Bảng xếp hạng gồm 125 nền kinh tế trên thế giới, riêng thứ hạng của các quốc gia ASEAN được Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) đề cập qua bản báo cáo về thúc đẩy thương mại trong ASEAN, công bố ngày 3/6 tại Việt Nam, trước thềm Hội nghị WEF Đông Á 2010 diễn ra vào các ngày 6-7/6 tới đây. Chỉ số thúc đẩy thương mại (ETI) được WEF đánh giá qua các tiêu chí về tiếp cận thị trường, quản lý biên giới, thủ tục hải quan, dịch vụ vận chuyển, cơ sở hạ tầng, thông tin liên lạc và môi trường kinh doanh, với sự tham vấn các công ty hàng đầu trong lĩnh vực dịch vụ hậu cần và vận tải, cùng các chuyên gia thương mại hàng đầu thế giới. Ngoài Sinhgapore giữ nguyên vị trí dẫn đầu bảng xếp hạng (6,06 điểm), Việt Nam (3,96 điểm) là quốc gia duy nhất trong sáu quốc gia thành viên ASEAN còn lại được xếp hạng có sự thăng hạng trong năm 2010. Báo cáo của WEF cho rằng Việt Nam có bước nhảy vọt đến 18 bậc về xếp hạng ETI là do những cải thiện trong môi trường thương mại của Việt Nam, phản ánh những cam kết của Việt Nam từ khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Những cải thiện được ghi nhận với sự tự do hóa của thương mại hàng hóa và dịch vụ, các cải tiến về thủ tục hành chính cửa khẩu và những nỗ lực gần đây về cải tiến thủ tục hải quan. Bên cạnh những cải thiện được ghi nhận vẫn còn những mặt hạn chế ảnh hưởng đến thúc đẩy thương mại và môi trường kinh doanh của Việt Nam, trong đó có công tác quản lý biên giới và cơ sở hạ tầng giao thông chưa đáp ứng được nhu cầu của bùng nổ kinh tế.
Malaysia dù vẫn đứng thứ hai khu vực (4,71 điểm) nhưng đã tuột hai bậc, từ vị trí thứ 28 năm 2009 xuống thứ 30.
Thái Lan từ vị trí thứ 50 xuống 60 (4,13 điểm), Indonesia từ 62 xuống 68 (3,97 điểm), Phi-lip-pin từ 82 xuống 92 (3,72 điểm) và Campuchia từ 91 xuống 102 (3,57 điểm)./.
Theo TTXVN
Cao Thúy