Sau hàng chục năm phát triển, tên lửa chống tăng - ATGM đang trở thành loại vũ khí nguy hiểm đối với mọi phương tiện chiến đấu hiện đại. Ảnh: ATGM Kornet của Nga với khả năng xuyên hơn 1m thép sau giáp phản ứng nổ.

Từ nửa sau thế kỷ XX và tới tận thời điểm hiện tại, một trong những loại vũ khí chống tăng phổ biến và hiệu quả nhất chống lại phương tiện thiết giáp của đối phương chính là các tổ hợp tên lửa chống tăng (ATGM). Chúng liên tục được phát triển để trở thành một trong những loại vũ khí chống tăng tiêu chuẩn trên chiến trường hiện đại, nên “cũ’ mà là “mới”.

Kế thừa của pháo chống tăng

Trong Thế chiến 2, pháo binh chính là vũ khí chống tăng chủ lực. Tuy nhiên, với những cải tiến liên tục về vỏ giáp và thiết kế giáp của xe tăng đã khiến cỡ nòng pháo chống tăng phải mở rộng liên tục, đồng nghĩa với cồng kềnh và kém cơ động của các loại vũ khí chống tăng. Điểm đột phá của vũ khí chống tăng giai đoạn này chính là sự xuất hiện của các loại cầm tay sử dụng đầu đạn nổ lõm, tuy hiệu quả và nhỏ gọn, nhưng nhược điểm là tầm bắn ngắn, xạ thủ phải tiếp cận gần xe tăng mới khai hỏa được.

Tới khi ATGM sơ khai xuất hiện, toàn bộ những hạn chế trên đều được giải quyết. Nhất là mẫu ATGM đầu tiên của Liên Xô (Shmel) xuất hiện vào năm 1960, đã gây ấn tượng mạnh với khả năng tiêu diệt mục tiêu ở phạm vi 2km; bước cải tiến tiếp là, ATGM có thể tấn công chính xác các mục tiêu ở khoảng cách tới 3km và khả năng xuyên 400mm, trở thành vũ khí chống tăng rất nguy hiểm, mở ra thời đại của vũ khí chống tăng hiệu quả nhất trong thế kỷ XX.  

Vì sự hiệu quả trong chiến đấu, Malyutka đã góp mặt hầu hết trong các cuộc xung đột nửa sau thế kỷ XX, nhưng không phải ATGM không còn hạn chế, như hệ thống điều khiển phức tạp, cần tầm nhìn thẳng để tấn công mục tiêu. Những yếu điểm này đã được cải tiến ở ATGM thế hệ thứ 2, bằng sử dụng phương thức dẫn đường bán chủ động; tức là xạ thủ chỉ cần giữ mục tiêu trong tầm nhìn, hệ thống điều khiển tự động dẫn tên lửa tới trúng mục tiêu. Toàn bộ quỹ đạo bay của tên lửa được tự động hóa thông qua hệ thống điều khiển bằng dây dẫn, bám chùm laser hoặc kênh liên lạc vô tuyến, trong khi giá thành lại rẻ,  nên nó mau chóng trở thành vũ khí chống tăng phổ biến ở nhiều quốc gia trên thế giới...

“Bắn và quên”

Dù có nhiều cải tiến, ATGM thế hệ 2 vẫn cần người điều khiển để lái tên lửa cho tới khi nó đánh trúng mục tiêu. Tới ATGM thế hệ thứ 3, toàn bộ quy trình này đã được tự động hóa với thuật ngữ “bắn và quên”. Theo đó, xạ thủ chỉ cần phát hiện và khóa mục tiêu. Sau khi tên lửa rời bệ, xạ thủ có thể thoát ly, toàn bộ quy trình tìm kiếm và tấn công mục tiêu đều do hệ thống tích hợp trên đạn thực hiện.

Mẫu ATGM nổi tiếng nhất của phương thức này chính là FGM-148 Javelin của Mỹ, sử dụng phương thức dẫn đường hồng ngoại, đạn tên lửa trang bị ngòi nổ điện tử và cơ cấu đầu đạn nối tiếp để tối ưu khả năng xuyên giáp. Điểm đặc biệt nhất của FGM-148 Javelin chính là khả năng tấn công đột nóc - nơi bọc giáp mỏng nhất của phương tiện thiết giáp.

Hệ thống điều khiển sau khi phát hiện mục tiêu sẽ tính toán quỹ đạo theo dạng bán cầu. Thông tin này được nạp vào đạn tên lửa để sau khi rời bệ, nó sẽ dùng cảm biến hồng ngoại hiệu chỉnh đường bay tấn công chính xác mục tiêu. Phương thức phóng đặc biệt này, khiến khả năng xuyên giáp chỉ cần sâu 750mm  sẽ tạo phản ứng nổ tiêu diệt mục tiêu. Do phức tạp trong chế tạo khiến giá thành của mỗi tổ hợp FGM-148 lên tới hơn 100.000 USD vào năm 2018.

Chạy đua với FGM-148, Israel đã nghiên cứu, sản xuất thành công ATGM thế hệ 3, có khả năng tấn công mục tiêu ngoài tầm nhìn thẳng ở khoảng cách tới 25km - nhờ hệ thống dẫn đường phức hợp giữa quán tính, định vị vệ tinh và cảm biến tự dẫn của tên lửa.  

Trong thời gian gần đây, các thiết bị bay không người lái tự sát đang dần phổ biến. Chúng sẽ cần thêm thời gian hoàn thiện để định hình thế hệ vũ khí chống tăng hoàn toàn mới.  

Kim Ngân (tổng hợp)