Từ phía bắc đầu cầu Đò Lèn (thuộc địa phận huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hoá), rẽ phải qua quốc lộ 1A và đường sắt Bắc - Nam, nếu đi đường, bộ du khách theo dọc đê sông Lèn, qua xã Hà Ngọc là đến xã Hà Sơn cách 10km, nơi có “Tháng sáu hội Gai” chính là lễ hội Đền Hàn hay đền Hàn Sơn.

Di sản văn hoá Hàn Sơn

Khu di tích đền Hàn Sơn tọa lạc trên sườn núi Chúa Ngự, thôn Chí Phúc, lung linh soi bóng xuống dòng sông Lèn. Về mùa mưa, dòng nước lũ hung dữ ở các nơi đổ về tung bọt trắng xoá, nhân dân gọi là Hàn (thác), tên đền Hàn có từ đó. Được biết, lúc Lê Thọ Vực mới mất, đền Hàn đặt ở khu vực đền Bông bây giờ, sau đó mới dời đến đặt ở sườn núi Chúa Ngự (cách hơn 1km). Đền Hàn Sơn xưa (còn gọi đền Đức Ông) gồm có 4 cung rất uy nghi, tráng lệ ở sát bờ sông Lèn. Cung tứ thờ Đức ông Lê Thọ Vực, cung nhất, cung nhị thờ Mẫu, cung tam thờ Hội đồng.

Qua khảo sát nghiên cứu lập hồ sơ khoa học xếp hạng di tích thì vị thần thờ ở đền Hàn Sơn là nhân vật Sùng Quốc công Lê Thọ Vực; còn hệ thống thờ Mẫu và thờ Hội đồng là do người đời sau thêm vào. Sau năm 1954, do nhận thức chưa đúng trong việc bài trừ tệ nạn mê tín, dị đoan, ngôi đền đã bị xoá bỏ. Giờ đây, trong tâm thức, khát vọng địa phương và du khách thập phương hảo tâm ủng hộ tinh thần, vật chất lên tới hàng chục tỷ đồng trùng tu xây dựng (vật liệu mới) bền vững, đem lại vẻ nguy nga, nhưng vẫn giữ cốt cách kiến trúc của đền Hàn xưa

Cụm di tích thắng cảnh Hàn Sơn gồm: Đền Hàn, đền Bông, chùa Ngọc Sơn, thuộc xã Hà Sơn, huyện Hà Trung, Thanh Hoá được xếp hạng cấp tỉnh tháng 2-1992, là một trong các điểm du lịch của huyện được UBND tỉnh công nhận năm 2018.  

Lê Thọ Vực, vị tướng tài thời Lê sơ

Theo tài liệu, bia ký và truyền thuyết dân gian về vị tướng tài Lê Thọ Vực (dân gian gọi là Đức Ông) tôn thờ trong ngôi đền Hàn Sơn vì có công bảo vệ đất nước. Bản dịch văn bia ở đền Hàn Sơn của nhà nghiên cứu Hán Nôm - Bùi Xuân Vĩ (Thư viện tỉnh Thanh Hoá), tóm tắt tiểu sử về ông như sau: Khoảng năm đầu Hồng Đức, triều vua Lê Thánh Tông - 1470, Lê Thọ Vực theo binh đi phạt Chiêm Thành. Trong trận đánh vây thành Đồ Bàn (thủ phủ Chiêm Thành), Lê Thọ Vực đã xông lên trước bắt sống vua Chiêm là Trà Toàn. Đến năm Kỷ Hợi (1479) nhân có tù trưởng, người đứng đầu xứ Bồn Man là Cầm Công có ý làm phản, xui người Lão Qua (Lào) quấy nhiễu ở miền tây nước Việt ta. Lê Thọ Vực được triều đình trao chức Chinh Di tướng quân; ông cùng các tướng như Trịnh Công Lộ (con trai khai quốc công thần Trịnh Khả, triều Lê Lợi), Lê Đình Ngạn, Lê Công, Lê Hưng Hiến kéo binh đi đánh giặc. Toàn thắng trở về, Lê Thọ Vực được vua phong chức Bình Chương Quân quốc trọng sự. Về sau, ông được làm đến chức Thái uý, đứng đầu hàng võ và được vua ban tước Sùng Quốc công.

