Chúng tôi xin đăng thư ngỏ của ông Nguyễn Thanh gửi ông chủ tịch phiên tòa phúc thẩm. Kính gửi: ông Cù Đình Thắng, Chủ tịch phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ kiện đòi bản quyền tác giả kịch bản phim “Biệt động Sài Gòn”. Tôi là: Nguyễn Thanh - nhà báo, thương binh - Báo Quân đội nhân dân.

Thưa ông!

Tôi đã viết bản kháng cáo bổ sung đề ngày 10-10 gửi Tòa phúc thẩm, nhưng trong kháng cáo bổ sung tôi không đề cập nhiều về bản nghị án của Tòa sơ thẩm xử ngày 11-5-2009. Tôi có những nhận xét về phiên tòa sơ thẩm của Toà án Hà Nội nhưng không tiện, nên tôi viết thêm thư ngỏ này.

Thưa ông!

Tôi gửi đơn khiếu kiện lên Tòa án Hà Nội từ 2004. Đơn tôi gửi khởi kiện ngay sau khi Quốc hội thông qua Bộ Luật quyền sở hữu trí tuệ, trong đó có Chương 25 quy định Luật bản quyền tác giả. Sau khi tôi gửi đơn lên Tòa Hà Nội, đơn của tôi bị lưu lại hơn một năm tại đó. Sau mấy chục lần tôi lên Tòa đề nghị thì đơn của tôi được chuyển về Tòa án quận Ba Đình. Đơn kiện của tôi lại bị chìm ở đây gần một năm. Với nhiều lần yêu cầu, đơn của tôi mới được giới thiệu chuyển về Tòa án quận Tây Hồ. Sau đó gần một năm nữa Tòa án quận Tây Hồ lại cho tôi chuyển về Tòa Hà Nội. Tại Tòa án Hà Nội, tôi đã được thẩm phán Nguyễn Thị Thanh Hà nhận đơn. Sau bốn lần gọi tôi lên bổ sung chỉnh lý đầy đủ hồ sơ chứng cứ thì hồ sơ lại chuyển giao sang cho thẩm phán Nguyễn Văn Dũng từ tháng 1-2009, tới ngày 11-5-2009 thì phiên tòa sơ thẩm Tòa Hà Nội được mở để xét xử vụ kiện của tôi.

Tôi đánh giá đây là một phiên tòa xử không hoàn chỉnh. Nghị án của Tòa sơ thẩm như sau:

  • Tòa chấp nhận lời giải trình của ông Lê Phương là: Ông Phương không viết được kịch bản vì sau khi tổ làm phim nghe xong phương án và giải pháp của ông Phương, thì bốn người đã ra Hà Nội, để lại mình ông Phương viết kịch bản. Ông trình bày với Tòa án là: Do họ bố trí cho ông ở một khách sạn yên tĩnh và sang trọng quá nên ông không viết được.

Người không viết được kịch bản đã tự nhận, tuy nhiên bản nghị án lại có những điểm sai rất cơ bản. Cụ thể điển hình tiếp dưới đây:

  • Tòa đã công nhận ông Phương không viết được kịch bản nhưng lại phủ quyết tôi cũng không phải là tác giả. Mọi người đều biết rõ trên phim có hai tác giả là Lê Phương - Nguyễn Thanh. Trong hai tác giả thì một tác giả tự nhận là không viết được kịch bản thì chỉ còn lại là tôi.

Nếu Tòa sơ thẩm bác bỏ tôi không là tác giả, thì bộ phim không có tác giả mà chỉ có đạo diễn, biên kịch, chủ nhiệm phim!

