(Tưởng nhớ, tri ân Hồ Sỹ Bình và các đồng đội đã hy sinh)

Đợt nhập ngũ ngày 5-8-1976, xã Quỳnh Đôi (Quỳnh Lưu, Nghệ An) chúng tôi có 49 anh chị em. Đây là đợt tuyển quân đầu tiên sau giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Hồi đó, lễ giao, nhận quân được tổ chức trang trọng tại khu vực Nghĩa trang liệt sĩ của huyện ở xã Quỳnh Xuân. Trong lời phát biểu động viên, giao nhiệm vụ cho thanh niên huyện nhà, của Bí thư Huyện ủy Nguyễn Hữu Đợi hôm đó, vẫn mang âm hưởng và không khí hào hùng của Đại thắng mùa xuân năm 1975. Đến nay tôi còn nhớ mấy ý: “Đúng là thần tốc, thần tốc các đồng chị ạ. Quân ta tiến công như vũ bão, bà con nổi dậy như sóng cồn. Một ngày bằng 20 năm; một ngày giải phóng năm, mười tỉnh… Các đồng chí lên đường lần này cũng phải mang tinh thần, hào khí đó của Dân tộc, của Quân đội và như đã hứa với các anh hùng liệt sĩ của quê nhà đầu giờ sáng nay, các đồng chí sẽ luôn phát huy truyền thống quê hương Quỳnh Lưu đất mẹ Anh hùng”.

Ngay sau buổi lễ, chúng tôi hành quân bộ về vị trí đóng quân cách hơn 100km. Trong số anh em Quỳnh Đôi chỉ có tôi và Hồ Sỹ Bình được ở cùng một tiểu đội. Về tình cách, hai đứa cũng trái ngược nhau, đứa sôi nổi, hoạt ngôn; đứa trầm tĩnh, kiệm lời. Vậy mà khi vào quân ngũ, tình đồng đội, tình quê hương đã gắn kết chúng tôi thành đôi bạn tâm giao thân thiết; gian khó có nhau, ngọt bùi chia sẻ, cùng chung những kỷ niệm không thể nào phai; trong đó có kỷ niệm một lần tôi bị ốm.

Dịp đó là đầu tháng 12-1977, đơn vị chúng tôi vừa hành quân từ Nghệ An vào vùng Bảy Núi tỉnh An Giang. Thời điểm đó ở vùng đất Tây Nam Bộ, nắng vẫn chói chang, cộng với những cơn gió khô khốc thổi ràn rạt trên mái tôn. Tôi chưa kịp thích nghi với thời tiết ở vùng đất mới nên bị sốt. Ngày thứ ba, cơn sốt tạm lui nhưng miệng đắng ngắt, môi phồng rộp. Buổi trưa hôm đó từ bãi tập trở về, Bình đã xin phép Trung đội trưởng Hà Văn Yển đi mua trái cây cho tôi. Khi về anh kể: Tối hôm trước vào trong ấp, bà con cho biết ở bên kia sườn đồi có một gia đình trồng quýt và thế là anh quyết định dành cả buổi trưa để lùng mua bằng được cho tôi. Sợ không kịp thời gian huấn luyện buổi chiều, anh đã phải vừa đi vừa chạy nên khi về đến nhà… Cầm quả quýt trên tay, tôi cứ nhìn Bình không chớp và thấy cay cay nơi sống mũi.

Tháng 3-1978, khi đơn vị bước vào làm nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam, với tính cách nhanh nhẹn, gan góc, Hồ Sỹ Bình được cấp trên diều động về Đại hội 20 trinh sát của trung đoàn. Những ngày đầu xa Bình, tôi thấy trống vắng và hẫng hụt vô cùng. Cũng may, dịp đó Trung đoàn tổ chức huấn luyện bổ sung trong gần một tháng, nên thi thoảng chúng tôi còn có dịp gặp nhau, dù chỉ ít phút, nhưng đó thật sự là những phút giây ấm áp tình đồng đội, tình anh em gắn bó. Nhưng không lâu sau đó, trong một lần đi trinh sát, tổ của Bình bị địch phục kích và… bạn tôi đã hy sinh.

