nếu có thể làm điều gì đó có lợi cho mình dù nó không thật phù hợp với quan niệm văn hóa và lợi ích gia đình, cộng đồng thì cũng là chuyện bình thường.

Suy nghĩ của 38% thanh niên nói trên thật nguy hiểm. Nhưng con số 38% rất có ích, nó giúp những người có trách nhiệm, có lương tri định lượng một thực tế về lối sống thực dụng, ích kỷ trong lớp người trẻ hiện nay. Sự phát triển của mạng xã hội và báo chí “lá cải” thời gian qua đã phơi bày khá nhiều điểm nhức nhối liên quan đến văn hóa gia đình người Việt.

Đó là những cuộc hôn nhân sặc mùi tiền, như mối tình của cô người mẫu 27 tuổi với vị tỷ phú 72 tuổi hay cuộc hôn nhân giữa vị đại gia 74 tuổi với cô gái làm thuê 19 tuổi hoặc mối tình của nữ tỷ phú Việt kiều ngoài 60 với anh chàng siêu mẫu ngoài 20. Xưng hô có tôn ti trật tự, lớp lang từ con - cháu - chút - chít; bố -ông - cụ - cố... vốn là nét đặc trưng văn hóa người Việt giờ đây chỉ còn là dĩ vãng.

Từ công sở đến đường phố, lối xưng hô “anh - em” như kiểu “I - You” trong tiếng Anh đã trở nên phổ biến. Chuyện một cô gái tuổi 20 gọi một người đàn ông tuổi 60 là “anh” xưng “em” hiện đã là “chuyện thường ngày ở huyện”... Đáng lo hơn nữa là tình trạng con cháu hỗn láo với ông bà, bố mẹ; thậm chí sẵn sàng “xuống tay” tàn nhẫn với người thân trong gia đình chỉ vì tranh chấp tài sản không còn là chuyện hiếm.

Từ xưa, ông cha ta đã rất quan tâm đến việc xây dựng văn hóa gia đình người Việt vững mạnh, với quan niệm “nhà - làng - nước” là ba tâm điểm hợp thành sức mạnh quốc gia, dân tộc. Vua Trần Nhân Tông đã nêu ra 10 điều thiện (Thập thiện) để răn dạy mọi người theo giáo lý nhà Phật: “Không sát sinh; không trộm cắp; không tà dâm; không nói dối; không nói lời ly gián; không nói lời ác; không nói lời tạp uế; không tham lam; không giận dữ; không tà kiến”. Những lời dạy này đã được gia đình hóa trở thành những bài học luân lý cực kỳ thiết thực và bổ ích cho nền nếp gia đình. Nho giáo khi nhập vào Việt Nam đã biết nắm lấy hạt nhân của xã hội là gia đình để thâm nhập. Vấn đề gia phong trong gia đình người Việt khi bắt gặp Nho giáo đã được nâng lên tầm cao mới về chất và có vai trò chủ lực cho việc thực hiện chức năng giáo dục của mọi gia đình trải qua nhiều thế kỷ. Từ nguyên lý của cái lý và cái tình tạo gốc trong Nho giáo, các mệnh đề tu thân và tề gia của Nho giáo đã được thể hiện vào thực tiễn đời sống gia đình một cách cụ thể và có tác động trực diện đến mọi hành vi đạo đức của các thành  viên.

Đến triều Nguyễn, thời kỳ phong kiến suy tàn nhưng theo Nhất Thanh trong sách “Đất lề quê thói” (NXB Phương Đông, 2005) thì đích thân vua Minh Mạng đã ra lệ rằng: “Gia đình nào được 5 đời ở cùng một nhà thì vua thưởng bạc 20 lạng, vải 20 tấm, đoạn một tấm. Trích ở số bạc nói trên ra 10 lạng để quan sở tại dựng một cái phường (nhà vuông nhỏ) chế một cái biển khắc bốn chữ “Dịch diệp diễn tường” (mấy đời liên tiếp hưởng sự tốt lành) treo ngang cao để nêu rõ sự khen thưởng”. Quy định và hình thức tôn vinh gia đình “ngũ đại đồng đường” này của Minh Mạng là những hình thức tôn vinh gia đình có gia phong, nâng cao ý nghĩa và giá trị của văn hóa gia đình.

Ngày nay, xây dựng văn hóa gia đình được Đảng, Nhà nước ta xác định là vấn đề lớn, hết sức hệ trọng của dân tộc và thời đại. Điều này được khẳng định tại Thông báo số 26-TB/TW ngày 9-5-2011 của Ban Bí thư T.Ư. Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9-6-2014 của Hội nghị T.Ư 4, Khóa XI về xây dựng, phát triển văn hóa con người Việt Nam nhấn mạnh: “Xây dựng đồng bộ môi trường văn hóa, trong đó chú trọng vai trò của gia đình”. Tuy nhiên, nếu soi chiếu vào khung giá trị chuẩn mực của truyền thống văn hóa gia đình Việt Nam: “Cha mẹ nhân từ và là những tấm gương sáng cho con cái, con cái hiếu thảo sống có văn hóa, anh em như thể chân tay, chia sẻ giúp đỡ nhau trong cuộc sống, vợ chồng bình đẳng, hòa thuận, chung thủy...” thì mới thấy, vấn đề văn hóa gia đình hiện nay đáng báo động ra sao!

Theo TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến (Học viện Quản lý Giáo dục): Gia đình Việt Nam hiện nay chưa thực sự “là môi trường quan trọng hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp, chống lại các tệ nạn xã hội, tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” như mong muốn trong Chỉ thị 49-CT/TW của Bộ Chính trị ngày 21-2-2005. Trong khi đó, theo báo cáo của Bộ VHTTDL, tỷ lệ hộ gia đình đạt chuẩn Gia đình văn hóa vẫn không ngừng tăng lên. Năm 2015, cả nước có gần 19 triệu hộ, đạt hơn 85%. Năm 2017, tỷ lệ là hơn 86%...

Có rất nhiều việc phải làm để vực dậy văn hóa gia đình Việt Nam. Nhưng việc đầu tiên phải làm là phải nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật. Chỉ có như thế, chúng ta mới có thể chặn đà xuống dốc của văn hóa gia đình Việt Nam.

Nguyễn Hồng