Các đại biểu dự Hội nghị.

Sáng ngày 9-11-2022, T.Ư Hội CCB Việt Nam tổ chức Hội nghị hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam (9-11). Tới dự có Thượng tướng Nguyễn Văn Được - Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội CCB Việt Nam; Thượng tướng Phạm Hồng Hương - Phó chủ tịch Hội; Trung tướng Khuất Việt Dũng - Phó chủ tịch Hội, Bí thư Đảng ủy Cơ quan T.Ư Hội, Chủ tịch Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Hội CCB Việt Nam. Ban Tổ chức Hội nghị mời Đại tá, Thạc sĩ Nguyễn Thái Bình - Phó cục trưởng Cục Điều tra hình sự, Bộ Quốc phòng, Báo cáo viên Pháp luật T.Ư giới thiệu về “Một số quy định cơ bản của pháp luật về phòng, chống tham nhũng và kết quả đấu tranh chống tham nhũng”.

Trung tướng Khuất Việt Dũng phát biểu khai mạc Hội nghị.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Trung tướng Khuất Việt Dũng nhấn mạnh: Hội nghị hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam hằng năm của T.Ư Hội CCB Việt Nam tạo hiệu ứng, thu hút sự quan tâm của các cấp Hội, góp phần xây dựng lối sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật, nâng cao ý thức trách nhiệm, nghĩa vụ công dân, ý thức tuân thủ pháp luật, tự giác chấp hành thực thi pháp luật vì sự bình yên và tương lai của mỗi người và sự ổn định, phát triển của đất nước. Trong những năm gần đây, Quốc hội ban hành nhiều văn bản Luật, trong đó có những văn bản liên quan đến quyền và nghĩa vụ của công dân, như: Luật Căn cước công dân, Luật Cư trú, Luật An ninh mạng,… Phó chủ tịch Hội nhắc nhở: Mỗi cán bộ hội viên; công chức, viên chức và người lao động đang công tác tại Cơ quan T.Ư Hội cần thường xuyên nghiên cứu, học tập để nắm vững và gương mẫu thực hiện các quy định của pháp luật.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Hạnh - Trưởng ban Pháp luật T.Ư Hội CCB Việt Nam giới thiệu chương trình Hội nghị.

Năm 2022, Hội nghị tập trung tìm hiểu một số quy định cơ bản về pháp luật phòng, chống tham nhũng qua những trao đổi, chia sẻ của Đại tá, Thạc sĩ Nguyễn Thái Bình. Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005 cơ sở pháp lý quan trọng cho công tác phòng chống tham nhũng, đã có tác động tích cực là răn đe và ngăn chặn tham nhũng. Từ 2005 đến nay, trong quá trình thực hiện, để khắc phục những hạn chế và phù hợp với thực tế, phù hợp với quá trình hội nhập, Quốc hội đã nhiều lần sửa đổi, bổ sung, như: Năm 2007, Quốc hội ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống tham nhũng số 01/2007/QH11; Năm 2012, Quốc hội ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống tham nhũng số 27/2012/QH13 và gần đây nhất, năm 2018, Quốc hội ban hành Luật PCTN số 36/2018/QH14.

Đại tá, Thạc sĩ Nguyễn Thái Bình giới thiệu một số điểm nổi bật của trong việc xây dựng và thực hiện pháp luật phòng, chống tham nhũng.

Luật Phòng, chống tham nhũng 2018 có nhiều điểm mới về: Phạm vi điều chỉnh; không chỉ quy định người có hành vi tham nhũng mà quy định cả cơ quan, tổ chức có hành vi tham nhũng đều bị xử lý; quy định hành vi tham nhũng khu vực trong nhà nước và hành vi tham nhũng ngoài khu vực nhà nước; quy định về đối tượng kê khai và hình thức kê khai tài sản thu nhập…

Trong giai đoạn 2012 - 2022, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 2.740 tổ chức đảng, hơn 167.700 cán bộ, đảng viên, trong đó có 7.390 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng; đã kỷ luật 170 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý. Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay đã thi hành kỷ luật 50 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý.

Từ năm 2012 đến nay, qua công tác thanh tra, kiểm toán, đã xử lý, thu hồi được hơn 975 nghìn tỷ đồng, gần 76 nghìn ha đất; xử lý trách nhiệm gần 44.700 tập thể, cá nhân; chuyển cơ quan điều tra, xử lý gần 1.200 vụ việc có dấu hiệu phạm tội; kiến nghị sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ, thay thế hơn 2.000 văn bản, trong đó có nhiều văn bản quy phạm pháp luật không còn phù hợp.

Trong 10 năm qua, các cơ quan tố tụng trong cả nước đã khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm gần 16.000 vụ án tham nhũng, chức vụ, kinh tế với hơn 30.300 bị cáo. Riêng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã đưa vào diện theo dõi, chỉ đạo gần 1.000 vụ án, vụ việc ở 3 cấp độ; trong đó trực tiếp theo dõi, chỉ đạo 313 vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, đã đưa ra xét xử sơ thẩm 120 vụ án, 1.083 bị cáo.

Hội nghị đã cung cấp nhiều kiến thức, thông tin thiết thực giúp mỗi cán bộ, công chức, viên chức Cơ quan T.Ư Hội hiểu rõ hơn về pháp luật phòng, chống tham nhũng, qua đó chấp hành nghiêm các quy định pháp luật và thực hiện chức năng tham mưu, giám sát việc thực thi của các cơ quan chức năng, cùng cả hệ thống chính trị tham gia đấu tranh, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực...

HỒ THANH HƯƠNG