Tôi xin khẳng định với ông là: Ông Lê Phương là người không đàng hoàng. Việc chữa tên kịch bản phim “Biệt động Sài Gòn” thành “Những thiên thần ra trận” là vi phạm pháp luật, vi phạm đạo lý của dân tộc ta, sự vi phạm này chưa từng có trong lịch sử văn hóa nghệ thuật của nước ta. Ông Phương khẳng định tên kịch bản do ông đặt là “Những thiên thần ra trận” đã được Cục Điện ảnh và Thành uỷ TP Hồ Chí Minh thông qua, vậy tại sao Hãng phim truyện không lấy tên phim do ông Phương đặt mà lấy tên phim của tôi. Trên sách báo ông cho in các nơi sao lại phải sửa tên kịch bản “Biệt động Sài Gòn” thành “Những thiên thần ra trận”. Tôi xin bảo đảm là Thành uỷ và Bộ tư lệnh không bao giờ thông qua tên đặt của ông Lê Phương, vì cụm từ “Những thiên thần ra trận” là rất có ác cảm với đồng bào và chiến sĩ Sài Gòn. Trong thời chiến tranh, quân đội Sài Gòn đã thành lập nhiều đơn vị mang tên “Những thiên thần mũ đỏ”. Bọn lính này là lũ ác ôn khét tiếng đã giết nhiều cán bộ, đồng bào, chiến sĩ ta rồi mổ bụng lấy tim gan uống rượu...

Tôi xin báo cáo với ông về việc ông Lê Phương đã sửa chữa viết thêm một số đoạn trong kịch bản và kể cả 4 tập phim “Biệt động Sài Gòn” đã xây dựng, có rất nhiều nội dung rất thiếu hiểu biết về chiến tranh nhân dân cũng như kiến thức về quân sự. Nhận được kịch bản tôi viết, ông Phương cảm thấy hay và có thể kinh doanh được nên đã sửa tên kịch bản, viết thêm và thay đổi một số nội dung cho khác đi, rồi tổ chức một đường dây in ấn ở nhiều nơi. Trong lúc cộng sự dưới quyền của ông hành động thì ông không bao giờ lộ diện... Vì “không hiểu” tính cách của ông Phương nên thẩm phán Tòa án sơ thẩm Hà Nội thật sự không công minh.

Thưa ông! Việc lưu trữ hồ sơ tài liệu của các đơn vị do họ báo cáo là không thật chính xác. Đơn khiếu kiện của tôi trình lên Tòa Hà Nội từ năm 2004 và 4 tập phim hoàn thành năm 1987, như vậy đến lúc tôi nộp đơn kiện là chưa đầy 20 năm. Trong Bộ Luật quyền sở hữu trí tuệ (Chương 25 là Luật bản quyền) đã quy định: “Tác giả mất sau 50 năm, nhưng nếu có uỷ quyền cho thân nhân thì thân nhân vẫn được quyền đòi bản quyền...”. Các đơn vị và ông Lê Phương chưa qua thời hạn 20 năm mà nói là theo quy luật nên đã huỷ bỏ hết hồ sơ lưu trữ tức là sai quy định.

Thưa ông! Tôi đã tham gia nhóm người đầu tiên đi tìm mộ liệt sĩ ở chùa Non Nước - Ninh Bình. Các liệt sĩ hy sinh hơn 50 năm và lâu hơn thế mà vẫn tìm thấy hài cốt của họ. Trong vụ kiện của tôi còn rất nhiều nhân chứng sống, vì nó xảy ra chưa đầy 20 năm. Có chăng các đơn vị và ông Phương làm cớ khai trước Tòa để cố tình che giấu sự vi phạm của họ. Gần 20 năm (1987-2004) tôi làm đơn kiện, bởi đến khi đó tôi thấy Hãng phim truyện và những người làm phim họ chia nhau món tiền mua được rất nhiều nhà đất, ngược lại tôi không có một đồng nhuận bút. Đó là sự bất công.

Tôi tha thiết kính mong ông và Tòa phúc thẩm xem xét khách quan, xử thật công bằng, đúng luật để bảo vệ đạo lý của dân tộc ta.

Tôi xin trân trọng cảm ơn!

Kính thư

Nguyễn Thanh