Chiến tranh thật tàn khốc. Với tôi, khi nỗi đau mất Sỹ Bình chưa kịp nguôi ngoai thì lại phải chứng kiến sự hy sinh của người đồng đội, người bạn có chung nhiều kỷ niệm tuổi thơ cắp sách tới trường là Hồ Sỹ Luật. Vào buổi chiều ngày 20-5-1978, quân Pôn pốt tập kích hỏa lực vào khu vực chỉ huy Đại đội 5. Đại đội trưởng Nguyễn Tiến bị thương nặng, Đại đội phó Nguyễn Văn Phú và 2 chiến sĩ  hy sinh. Hôm đó khi pháo vừa dứt, tôi và mấy anh em của Trung đội 1 gần đó chạy sang. Ở căn hầm của bộ phận thông tin, tôi thấy Hồ Sỹ Luật nằm ngay mép hầm, cổ chân phải gần như đứt lìa; tôi vội garo cầm máu cho bạn. Luật thều thào:

  - Tớ… bị cụt chân…!

   Tôi động viên:

 - Mình garo rồi, cứ yên tâm.

  Lúc đó tôi mới kịp nhìn vào gương mặt của Luật và có cảm giác đôi mắt của bạn lõm sâu hơn bình thường. Cùng lúc, tôi phát hiện Luật còn có một vết thương tuy nhỏ nhưng ở trên ngực trái sâu hút…

  - Trời ơi! - Tôi thảng thốt định kêu lên nhưng kịp kìm lại trong cổ họng!

   Sau khi băng bó xong, tôi cùng một đồng đội bế Luật lên võng để anh em vận tải cáng anh về tuyến sau.

- Đồng hương đi nhé! - Tôi chào Luật mà tiếng nghe như không phải giọng của mình…

Sau đó không lâu, ngày 28-5-1978, trong một trận đánh ác liệt ở ngã ba Công Sự trên đường Trần Lệ Xuân, khu vực biên giới thuộc huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh, đến lượt tôi bị thương khá nặng và được đưa về Bệnh viện Quân y 115 tại T.P Hồ Chí Minh điều trị suốt gần 7 tháng. Quãng thời gian đó, tôi nhận thêm nhiều hung tin do anh em bị thương từ mặt trận mang về: Phi Hoàng cùng Chính trị viên đại đội bị vướng mìn của bọn Pôn pốt trên đường đi họp ở tiểu đoàn; Quang Lộc dính pháo kẻ thù ngay ở cửa hầm…; rồi Xuân Lộc ngã xuống vì một viên đạn bắn thẳng của quân diệt chủng ngay gần hang ổ của chúng. Và, khi đơn vị chuẩn bị chuyển quân về nước để hành quân ra biên giới phía Bắc, Văn Trát lại bị quân Pôn pốt tập kích đánh lén từ phía sau… Chưa dừng lại ở con số đó, tháng 7-1985, Đại đội trưởng Nguyễn Bá Nam lại ngã xuống ở Vị Xuyên vì pháo bầy của địch…

Vậy là! Đợt nhập ngũ năm đó, 7 chàng trai ưu tú của làng Quỳnh (Quỳnh Đôi) đều ở tuổi hai mươi cùng biết bao đồng đội đã ngã xuống nơi chiến trường biên giới và nước bạn Campuchia. Mới đó mà đã 46 năm các anh hy sinh vì Tổ quốc, vì hòa bình và hạnh phúc của nhân dân. Nhân dịp Kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27.7.1947 - 27.7.2024), bồi hồi ghi lại những kỷ niệm về các anh, về những người đồng đội mà lòng cứ rưng rưng. Nén tâm nhang xin gửi tới các anh, những chàng trai mãi mãi tuổi hai mươi và chia sẻ cùng những người thân, gia đình, bè bạn…

Hồ Bá Vinh