Bà thường được người dân gọi với cái tên thân thuộc: Bà Lịch “A lô”, còn anh em công an, tự quản trong phường tặng cho bà danh hiệu “Người đương thời”
Năm 1982, bà Nguyễn Thị Lịch về hưu từ Viện Kiểm sát nhân dân tối cao. Vừa chân ướt chân ráo về, chưa kịp nghỉ ngơi, khu phố 8, khu tập thể Tô Hiệu, phường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, Hà Nội tín nhiệm bầu ngay bà làm tổ trưởng tổ bảo vệ khu phố. Từ đó bà coi công việc xã hội như một niềm vui, niềm hạnh phúc riêng của mình. Bà tâm sự: “Tôi làm việc vì tập thể và chỉ mong khu phố được yên bình”. Hàng ngày, từ sáng tới tối, bà đôn đốc việc tuần tra kiểm soát của tổ bảo vệ trong địa bàn. Bà có sáng kiến, phô tô bản “3 nhớ” (đoàn kết gia đình; bảo vệ tài sản; tố giác tội phạm) lên các góc tường trong khu phố để mọi người biết, đọc và thực hiện.
Những ngày đầu, nhiều người cho rằng bà Lịch “rách chuyện” vẽ vời... nhưng bà không nản, vẫn tiếp tục hăng say với công việc của mình. Sự tận tâm và nhiệt tình của bà đã thuyết phục được nhiều người. Từ ngạc nhiên đến thán phục, dần dần họ cũng quen nếp làm theo.
Hơn 25 năm qua, bất kể trời nắng gắt hay mưa dầm, tiếng loa của bà tổ trưởng tổ bảo vệ vẫn sang sảng vang lên đều đặn trong khu phố nhắc nhở mọi người từ việc giữ vệ sinh chung, phòng trộm cắp cháy nổ, đến kêu các cháu tập thể dục, đôn đốc thanh thiếu niên trong việc học hành. Cứ tối tối khi tiếng loa vang lên là lúc các cháu tự giác ngồi vào bàn học. Nếp sinh hoạt này thành quen để các gia đình lấy đó làm chuẩn giờ cho con trẻ.
Từ ngày bà Lịch làm tổ trưởng tổ bảo vệ, tình hình an ninh trật tự được cải thiện rõ rệt, nếp sống văn minh hơn hẳn. Hầu như không có vụ việc lớn xảy ra.
Với những thành tích trong công tác khu phố, năm 2006 bà vinh dự được nhận kỷ niệm chương “Bảo vệ an ninh Tổ quốc” của Bộ Công an, bằng khen của Hội Phụ nữ thành phố.
Giờ đây, hôm nào vắng tiếng loa của bà “A lô” thì ai cũng cảm thấy thiêu thiếu một điều gì đó. Tiếng loa của bào đã trở nên thân thuộc với hơn 2.000 người trong khu tập thể Tô Hiệu.
Ánh Tuyết