Từ ngày 26-2-1967 đến giữa năm 1968, Mỹ thả xuống các dòng sông, cửa sông, các cảng sông, cảng biển, bến phà toàn miền Bắc tới 75.000 quả thuỷ lôi và bom từ trường. Quân uỷ Trung ương đã triệu tập một số sĩ quan chuyên ngành thủy lôi và chống thủy lôi được học ở nước ngoài về nhằm chống lại hải quân Mỹ phong tỏa biển. Hoàng Đăng Sơn được triệu tập trong dịp này. Từ đó, Sơn cùng các đơn vị hải quân ta đã phá nổ được 6.600 quả. Hàng hóa của ta vẫn vào được các cảng và chi viện được cho chiến trường. Không ngăn chặn được ta, sau Tết Mậu Thân, Mỹ buộc phải chấm dứt chiến tranh phá hoại miền Bắc. Thua đau, nhưng Mỹ vẫn cay cú, từ ngày 16-4-1972 đến ngày 13-1-1973, Mỹ lại mở chiến dịch phong tỏa đợt 2, lại thả 17.000 quả thủy lôi và bom từ trường, tiếp tục ngăn chặn ta. Lúc này Chính phủ thành lập Ban phòng chống phong tỏa. Theo yêu cầu của Bộ Giao thông vận tải, Hải quân đã cử thượng uý Hoàng Đăng Sơn, Chủ nhiệm Ban kỹ thuật, sang giúp Bộ trong công tác nghiên cứu, chế tạo khí tài, tổ chức huấn luyện, chỉ đạo rà phá bom mìn, thủy lôi của địch trên bộ, dưới sông biển, nhằm bảo đảm giao thông vận tải thời chiến.

Loan nhớ lại thời gian này chị luôn bị “thót tim” vì tin chồng trên mặt trận chống phong tỏa. Lúc thì tin anh đang ngồi trên các ca-nô chạy trên sông, trên biển kích nổ thuỷ lôi, cách đánh này nhiều cảm tử quân hi sinh. Có người về kể chuyện Sơn gan lì lắm. Anh chủ trương cách phá thủy lôi và bom từ trường, bằng cách vô hiệu hóa nó, vì khi quả thủy lôi, quả bom từ trường đang nằm dưới chân cầu, nằm ngay bến cảng, làm cho nó nổ thì dễ dàng, bớt hi sinh, nhưng lại hỏng mất cầu phà. Thế là anh cùng đồng đội tìm vớt một quả thủy lôi chưa nổ, đem về đưa “nó” xuống hầm, cách li ra xa mọi người. Một mình anh mày mò tìm hiểu, suốt ngày ngồi với quả thủy lôi tháo rời các bộ phận và đưa được ngòi nổ ra. Từ đó với cách làm của Sơn, đã vô hiệu hóa bom, mìn thuỷ lôi, giữ được cầu phà, đường sá của ta.

Hàng trăm lần Sơn và đồng đội thoát chết trong gang tấc. Nhiều lần phá xong thuỷ lôi, bom từ trường, Sơn phải ngồi cạnh lái xe, lái ca nô, tàu hỏa, tàu thuỷ dẫn đường để những người lái yên tâm vượt qua thuỷ lôi bom mìn của Mỹ. Loan nghĩ, đã làm vợ của lính trong chiến tranh thì phải gánh chịu mọi gian nguy của chồng. Nhưng rồi có một lần Loan nhớ suốt đời. Lần đó Mỹ ném bom, bắn tên lửa trúng tàu phá ngư lôi của Sơn đang hoạt động ngoài khơi trên vùng biển miền Trung. Tàu chìm, Sơn và 8 người thoát ra khỏi tàu, lấy dây cột vào người thành một chùm, cố bơi tìm vào bờ. Suốt 20 ngày lênh đênh trên biển, thức ăn “đặc biệt” trên các phao gần hết, lại phải chống chọi với cá mập. Cá tha mất một người, còn lại 8 người. Đến đêm thứ 20, mọi người đã hết hi vọng sống thì Sơn phát hiện một ánh đèn biển từ một nơi xa xăm nào đó. Sơn động viên mọi người, cố lấy sức tàn mà bơi vào. Gần sáng thì mới biết ngọn hải đăng ở Lạch Trào, Thanh Hóa đã dẫn mọi người từ cõi chết trở về.

Ở nhà, Loan bỏ ăn uống, hết ngày ngồi bên máy điện thoại chờ tin từ Bộ tư lệnh Hải quân. Lo cho chồng, thương chồng, chị gầy quắt lại như một đứa trẻ. Đến ngày thứ 23 thì có xe hải quân đến đón chị vào bệnh viện quân đội, thấy Sơn nằm đó, chân tay tê cóng, cứng đờ, nhưng vẫn thì thào nói với vợ: “Nhờ cây đèn biển, các anh đã sống sót trở về”…

Năm 1977, Sơn và Loan sinh được con trai đầu lòng, đặt tên con là Hoàng Hải Đăng. Sống hạnh phúc cạnh nhau chưa tròn hai năm thì anh lại xuống tàu, vượt biển đến cảng Xi-ha-núc-vin giúp nhân dân Cam-pu-chia đánh giặc Pôn-pốt. Tiễn anh ra trận, chị gạt nước mắt nói: “Không biết cuộc chiến đấu lần này, anh có còn để trở về với em và con không?”. Sơn ôm con vào lòng, hôn vợ và nói: “Cảng Xi-ha-núc cũng có cây đèn biển. Và nhà ta bây giờ có bé Hải Đăng, như vậy là thêm một cây đèn biển nữa. Vậy thì:

Mắt em và con là ánh hải đăng

Rõi nhìn ra biển dẫn anh tìm về

Bây giờ, Đại tá Hoàng Đăng Sơn, người có công trong việc rà phá bom mìn của Mỹ, đã được Đảng và Nhà nước tặng giải thưởng Hồ Chí Minh.

TRẦN CÔNG TẤN