Đây là một mô hình mới, sáng tạo vì mục tiêu, chương trình xóa đói giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội của Đảng, Nhà nước, đồng thời cũng là một mô hình “dân vận khéo” được dư luận đánh giá cao.
Bài 1: Trao cần câu, chỉ chỗ và hướng dẫn cách câu
Cứ mỗi lần ngồi với Đại tá Hồ Luyện, Chủ tịch Hội CCB TP Hải Phòng là một lần nghe ông nói về cái nghèo, cái khổ của hội viên, nào là thiếu ăn, thiếu mặc, không có thuốc chữa bệnh và thiếu cả những mái nhà tươm tất để che mưa, che nắng. Một lần, tôi đã nhòm lên mái tóc mỗi ngày thêm bạc trắng của người lính già mà nói: Thì mỗi năm Hội cũng đã xóa nghèo cho hàng chục gia đình CCB đấy thôi. Bỗng mắt ông lóe lên, liếc sang tôi rồi lắc đầu chán nản: Chưa được. Thế là mất nhiệt huyết, phải hàng chục năm mới xóa xong nghèo, nhiều đồng chí đến khi qua đời vẫn chưa được hưởng một ngày không phải “ăn bữa nay lo bữa mai”. Anh biết không, TP Hải Phòng có gần 1,9 triệu người thì có 8,48% là hộ nghèo. Trong đó Hội CCB còn trên 1.300 hộ. Mà CCB là ai? Là những người có công với nước. Những người không chết trận trở về, nhưng trên mình còn thương tích chiến tranh, còn di chứng của chất độc hóa học hoặc sức khỏe đã giảm sút. Mỗi người một số phận, một hoàn cảnh, nhiều người “lực bất tòng tâm”, cứ ngóng chờ “nước nổi thì bèo nổi”. Tôi chợt nhớ ở Quận hội Đồ Sơn có 2.007 gia đình hội viên thì tới 136 hộ nghèo và cận nghèo, do tuổi đời các đồng đội đã cao, lại đông con và không được hưởng một chế độ đãi ngộ nào của Nhà nước. Hoặc như hội viên Vũ Đức Khuynh, xã Quang Trung (An Lão), năm nay 81 tuổi đời, 63 tuổi Đảng, là chiến sĩ Điện Biên, nuôi 11 người con khôn lớn trưởng thành, người ở riêng, người làm ăn xa, có cô con gái còn gửi cả 2 cháu cho ông bà nuôi. Gia đình thành 4 khẩu mà chỉ có 2 sào ruộng, quanh năm “giật gấu vá vai”, không dám nghĩ có “bát ăn bát để”…
Có thể nói hôm 5-4-2007 là một ngày đẹp trời, hoa phượng cháy đỏ trên phố phường và xóm ngõ quê hương. Đại diện lãnh đạo hai cơ quan Bộ CHQS và Hội CCB TP đã ngồi lại với nhau. Hai thế hệ người đi trước và người đi sau nhưng đều là tình đồng chí, đồng đội, như chân với tay. Người trẻ thấu hiểu được nỗi lòng của người cao tuổi mà xin cùng chung một Đề án 873/ ĐA-LT. Thoạt nghe tưởng như một thứ công văn khô khan, nhưng lại thấm đẫm tình người, tình giai cấp, vừa hợp đạo lý dân tộc dân tộc, vừa đúng với chủ trương của Đảng và Nhà nước: Xóa nghèo cho hội viên CCB. Nguồn vốn huy động từ sự tiết kiệm chi tiêu của các đơn vị và đóng góp của cán bộ chiến sĩ trong LLVTND thành phố; mỗi hội viên ủng hộ 10.000 đồng/năm (trừ hội viên thuộc diện nghèo). Đề án đã đi vào lòng người, đúng và trúng nên không gói gọn trong các đối tượng ban đầu mà thu hút cả các đơn vị quân đội đóng quân trên địa bàn, công an, biên phòng, dân quân tự vệ, cán bộ ban ngành, đoàn thể các cấp và nhân dân tham gia. Giống như một luồng gió mới đã tạo nên một phong trào đại đoàn kết dân tộc, đoàn kết quân với dân vì an sinh xã hội. Ví như cán bộ, chiến sĩ Ban CHQS huyện đảo Bạch Long Vĩ, tuy cuộc sống còn nhiều khó khăn, thiếu thốn nhưng vẫn tích cực mở rộng diện tích tăng gia sản xuất, làm thêm chuồng trại chăn nuôi gia súc gia cầm, thả cá, ủng hộ được 20 triệu đồng và chăm sóc một con liệt sĩ cùng 4 thương binh trên đảo. Quận Kiến An vận động được trên 231 triệu đồng, trong đó LLVTND ủng hộ 90 triệu đồng, Hội CCB trên 111 triệu đồng, cán bộ và nhân dân trong quận tham gia 30 triệu đồng... Trong 4 năm (2007 đến 2010) hai cơ quan vận động được 277 lượt tập thể và hàng vạn cá nhân ủng hộ với số tiền 3.489 triệu đồng. Ngoài ra các dòng họ, anh em, bè bạn, bà con xóm ngõ ủng hộ trên 300 triệu đồng cho các hội viên.
Với tiêu chí “Dân chủ, công khai, công bằng và đồng thuận”, từng chi hội, hội cơ sở phối hợp với cơ quan quân sự và lãnh đạo xã, phường, thị trấn khảo sát, xác định hộ CCB nghèo, thống nhất chung mức hỗ trợ 5 triệu đồng một gia đình. Toàn thành phố có gần 700 hộ hội viên CCB được nhận tiền ủng hộ để mua cây trồng, vật nuôi, thêm vốn làm ăn với 188 gia đình nuôi trâu, bò, dê, 112 hộ nuôi lợn; 74 hộ mua sắm công cụ sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; 29 hộ nuôi gia cầm; 20 hộ nuôi trồng thủy sản; 11 hộ nuôi ong; 39 hộ được tặng sổ tiết kiệm... Vậy là số hộ nghèo được nhận tiền, xác định được hướng làm ăn giống như được “trao cần câu, chỉ chỗ câu và hướng dẫn cách câu”.
Phát biểu tại Hội nghị tổng kết 4 năm thực hiện Đề án, Trung tướng Trần Hanh, Chủ tịch Hội CCB Việt Nam nhấn mạnh: Xuất phát từ tình thương yêu nhau của các thế hệ “Bộ đội Cụ Ho”à, mà Đề án ra đời. Đây là một việc làm hay, mới và giàu sức sáng tạo. Quá trình triển khai có bài bản, có sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền và hai cơ quan, có sức lan toả cả bề rộng và chiều sâu, mang tính xã hội hóa cao. Từ đó, tạo được động lực mới, động viên tinh thần cho các CCB có vốn phấn đấu vươn lên. Đề án đã đi đúng chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về đại đoàn kết toàn dân tộc, xóa đói giảm nghèo, đổi mới công tác dân vận trong tình hình mới.
Bài và ảnh: TÔ KIỀU THẨM
Bài 2: Trọn nghĩa quê hương, vẹn tình đồng đội