(Tiếp theo số tháng 3-2020 và hết)
Ngày ấy, hàng ngũ Trưởng Phó ban chúng tôi quân hàm rất thấp, đa số là đại úy, thượng úy, cá biệt mới có người quân hàm thiếu tá; chứ không được như bây giờ, Trưởng, Phó ban đều có quân hàm trung tá trở lên. Đó là những năm đầu thực hiện Luật Sĩ quan mới, nhiều tiêu chí mới, anh em vốn trưởng thành trong chiến đấu ít được đào tạo cơ bản. Xung quanh chuyện đề bạt quân hàm cũng có nhiều giai thoại, tạo nguồn cảm hứng cho CLB “Thơ chiến sĩ cười” với nhiều bài thơ vui.
Một buổi chiều, vừa từ phòng làm việc của thủ trưởng Sư đoàn về, bỗng thấy đại úy, bác sĩ Đỗ Xuân Quýnh, lính 1954 Chủ nhiệm Quân y Sư đoàn đang phơi ngô. Anh gọi tôi: "Trưởng ban Tuyên huấn vào uống nước đã, có chè ngon đây".
Vào phòng anh, tôi chưa kịp ngồi xuống chiếc chõng tre, anh đọc liền mấy câu thơ:
Nghe tin thiếu tá đã từ lâu/ Chờ mãi quân hàm chẳng thấy đâu/ Trưa nằm trằn trọc không ngủ được/ Vùng dậy phơi ngô để giải sầu.
Rồi anh tiếp luôn:
- Nếu quân hàm không được thì chí ít phải giữ lấy tạ ngô này cho khỏi ẩm mốc, kẻo lại xôi hỏng bỏng không.
Còn như đại úy Vũ Tiết Kiệm, lính nghĩa vụ 1959, Chủ nhiệm Công binh (người mà tôi đã nhắc đến ở kỳ trước) nghe anh em nói: Anh nuôi được nhiều gà, ngan, vịt, cá để dành chuẩn bị khao quân hàm thiếu tá. Nhưng thật không may năm ấy anh không được đề bạt. Ngay lập tức CLB “Thơ chiến sĩ cười” đã tặng anh một bài thơ dài:
Này gà, này vịt, này ngô/ Này cá trắm cỏ dưới hồ nghe đây/ Anh lên thiếu tá phen này/ Sẽ cho tất cả chúng mày lên mâm.
Và/ Này gà, này vịt, này ngan/ Cớ sao vẫn đứng thẳng hàng thế kia/ Thưa anh thiếu tá ra rìa/ Nhờ anh chúng em được thả về tự do.
Nghe anh em truyền miệng nhau, lúc đầu nghe thơ anh Kiệm cũng bực mình, mắng vu vơ: “Đứa nào chọc ngoáy nhận đi, tao cho luôn tất cả ngan, gà, vịt đấy!”. Mọi người nhao nhao lên, ai cũng nhận mình là tác giả đòi đến lấy ngan, vịt của anh, khiến anh cũng phải bật cười. Và cứ thế, còn có thơ vui về mấy cô Tuyên văn của Phòng Chính trị ở chung với nữ chiến sĩ nuôi quân. Trong một đêm gió lốc, mưa đá, nhà đổ cuốn bay mọi thứ. Ngay sáng hôm sau đã có thơ:
Đêm ngày hai tám tháng ba
Một cơn mưa đá đổ nhà chị nuôi
Em chạy ngược, cháu chạy xuôi
Người vào nhà tắm, người chui gầm giường…
Cháu ơi đừng khóc chú thương,
Đến mai trời sáng chú tìm quần cho….
Và đến hai câu: “Cháu ơi, cháu chớ có lo/ Nếu mất quần lót chú cho quần đùi” thì không ai nhịn được cười. Thật táo tợn, không dung tục chút nào; nghe xong mấy cô Tuyên văn, Nuôi quân cứ đấm lưng nhau thùm thụp, cười đùa rúc rich.
Một lần đi giao ban Sư đoàn về, trung tá Phạm Ngọc Phán - Chủ nhiệm Chính trị nói với anh em Ban Tuyên huấn chúng tôi: Hôm nay giao ban xong, Sư phó chính trị nói “xoáy” mình: Phong trào thơ ca gần đây nở rộ, Phòng Chính trị xem có chọn được bài nào cho Đội Tuyên văn đi hội diễn Quân đoàn, Quân khu không? Thơ ca thì tốt nhưng không quá đà, phải đúng hướng đấy nhé.
Nghe xong tất cả chúng tôi cùng phá lên cười.
Ngày ấy, thấm thoắt đã hơn bốn chục năm rồi. Gió bụi, thời gian, tuổi tác cùng những lo toan cuộc sống không thể làm mờ phai những kỷ niệm đẹp trong tâm trí thế hệ chúng tôi. Trong khó khăn, gian nan, vất vả, chúng tôi cùng nhau đoàn kết vượt lên trên những cam go, thử thách, sáng tạo ra một cuộc sống tinh thần phong phú; lạc quan sống, lạc quan yêu đời, lạc quan chiến đấu. Chính điều đó đã góp phần cho chúng tôi sức mạnh, niềm tin để đứng vững nơi tuyến đầu, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc. Thế hệ cán bộ ngày ấy, giờ đây có người đã về cõi vĩnh hằng như cố Trung tướng Đào Trọng Lịch, cố Thiếu tướng Phạm Ngọc Phán và nhiều người khác nữa… Và đa số chúng tôi hôm nay đều đã là những cựu chiến binh ở vào tuổi thất thập nhưng ký ức về ngày ấy càng ngày càng trở nên da diết. Và tôi viết lại mấy câu chuyện có thật trong rất nhiều câu chuyện về chúng tôi ngày ấy để tri ân, thay lời nhắn gửi những đồng đội thương mến của tôi.
Tháng 2 năm 2020
Đỗ Hoàng Linh - (Trưởng ban Tuyên huấn Sư đoàn 316)