Khi ông Lê Thọ Vực ở địa vị chính sự, vua Lê Thánh Tông thường bàn tính công việc với ông nhiều lần. Lại còn truyền rằng, lúc Lê Thọ Vực đi đánh Chiêm Thành, tất cả người Chiêm nào bắt được, ông đều vâng mệnh triều đình lập trang trại, sai khai khẩn đồng ruộng như các trang trại Quán Bò, Quán Bốn và các trang trại này về sau này đều có miếu thờ ông (tức Lê Thọ Vực). Cũng theo văn bia và sự tích dân gian, Lê Thọ Vực là người đã chỉ cho dân việc khai hoang, lập đồn điền ở vùng đất Đại Lại; sau này thành các làng xã là Hà Sơn, Hà Lĩnh, Hà Đông thuộc huyện Hà Trung ngày nay.

Lễ hội văn hóa Hàn Sơn

Theo thông lệ, hằng năm lễ hội Hàn Sơn khai mạc từ ngày 1 đến 12-6 âm lịch; nhân dân trong vùng, du khách thập phương về trảy hội đông đúc tới hàng ngàn lượt người. Lễ hội Hàn Sơn năm 2024 được tổ chức tại đền Hàn và đền Bông. Về phần lễ, thực hiện theo nghi thức trang trọng, chu đáo và ngày càng được nâng cao, chuyên nghiệp hơn. Còn phần hội, được phục dựng theo hướng sân khấu hoá với hình thức nghệ thuật hấp dẫn sinh động. Các tiết mục diễn xướng, văn nghệ truyền thống được kết hợp với phong cách âm nhạc hiện đại được các ca sĩ, nghệ sĩ, nghệ nhân dân gian thể hiện tạo được nhiều cung bậc cảm xúc trong lễ hội: “Bài ca Hà Sơn quê hương tôi”, “Lạy Mẫu anh linh”, “Ân tình Cô Ba Bông”, “Trẩy hội Hàn Sơn”… Du khách có dịp chiêm ngưỡng cảnh đẹp tự nhiên tại đền Ba Bông nằm kề sát bờ sông, nơi ngã ba sông thuyền bè lên ngược về xuôi, khi lên thác xuống gềnh dễ gặp nguy hiểm đã có Bà Chúa Nước phù hộ cho mọi người sự an lành… Lễ rước nước lớn nhất tại đền Ba Bông vào ngày ngày cuối lễ hội (12-6 âm lịch), sau đó là các cuộc đua thuyền náo nhiệt trên sông nước, làm khuấy động một vùng trời - đất - núi - sông của 5 huyện kề sát (Hà Trung, Vĩnh Lộc, Hoằng Hoá, Hậu Lộc, Yên Định). Trước trong và sau lễ hội, công tác an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, phòng chống cháy nổ… được chuẩn bị tích cực, chu đáo và đảm bảo an toàn; môi trường giao tiếp ứng xử văn hoá, thân thiện làm hài lòng đại biểu, nhân dân và du khách đến với lễ hội. Từ vài thế kỷ nay, đền Hàn Sơn đã trở thành điểm đến hấp dẫn thu hút hàng nghìn lượt người mỗi ngày vào dịp lễ hội, không chỉ của người xứ Thanh mà còn là của du khách trong và ngoài nước.

Nhiệm vụ đặt ra cho Đảng bộ và nhân dân Hà Sơn, huyện Hà Trung phải tiếp tục quan tâm bảo lưu, gìn giữ và phát huy giá trị di sản văn hoá quý giá trên địa bàn xã. Lễ hội văn hóa Hàn Sơn “Bảo tàng sống về văn hoá dân gian” hằng năm là thể hiện đạo lý truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, trân trọng “Giữ gìn và phát huy giá trị bản sắc văn hoá dân tộc” theo chủ trương của Đảng đã đề ra, thiết thực góp phần xây dựng Nông thôn mới.

Lê Như Cương