Cán bộ khuyến nông hướng dẫn kỹ thuật tái canh, chăm sóc cây cà phê cho hội viên CCB T.P Sơn La (tỉnh Sơn La).

Trong những năm qua, công tác giảm nghèo luôn là một chủ trương, chính sách lớn, quan trọng của Đảng và Nhà nước ta. Hệ thống chính sách hướng tới mục tiêu giảm nghèo được đặc biệt quan tâm bố trí nguồn lực và kiên trì, bền bỉ thực hiện qua từng giai đoạn.

Để đẩy mạnh công tác giảm nghèo, Việt Nam đã nhiều lần điều chỉnh tiêu chí nghèo; từ các tiêu chí về lương thực nhằm bảo đảm có ăn, có mặc, đến áp dụng giá cả, thu nhập, mức sống tối thiểu...

Giai đoạn 2016-2021, chuẩn nghèo đa chiều với các tiêu chí nhận diện là thu nhập và 5 chỉ tiêu (10 chỉ số) về thiết hụt các dịch vụ xã hội đã được áp dụng để đo lường tình trạng nghèo. Trong giai đoạn 2022-2025, chuẩn nghèo đa chiều mới với chuẩn nghèo thu nhập và 6 chiều dịch vụ xã hội cơ bản tương ứng với 12 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản.

Theo dữ liệu từ Tổng cục Thống kê, năm 2022 theo chuẩn nghèo mới, toàn quốc có 4,3% hộ nghèo đa chiều. Xét về 12 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản, các hộ gia đình Việt Nam năm 2022 thiếu hụt nhiều nhất về việc làm (39,8%), trình độ giáo dục người lớn (33,6%), dinh dưỡng (24,1%) và bảo hiểm y tế (22,4%).

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến nghèo đa chiều, nhưng hiện nay chủ yếu là do thiếu sinh kế, thiếu kỹ năng nghề nghiệp, chất lượng nguồn nhân lực thấp, khó tiếp cận việc làm dẫn đến thu nhập thiếu bền vững. Hiệu quả kết nối giữa sản xuất với thị trường tiêu thụ sản phẩm, phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị kém, chưa giải quyết được vấn đề thiếu đất sản xuất, nhà ở; giảm nghèo về thông tin, cải thiện dinh dưỡng cho người nghèo còn hạn chế. Nguồn lực đầu tư cho công tác giảm nghèo còn dàn trải, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn. Một nguyên nhân chung gây đói nghèo của vùng lõi nghèo đó thường là những vùng có địa hình hiểm trở, kinh tế - xã hội và cơ sở hạ tầng thiếu thốn…

"Một thách thức hiện nay trong công tác giảm nghèo là vẫn còn một bộ phận người nghèo chưa chủ động vươn lên mà còn tâm lý trông chờ, ỷ lại. Trong khi đó, thiên tai, dịch bệnh có thể làm gia tăng đáng kể số hộ nghèo; đại dịch Covid-19 xảy trong 2 năm vừa qua là một "phép thử" rõ nhất. Hơn nữa, dù hệ thống chính sách, pháp luật về giảm nghèo được ban hành khá đồng bộ, toàn diện, nhưng vẫn còn một số cơ chế, chính sách, chương trình giảm nghèo chưa thực sự hiệu quả" - Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung phát biểu tại cuộc làm việc với Tổ công tác Đoàn giám sát của Quốc hội về kết quả triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.

Trong các chương tình mục tiêu quốc gia giảm nghèo của giai đoạn trước, đào tạo nghề, việc làm chỉ được đề cập ở một khía cạnh. Nhưng trong chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2021-2025, nội dung về đào tạo nghề và giải quyết việc làm được thiết kế thành một dự án riêng là dự án số 4 và có mục tiêu, lộ trình và các chỉ tiêu cụ thể. Theo đó, mục tiêu của chương trình là phát triển giáo dục nghề nghiệp cả về quy mô và chất lượng đào tạo, hỗ trợ đào tạo nghề cho người nghèo, người dân sinh sống trên địa bàn tỉnh có huyện nghèo, gắn kết chặt chẽ giáo dục nghề nghiệp với tạo việc làm, sinh kế bền vững, tăng thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống. Đối tượng là người học nghề, lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; người lao động có thu nhập thấp; các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh có huyện nghèo; các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức và cá nhân có liên quan…

Đây là một trong những thay đổi trong cách tiếp cận để giải quyết vấn đề giảm nghèo bền vững, tiếp cận ở góc độ người lao động có kỹ năng, có việc làm một cách thỏa đáng, bền vững. Đó chính là cái căn cơ để giải quyết các vấn đề khác như thiếu hụt về thu nhập, thiếu hụt về tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản...

Nếu chỉ tác động vào vấn đề hỗ trợ theo kiểu cho “con cá” hay “cần câu”, mà không giải quyết việc làm bền vững cho người dân, hay nói cách khác, nếu người dân có “cần câu” mà không biết cách câu và không có động lực đi câu cũng không giải quyết được vấn đề. Do đó, việc đào tạo nâng cao kỹ năng, nhận thức là một trong những vấn đề được đề cập sâu cho giai đoạn tiếp theo. Theo đó cần có các chỉ tiêu cụ thể, vừa tạo việc làm tại chỗ, vừa hỗ trợ tư vấn hướng nghiệp, có những chỉ tiêu về người lao động được hỗ trợ đào tạo, cũng như hỗ trợ đào tạo kỹ năng, hỗ trợ đào tạo ngoại ngữ để người lao động có thể tham gia làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng nếu có nhu cầu.

Hồ Thanh Hương